Hiện thực hóa Nghị quyết 68, "mở cao tốc" cho kinh tế tư nhân vươn mình

Nghị quyết 68 được kỳ vọng trở thành cú hích thực sự cho kinh tế tư nhân, khi loạt chính sách cải cách mạnh mẽ từ cắt giảm thủ tục, cải thiện thuế, khơi thông vốn đến chuyển đổi tư duy quản lý... đã sẵn sàng để "mở cao tốc” doanh nghiệp vươn mình...

kinh-te-tu-nhan5-15-17-50abc-1746472197730950383192.jpg

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị như một luồng sinh khí mới tiếp thêm niềm tin, cảm hứng và động lực cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất không nằm ở nội dung nghị quyết, mà là ở khâu thực thi. Từ chủ trương của Đảng đến việc thể chế hóa và áp dụng vào thực tế là chặng đường đầy gian nan – thậm chí còn khó hơn cả quá trình xây dựng nghị quyết. Nếu không thể cụ thể hóa thành chính sách, nghị quyết vẫn chỉ nằm trên giấy.

Tại Tọa đàm "Mở cao tốc" cho kinh tế tư nhân do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 28/5, đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia và diễn giả đã cùng bàn luận và đưa ra nhiều góc nhìn về vấn đề này.

ĐỂ THỂ CHẾ HÓA THÌ PHẢI SỬA LUẬT, BÃI BỎ LUẬT

Chia sẻ về quá trình xây dựng Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cho biết nhiều chính sách trong Nghị quyết 68 không phải bây giờ mới đề cập mà từng được nêu trong quá trình nghiên cứu chính sách trong 20 năm qua. Tuy nhiên, chính sách chưa “chạm” với vấn đề của doanh nghiệp.

“Chúng ta có nhiều luật, nghị quyết, quyết định về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với doanh nghiệp muốn chuyển giao công nghệ. Chính sách đã có nhưng lờ nhờ, không tới được vấn đề doanh nghiệp mong muốn”, bà Thủy nói.

ba-bui-thu-thuy-pho-cuc-truong-cuc-phat-trien-doanh-nghiep-tu-nhan-va-kinh-te-tap-the-bo-tai-chinh.jpg
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính)

Đến Nghị quyết 68, có sự quan tâm ở tầm cao nhất, tư tưởng trong bài phát biểu Tổng Bí thư Tô Lâm là kim chỉ nam, ban soạn thảo nội dung Nghị quyết 68 dám đề cập mạnh mẽ hơn.

Bà Thủy lấy ví dụ: “Nội dung làm rõ không hình sự hóa quan hệ kinh tế dù đã nhắc từ lâu rồi nhưng mấy chục năm chưa thực thi để đạt mức độ yên tâm cho kinh tế tư nhân”.

Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể cũng cho biết, ngay khi Nghị quyết 68 thông qua, ban soạn thảo chuẩn bị dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Quốc hội ban hành Nghị quyết 198 trong 11 ngày. Trong 1 tuần, ban soạn thảo trình Chính phủ 2 nghị quyết để Chính phủ phân công đầu trách nhiệm từng cơ quan.

Hiện nay, dự thảo Nghị quyết Chính phủ quy định rõ chính sách và thời hạn. Bộ ngành, địa phương trong quý 2/2025 ban hành kế hoạch triển khai. “Trong khí thế hiện nay, tôi hy vọng cơ quan bộ ngành triển khai nhanh nhất. Địa phương bắt tay xây dựng kế hoạch hành động. Các chính sách trong Nghị quyết 68 tương đối rõ, không bị khó hiểu khi triển khai. Chúng tôi kỳ vọng, tới tháng 6, tháng 7/2025 sẽ thể chế hóa nội dung và triển khai ở nửa cuối năm 2025”, bà Thủy chia sẻ.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để thể chế hóa thì phải sửa luật, bãi bỏ luật và các nghị định, thông tư nên cần thời gian. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của Chính phủ, của Quốc hội, trong vòng 11 ngày sau khi Nghị quyết 68 ra đời, Chính phủ đã trình dự thảo nghị quyết và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 198 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để thể chế hóa một số nội dung Nghị quyết 68.

ong-phan-duc-hieu-uy-vien-uy-ban-kinh-te-cua-quoc-hoi.jpg
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Hiếu nhận định đây được coi là hành động pháp lý đầu tiên, mang tính cấp thiết để thực hiện Nghị quyết 68. Trong Nghị quyết 198 của Quốc hội nhiều nội dung có thể thực hiện ngay được, như miễn, giảm, thuế, đấu thầu, thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, còn rất nhiều nội dung cần tiếp tục thực hiện để thể chế hóa.

Nghị quyết 198 yêu cầu chậm nhất ngày 31/12/2025, hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, Chính phủ hoàn toàn có thể cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh với tỷ lệ cao hơn, thậm chí có thể bãi bỏ hoàn toàn, hoặc cắt giảm đạt 60-70%.

