Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa tổ chức công bố Chỉ số CCHC năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS).
Theo kết quả được công bố, năm 2018 không có Bộ nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 70%, tuy nhiên chỉ có 8 Bộ có Chỉ số CCHC trên mức trung bình. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số CCHC năm 2018 cao nhất với 90,57%; Bộ Giao thông vận tải đạt thấp nhất với 75,13%.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chỉ số CCHC năm 2018 được phân thành 4 nhóm: Nhóm A đạt kết quả từ 80% trở lên, gồm 9 tỉnh, thành phố; nhóm B đạt từ 75% đến dưới 80%, gồm 36 tỉnh, thành phố; nhóm C đạt từ 70% đến dưới 75%, gồm 15 tỉnh, thành phố; nhóm D đạt dưới 70%, 3 tỉnh, thành phố.
"Kết quả, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số đạt 89,06%; thành phố Hà Nội tiếp tục đứng vị trí thứ hai với kết quả 83,98%. Tiếp đó lần lượt là Đồng Tháp 83,71%; Đà Nẵng 83,7%; Hải Phòng 83,68%. Trong năm 2018 không có địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC dưới 60%.
Chỉ số CCHC là công cụ quản lý được Bộ Nội vụ xây dựng và áp dụng từ năm 2012 đến nay nhằm giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả CCHC hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chỉ số CCHC bao gồm 2 bộ tiêu chí đánh giá riêng cho cấp bộ và cấp tỉnh, được thiết kế, xây dựng trên cơ sở cụ thể hoá và bám sát các nhiệm vụ CCHC mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, các tỉnh thực hiện.
Quá trình triển khai từ năm 2012 đến nay, Bộ Nội vụ đã 3 lần rà soát, điều chỉnh để hoàn thiện hệ thống tiêu chí cho phù hợp thực tiễn triển khai và các quy định CCHC mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.