Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn nơi có công trình vi phạm, phối hợp với Đội Thanh tra Xây dựng địa bàn và các phòng chuyên môn tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các vi phạm còn tồn tại.
Thành phố yêu cầu các cơ quan này phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xây dựng trên địa bàn, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm đất đai, nghiêm túc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi để xảy ra vi phạm.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, Hà Nội hiện còn 240 trường hợp vi phạm tồn đọng chưa được xử lý. UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan phối hợp xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm 240 trường hợp chậm nhất đến ngày 31/12/2017.
Đồng thời, định kỳ ngày 20 hàng tháng, báo cáo kết quả thực hiện việc kiểm tra, xử lý các trường hợp còn tồn đọng trên địa bàn về Văn phòng Thành ủy, UBND Thành phố và Sở Xây dựng. Các đơn vị báo cáo kịp thời vướng mắc lên UBND Thành phố, Sở Xây dựng những vấn đề vượt thẩm quyền, những bất cập và các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để điều chỉnh kế hoạch theo quy định.
Chủ tịch quận, huyện, thị xã và các đơn vị chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về những tồn tại, hạn chế, yếu kém hoặc các trường hợp phát sinh vi phạm mới.
Thời gian qua, báo chí liên tục phản ánh về tình trạng các dự án, công trình vi phạm trật tự xây dựng. Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thừa nhận tình trạng các chủ đầu tư có vi phạm liên quan đến quy hoạch chi tiết tại các khu đô thị đã được xây dựng. Trong quá trình phê duyệt quy hoạch chi tiết đều được các cơ quan tham mưu của TP trình trên cơ sở phê duyệt của Bộ Xây dựng, Chính phủ phê duyệt.
Nhưng một số chủ đầu tư vẫn có vi phạm liên quan đến quy định về mật độ xây dựng, chiều cao, đơn cử nhu khu đô thị Đại Thanh , Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) của doanh nghiệp xây dựng số 1 Điện Biên.
>> Hà Nội đề xuất xây khu ga Hà Nội cao 40 - 70 tầng: Chỉ lợi cho doanh nghiệp BĐS?