"NẾU ĐÃ MỞ CAO TỐC CẦN CHO SỐ ĐÔNG ĐI VÀO"

Cũng tại tọa đàm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI đánh giá Nghị quyết 68 là một quyết tâm chính trị và đây là cơ hội vàng để tiến hành cải cách. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân phải chủ động đề xuất những điểm cần tháo gỡ, không phải ngồi chờ cơ quan quản lý rà soát, cắt bỏ.

Theo ông Tuấn, những sự hào hứng, hứng khởi có thể sẽ qua. Gốc rễ của môi trường kinh doanh là chính sách thực chất đi vào cuộc sống, không để xảy ra tình trạng đưa ra những nghị quyết mới đi vào vết xe cũ.

ong-dau-anh-tuan-pho-tong-thu-ky-vcci.jpg
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI

Vì vậy, theo ông Tuấn, các bộ ngành ban hành chính sách phải phục vụ cho doanh nghiệp, chính quyền địa phương đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể mỗi bộ ngành, địa phương đều có sáng kiến, chương trình cắt giảm hoặc chương trình hành động tốt hơn cho doanh nghiệp.

"Tôi hy vọng sau này có chính sách giao chỉ tiêu về phát triển kinh tế tư nhân cho địa phương. Mỗi bí thư, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phải có mục tiêu kéo được nhiều doanh nghiệp, có được nhiều doanh nghiệp mới…Một tinh thần giống như thói quen nhắc nhở mỗi sáng ngủ dậy ta có thể làm gì để doanh nghiệp tư nhân phát triển", ông Tuấn nói.

Đứng dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kim Nam Group bộc bạch: “Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa là đơn vị cung cấp dịch vụ cuối cùng cho người tiêu dùng trong xã hội. Nghị quyết 68 tạo ra luồng gió mới. Chúng tôi hy vọng với bước đột phá về thể chế, hội doanh nghiệp nhỏ và vừa có cần cơm đi câu chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, có sản phẩm chất lượng dịch vụ tốt hơn, giá cả phù hợp hơn”.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kim Nam Group

Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kim Nam Group

Ngoài ban hành thể chế, cần làm mạnh hơn nữa công tác truyền thông, không chỉ dừng lại ở tuyên truyền Nghị quyết 68 mà còn phổ biến kinh nghiệm thành công của doanh nghiệp nhỏ và vừa, để cộng đồng doanh nghiệp đi vào cao tốc kinh tế tư nhân như thế nào.

“Bên cạnh Nghị quyết 68, chúng ta có thể xem xét ban hành 1 nghị quyết hay thể chế cụ thể cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Nếu đã mở cao tốc cần cho số đông đi vào, không chỉ là tập đoàn, doanh nghiệp lớn mà cần mở nghị quyết riêng biệt cho cộng đồng doanh nhỏ và vừa để họ được bảo vệ, được tạo động lực phát triển. Chúng ta cần cụ thể hóa hơn nữa bằng nghị quyết, thể chế để chuyển được 5 triệu hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp phát triển bền vững”, ông Hùng kiến nghị.

Xem thêm

Nghị quyết 68 giúp doanh nghiệp nội không thua ngay trên sân nhà

Nghị quyết 68 giúp doanh nghiệp nội không thua ngay trên sân nhà

Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị sẽ khai phóng, khơi thông mọi điểm nghẽn, giúp đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, tạo đòn bẩy vững chắc cho một Việt Nam thịnh vượng…

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Toàn bộ đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 68

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Toàn bộ đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 68

Chủ trì Chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 10/5, Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn không khỏi tự hào về việc hầu hết các đề xuất, kiến nghị của HBA gửi lên Tổng Bí thư Tô Lâm góp phần tạo đột phá phát triển khu vực kinh tế tư nhân đã được đưa vào nghị quyết 68 mang tính đột phá của Bộ Chính trị…

Có thể bạn quan tâm

Triển khai Nghị quyết 57: Cần cộng hưởng sức mạnh doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ

Triển khai Nghị quyết 57: Cần cộng hưởng sức mạnh doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn khẳng định cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn được tiếp cận và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên để đuổi kịp, thậm chí vượt các nước phát triển, ông Sơn cho rằng Việt Nam có thể tìm một lối đi riêng, phù hợp với đặc thù thể chế chính trị...

Tổng Bí thư Tô Lâm: Bốn Nghị quyết là những trụ cột thể chế nền tảng đưa đất nước cất cánh trong kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư Tô Lâm: Bốn Nghị quyết là những trụ cột thể chế nền tảng đưa đất nước cất cánh trong kỷ nguyên mới

Những Nghị quyết được Bộ Chính trị ban hành cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước, đồng thời liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện…