Đây là dự án được chính quyền địa phương tại xã Đức Hợp hỗ trợ về địa điểm dạy học, được Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) hỗ trợ toàn bộ các trang thiết bị giảng dạy hiện đại và hệ thống đội ngũ giáo viên trong nước và nước ngoài nhiệt tình, có kinh nghiệm. Tất cả sự hỗ trợ này đều nhằm giúp các em học sinh nông thôn tăng cường cơ hội tiếp cận với hình thức học tiếng anh toàn diện và có tính hệ thống.
Dự án được tổ chức thí điểm lần đầu tại huyện Kim Động, cụ thể là địa điểm của trường mầm non xã Đức Hợp. Đối tượng được hướng đến chính là mọi trẻ em tại xã Đức Hợp và các xã Hùng An, Mai Động, Thọ Vinh & Phú Thịnh.
Theo thống kê, 400 triệu người trên thế giới sử dụng tiếng anh là tiếng mẹ đẻ, hơn 1 tỷ người dùng tiếng anh là ngôn ngữ thứ hai. Những quốc gia có thu nhập đầu người cao nhất trên thế giới đều có dân số sử dụng thành thạo tiếng anh. Chính vì vậy, tiếng anh đã trở thành ngôn ngữ mang tính toàn cầu, là phương thức kết nối, hỗ trợ những con người ở mỗi một quốc gia có thể hiểu và giao tiếp với nhau dễ dàng hơn.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Hằng – Tổng thư ký HBA đã khẳng định, tại Việt Nam hiện nay, tiếng anh không chỉ là một môn học ưu tiên và bắt buộc mà còn là thứ ngôn ngữ hỗ trợ các em học sinh, sinh viên tăng cường khả năng giao tiếp để mạnh dạn bước đến cánh cửa của nền kinh tế toàn cầu.
“Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hà Nội tích cực hỗ trợ dự án chính là muốn góp sức mình tạo nên một hệ thống giảng dạy tiếng anh theo tiêu chuẩn quốc tế; phổ cập phương pháp học tiếng anh hiệu quả nhất đến với mọi trẻ em cũng như đáp ứng mong mỏi của các bậc làm cha, làm mẹ về một môi trường học tập tiếng anh toàn hiện và có hệ thống”, bà Hằng nhấn mạnh.
Với ý nghĩa này, dự án đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị, cá nhân thành công tại Hà Nội cũng như trên phạm vi cả nước. Mục tiêu của dự án là chuẩn hoá mô hình học tiếng anh công nghệ từ mầm non đến tiểu học cho trẻ em nông thôn; nâng cao chất lượng và kỹ năng dạy theo phương pháp mới cho giáo viên tại địa phương; rút ngắn khoảng cách học tiếng anh giữa trẻ em nông thôn và thành thị với kinh phí thấp nhất có thể; gây dựng quỹ từ thiện phục vụ cho công tác thiện nguyện tại huyện nhà.
Bà Nguyễn Thị Hằng – Phó bí thư, Chủ tịch uỷ ban Nhân dân xã Đức Hợp cũng khẳng định, trẻ em nông thông hiện nay thường chịu nhiều thiệt thòi trong việc học tập tiếng anh, đặc biệt là cơ hội được tiếp cận với những phương pháp học tiếng anh tiên tiến, có tính hiệu quả cao cũng cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc với người nước ngoài, giáo viên bản địa để nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng anh.
“Chính vì vậy, việc đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ học tập tại các khu vực nông thôn như dự án Công trình Hy vọng – Anh ngữ Quốc tế Hope School chính là cách để giúp các em học sinh nông thôn đơn cử như tại xã Đức Hợp có cơ hội trải nghiệm một phương thức học tiếng anh nhanh chóng và hiệu quả nhất”.
Với những phòng học được trang bi đầy đủ máy chiếu, máy vi tính cùng những bài giảng được thiết kế khoa học, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế cũng như trình độ học tập của các em tại xã Đức Hợp, dự án chính là cách mà HBA cũng như chính quyền địa phương xã Đức Hợp nói riêng và toàn xã hội nói chung hỗ trợ ươm mầm các tài năng tương lai để cùng hướng đến một Việt Nam ngày càng phát triển và tươi đẹp hơn.