Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã chứng khoán: EIB) cho biết vừa nhận được đơn từ nhiệm của hai thành viên HĐQT là ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng, đều vì lý do cá nhân.
Việc từ nhiệm của các thành viên HĐQT nêu trên sẽ được ĐHCĐ của Ngân hàng Eximbank thông qua theo quy định của pháp luật. Dự kiến, ĐHCĐ của Eximbank sẽ được tổ chức vào ngày 14/4 tới đây tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng đều được bầu làm thành viên HĐQT Ngân hàng Eximbank nhiệm kỳ 2020 – 2025 trong kỳ ĐHCĐ thường niên của nhà băng này năm 2022. Khi đó, ông Nguyễn Hiếu là Thành viên HĐQT Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, được đề cử bởi nhóm cổ đông Lafelle Limited, Education Management Holdings Limited, bà Ngô Thu Thúy, ông Trần Công Cận và ông Ngô Minh Hoàng Hải.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Bamboo Capital, được đề cử bởi nhóm cổ đông bao gồm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lê Thị Mai Loan, Công ty CP Thắng Phương, Công ty CP Đầu tư và Dịch Helios.
Việc hai ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng từ nhiệm thành viên HĐQT cho thấy “thượng tầng” của nhà băng này tiếp tục có sự xáo trộn. Bởi hồi giữa tháng 2 vừa qua, trong ĐHCĐ bất thường lần 2 (lần 1 tổ chức không thành công), các cổ đông đã thông qua việc bổ sung 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 mới, sau khi 2 thành viên là bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại xin từ nhiệm.
Ba thành viên HĐQT mới của Ngân hàng Eximbank ồm: Bà Lê Thị Mai Loan (sinh năm 1982), hiện là thành viên HĐQT Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS); ông Phạm Quang Dũng (sinh năm 1982), hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Mỹ và ông Trần Anh Thắng (sinh năm 1984), hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội Non Nước.
Cơ cấu cổ đông của Ngân hàng Eximbank giai đoạn này dự kiến có sự thay đổi mạnh khi nhiều cổ đông lớn đã và đang thoái vốn khỏi ngân hàng này.
Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên vừa được Ngân hàng Eximbank công bố, năm 2023, nhà băng này này đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022. Huy động vốn dự kiến tăng 11% lên 165.000 tỷ, dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) tăng 12,3% lên 146.600 tỷ. Eximbank cũng cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng này sẽ thực hiện trong điều kiện được Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Ngân hàng Eximbank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 là 5.000 tỷ, tăng 35%. Trước đó, năm 2022, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng tới 207% so với cùng kỳ, đạt 3.709 tỷ đồng và vượt xa kế hoạch 2.500 tỷ đồng.
Eximbank cũng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, từ đó tăng vốn điều lệ lên hơn 17.469 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành là 18%. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ.