Hiệp định RCEP có hiệu lực với Indonesia

Hiệp định RCEP có hiệu lực đối với Indonesia từ ngày 2/1/2023, khi nước này thực hiện các quy định thương mại mới với các thành viên khác trong Hiệp định này.

Như vậy, theo thông tin của chúng tôi nắm được đến nay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) chính thức có hiệu lực với 14/15 thành viên.

Trước đó, Thương gia đã truyền tin của Thương vụ Việt Nam tại Indonesia về việc chiều ngày 30/08/2022 Quốc hội Indonesia đã chính thức phê chuẩn Hiệp định RCEP.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, thực thi Hiệp định RCEP sẽ giúp GDP tới năm 2040 của Indonesia tăng thêm 0,07%, tương ứng với 38.33 nghìn tỷ Rp (2,65 tỷ USD) và đầu tư FDI tăng 0,13%, tương ứng với 24.53 nghìn tỷ Rp (1,65 tỷ USD). Xuất khẩu của nước này dự kiến tăng thêm 5,01 tỷ USD và thặng dự thương mại tăng thêm 979,3 triệu USD.

Hiệp định RCEP có hiệu lực với Indonesia
Hiệp định RCEP có hiệu lực với Indonesia

Các thành viên của Hiệp định RCEP đều là những đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của nước này khi chiếm tới 60% tổng giá trị xuất khẩu (132,6 tỷ USD); 71% tổng kim ngạch nhập khẩu (32,6 tỷ USD) và 47% tổng FDI (18,82 tỷ USD) trong năm 2021.

Thông qua Hiệp định RCEP, nước này sẽ có cơ hội mở rộng và và làm gia tăng chuỗi giá trị khu vực, các công ty xuất khẩu của Indonesia sẽ thu được giá trị lớn hơn từ các hoạt động xuất khẩu, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Indonesia, giúp xóa bỏ nhiều rào cản đối với thương mại dịch vụ.

Các quy định về thương mại sẽ được đơn giản hóa và đảm bảo sự đồng nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thu hẹp khoảng các phát triển thông qua hợp tác kỹ thuật và kinh tế.

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, Indonesia kỳ vọng Hiệp định RCEP sẽ gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, ô-tô, điện tử, thực phẩm và đồ uống, hóa chất và thiết bị máy móc tại 03 thị trường trọng điểm là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bên cạnh những hiệu ứng tích cực đối với kinh tế và xuất khẩu của Indonesia do Hiệp định RCEP mạng lại, Indonesia cũng quan ngại tới hàng hóa nhập khẩu khi thực thi hiệp định.

Các nhóm hàng được dự báo sẽ có sự gia tăng nhập khẩu bao gồm: thực phẩm chế biến; phương tiện vận tải và phụ tùng; kim loại, hóa chất, cao su chế biến; sản phẩm nhựa và dệt may và theo các chuyên gia, cán cân thương mại của những nhóm hàng này dự báo sẽ thâm hụt trong những năm đầu thực hiện Hiệp định RCEP.

Hiệp định RCEP gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và 5 đối tác thương mại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Có thể bạn quan tâm