HDBank báo lãi 9 tháng hơn 6.084 tỷ đồng, cao hơn 39% cùng kỳ

Chi phi hoạt động và dự phòng rủi ro giảm, giúp lợi nhuận tăng 28% trong quý III. Nợ xấu tăng 14% trong khi cho vay khách hàng tăng 7%, đẩy tỷ lệ nợ xấu từ 1,3% lên 1,4%.
HDBank báo lãi 9 tháng hơn 6.084 tỷ đồng, cao hơn 39% cùng kỳ

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank - Mã: HDB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021.

Theo đó, HDBank ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 9% lên 3.306 tỷ đồng. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đi ngang với 329 tỷ đồng lãi thuần. Hoạt động ngoại hối mang về 20,6 tỷ đồng, thấp hơn 32% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng thu nhập hoạt động quý III đạt 3.705 tỷ đồng, tăng gần 7%. Trong khi đó, chi phí hoạt động 1.411 tỷ đồng, giảm 10%. Ngân hàng lãi trước trích lập 2.294 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. 

Chi phí dự phòng rủi ro trong quý cũng giảm gần 7%, xuống 403 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 28% lên 1.891 tỷ đồng. 

Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 6.084 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 83,5% kế hoạch cả năm. Hệ số ROE đạt 24%, cao hơn mức 21% cùng kỳ năm trước.

Nhiều mảng kinh doanh của ngân hàng ghi nhận tăng trưởng đột biến. Cụ thể, lãi thuần từ mảng chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư của HDBank ghi nhận mức tăng đột biến lần lượt là 117,7% và 283,2% so với cùng kỳ mang về tổng hơn 550 tỷ đồng lãi thuần (cùng kỳ năm trước là 165 tỷ đồng). 

Lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng tới 88,6% mang về hơn 1.186 tỷ đồng nhờ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Trong khi đó, thu nhập lãi thuần và mảng kinh doanh ngoại hối của ngân hàng ghi nhận tăng trưởng khiêm tốn hơn 16,7% và 17,5% và lãi thuần từ các hoạt động khác sụt giảm 36%. 

Riêng trong quý III, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư và hoạt động kinh doanh khác đều sụt giảm. Mảng chứng khoán đầu tư lỗ gần 12 tỷ đồng.

Ngân hàng có giảm nhẹ chi phí dự phòng rủi ro trong quý III, luỹ kế 9 tháng đầu năm, chi phí này tăng 16,3% so với cùng kỳ. 

Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của HDBank đạt 346.355 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Dư nợ khách hàng tăng 7,4% lên 191.515 tỷ đồng; dự phòng rủi ro tăng 12%.

Về nguồn vốn, số dư tiền gửi khách hàng trong 9 tháng đầu năm tăng 11,3% lên gần 194.429 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng 7,7% lên 22.675 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn tăng 11,5% lên 170.577 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu đạt 29.270 tỷ, tăng 22,5% so với cùng kỳ. Hệ số an toàn vốn CAR tăng lên 13,5%, cao hơn mức 10,9% tại 30/9/2020. 

Về chất lượng tín dụng, nợ xấu của ngân hàng tăng 13,7% so với cùng kỳ, chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng mạnh 56% lên hơn 1.153 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,3% lên 1,4%.

Có thể bạn quan tâm