Hết năm 2020, Hà Nội muốn có 900 DN công nghiệp hỗ trợ

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Hết năm 2020, Hà Nội muốn có 900 DN công nghiệp hỗ trợ

Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2020 có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Trong đó, khoảng 400 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

UBND thành phố Hà Nội cũng phấn đấu đến hết năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội. Chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghệ hỗ trợ hàng năm tăng trên 12%, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 9,78% - 10,79%/năm để đạt mục tiêu cả giai đoạn 2016 - 2020 tăng 8,6 - 9%.

Hà Nội cũng tập trung vào 3 lĩnh vực chủ chốt là sản xuất linh kiện phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, da giày. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Để đạt được mục tiêu này, UBND TP. Hà Nội sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội thông qua việc nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong, ngoài nước. Đồng thời, thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tổ chức Hội chợ, triển lãm quốc tế trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội trong năm 2020, với quy mô khoảng 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp Hà Nội và trên khắp cả nước; ngoài ra, còn có các doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), HongKong (Trung Quốc), Thái Lan,...

Bên lề sự kiện, UBND Thành phố cũng sẽ tổ chức hội thảo quốc tế, dự kiến thu hút khoảng 200 đại biểu là đại diện các bộ ngành, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các chuyên gia về công nghệ hỗ trợ ở trong và ngoài nước.

Thành phố cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý để đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; tổ chức tập huấn cho các cán bộ, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ ở Hà Nội với các nội dung về quản trị doanh nghiệp; quản trị sản xuất; phổ biến nhận thức, cung cấp thông tin về các chính sách, thị trường và năng lực các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và nước ngoài.

Ngoài ra, Thành phố hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu. Thuê chuyên gia trong nước hỗ trợ, tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, mua bản quyền, sáng chế, phần mềm..; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ hoàn thiện, đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Để thực hiện tốt chương trình, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hoạt động về phát triển công nghệ hỗ trợ trên địa bàn thành phố đảm bảo thiết thực, hiệu quả, không chồng chéo, đúng các quy định pháp luật.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm