Hải Phòng sẽ đóng góp gần 11.000 tỷ đồng thực hiện tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là một dự án giao thông trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối vùng kinh tế phía Bắc với các tỉnh thành khác trên cả nước…

Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng có ý nghĩa quan trọng trong kết nối vùng kinh tế phía Bắc
Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng có ý nghĩa quan trọng trong kết nối vùng kinh tế phía Bắc

Ủy ban nhân dân thành phố đã đề xuất về việc Hải Phòng sẽ đóng góp với tổng kinh phí khoảng 10.960 tỷ đồng vào nguồn vốn Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố (cả 2 giai đoạn) và xây dựng tuyến nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đồ Sơn trước năm 2030, chiều dài 12,63km.

Đây là thông tin được đề xuất trong Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố thông qua việc đóng góp kinh phí từ nguồn vốn ngân sách thành phố để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng (đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng), để đồng bộ với các nội dung quy hoạch trong Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến độ đầu tư xây dựng khu bến cảng Nam Đồ Sơn và Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng (đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 4/12/2024).

Chính quyền thành phố nhận định, việc triển khai Dự án có ý nghĩa tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Cảng, góp phần từng bước phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, qua đó tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững đúng như mục tiêu Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Hải Phòng đánh giá dự án sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa trên hành lang Đông Tây, là cửa ngõ giao thương với thế giới qua các cảng biển lớn khu vực Hải Phòng, cũng như kết nối liên vận quốc tế về giao thông đường sắt tại cửa khẩu Lào Cai.

Vừa qua, trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.

Theo đó, điểm đầu của tuyến đường sắt là vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), điểm cuối tuyến tại khu bến Lạch Huyện. Tuyến đường sắt đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố, chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km và có 3 tuyến nhánh dài khoảng 27,9km.

Về quy mô, sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt điện khí hóa, khổ 1.435mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa. Tuyến chính thiết kế tốc độ từ 120 đến 160km/giờ, tuyến nhánh thiết kế tốc độ 80km/giờ.

Toàn tuyến dự kiến bố trí 18 ga, trong đó có 3 ga lập tàu, 15 ga hỗn hợp; 13 trạm tác nghiệp kỹ thuật. Sơ bộ, tổng nhu cầu sử dụng đất phục vụ dự án là khoảng 2.632ha, số dân tái định cư là 19.136 người.

Hình thức đầu tư dự án được đề xuất là đầu tư công. Tổng mức đầu tư dự án là khoảng 203.231 tỷ đồng (tương đương khoảng 8,369 tỷ USD). Dự án được đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2030. Nguồn vốn đề nghị gồm ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương), nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài (vay Chính phủ Trung Quốc) và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Được đánh giá có hướng tuyến tối ưu, Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng chạy dọc theo sông Hồng và đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, rất thuận lợi cho kết nối đường bộ và đường sắt. Việc phát triển giao thông vận tải đường sắt trên hành lang kinh tế Đông Tây "Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng" không chỉ thúc đẩy kinh tế mậu dịch qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn hình thành tuyến thông đạo bằng đường sắt liên kết Đông Á-Trung Á-châu Âu; tạo không gian phát triển mới, đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ... tại các địa phương dọc hành lang tuyến.

Các doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm chi phí vận chuyển, mở rộng thị trường tiêu thụ. Người dân địa phương sẽ có cơ hội được đi lại, giao thương thuận lợi hơn, tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục tốt hơn. Dự án cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm, giúp người dân tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

Dự án sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp và các huyện phía tây của tỉnh với bên ngoài; đồng thời tạo bước đột phá trong phát triển hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, tăng cường kết nối giao thông, giảm chi phí logistics hàng hóa; tăng thêm lợi thế thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng phát triển kinh tế của các địa phương vùng miền núi phía tây của Yên Bái.

Cũng trong chương trình kỳ hợp Quốc hội bất thường, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề nghị, trong dự án này cần nhấn mạnh hơn việc vào ưu tiên đặt hàng và giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp trong nước làm chủ xây dựng đường, cầu, hầm; sản xuất đường ray, đóng toa xe. Đại biểu cho rằng, các doanh nghiệp trong nước đã khẳng định năng lực đáp ứng nếu được Nhà nước đặt hàng. Việc này có thể tốn kém hơn mua hàng nước ngoài, nhưng sẽ tạo tăng trưởng kinh tế và GDP trong nước. Ngược lại, mua hàng nước ngoài sẽ không mang lại lợi ích này và không giúp chúng ta có ngành công nghiệp đường sắt.

Xem thêm

Một góc xã Kim Chung, huyện Đông Anh

Hà Nội giao 2,4ha đất để làm dự án nhà ở xã hội

UBND thành phố Hà Nội giao đất cho Liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và Tổng Công ty Viglacera - CTCP để thực hiện dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Kim Chung, xã Kim Chung, huyện Đông Anh...

Có thể bạn quan tâm

Ngài Kalganov Vyacheslav Gennadievich từng đại diện Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg tiếp đón TS.Nguyễn Hồng Sơn và đoàn công tác VACOD-HBA rất trọng thể trong chuyến công tác hồi tháng 11/2024

Chủ tịch VACOD-HBA chuẩn bị tiếp đón đoàn doanh nghiệp đa quốc gia

Nhằm hiện thực hóa bản thỏa thuận hợp tác giữa VACOD-HBA và Ủy ban Đối ngoại thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga, trong tháng 2/2025, Chủ tịch VACOD-HBA TS. Nguyễn Hồng Sơn sẽ tiếp đoàn công tác quốc tế theo lời đề nghị của lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg…

Toàn cảnh bức tranh kinh tế đầu năm 2025 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế đầu năm 2025 qua các con số

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 48,6%; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,63%; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 0,6% so với cùng kỳ… là những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong tháng đầu năm 2025…