Hồ Inle – Myanmar: 101 điều kỳ thú

Sau những ngày lang thang khắp các vùng Bagan, Mandalay... chúng tôi di chuyển tới vùng hồ Inle của Myanmar- nơi nổi tiếng với những người đánh cá bằng chân, những ngôi nhà g
Hồ Inle – Myanmar: 101 điều kỳ thú

Tới Myanmar, bạn sẽ thấy như lạc vào xứ xở nào đó từ miền cổ tích còn sót lại. Ở đây, nhiều khi người ta tự hỏi nhiều câu hỏi, tại sao, tại sao, rồi lại để rơi bẵng những câu hỏi đó - bởi mọi thứ ở Myanmar cuốn hút bạn một cách nhanh chóng.

Dường như thế giới ngoài kia mới chỉ đang hích nhẹ Myanmar, sau cú va hích đó, có nhiều sự thay đổi, nhưng thẳm sâu ở trong, vẫn là miền đất xưa cũ với nhiều tập tục lạ, có nhiều tầng lớp văn hóa mà khó có thể thay đổi một sớm một chiều. Sau những ngày lang thang ở Bagan - vùng đất của hàng ngàn ngôi chùa đền tháp, chúng tôi quyết định “đổi gió” bằng cách xuống hồ Inle. Chọn phương tiện là máy bay để di chuyển, sự trải nghiệm máy bay ở Myanmar khiến chúng tôi càng bất ngờ bởi lịch trình và hành trình, cách thức vận hành máy bay ở đây.

Cũng gần giống như bạn đi xe bus, có trạm dừng chân trên từng con phố. Bạn bay đi đâu cũng thế, vẫn phải đi từng ấy hành trình, chặng đường. Khách xuống trạm nào thì xuống, bạn chưa tới thì ngồi yên trên máy bay, chờ hành khách mới lên, rồi lại bay, rồi lại chờ ở một trạm… Hoàn toàn tự do và tự nhiên như đi xe bus, mà tôi quên, đó là ở sân bay, nhân viên các hãng hàng không đua nhau ra mời chào khách, và kỳ lạ thay, khách còn mặc cả được giá của vé máy bay nữa chứ. Giá trung bình giữa các điểm du lịch của Myanmar nếu đi bằng máy bay khoảng từ 600- 900.000 đồng Việt Nam. Nhắc tới tiền, tôi lại nhớ tới vụ xếp hàng mất nửa ngày tại Ngân hàng để đổi tiền. Ngân hàng đông đúc và ngột ngạt, bon chen mãi, thế rồi chúng tôi cũng đổi được từ USD sang đồng Kyat dày cộp. Tuy tiền ở đây cũng cũ, nhưng không cũ bằng đồng tiền Nepal. Tiêu tiền chưa quen, nên chúng tôi cứ thấy tập tiền của mình vơi dần một cách nhanh chóng.

Người dân Myanmar còn nghèo, thân thiện, nhưng người làm du lịch thì cũng bắt nhịp được thương mại nhanh. Cũng như Campuchia, mua bán gì cũng phải mặc cả, ở Myanmar cũng thế. Đi taxi cũng phải hỏi trước và mặc cả. Lái xe có làn da ngăm ngăm, nhai trầu bỏm bẻm, tai còn đeo khuyên một bên. Đi trên đường còn chỉ vào một ngôi chùa, ra dấu hiệu rằng, hồi trai trẻ, tôi có tu tập ở đó. Giờ thôi rồi, nhưng cũng chưa lấy vợ đâu.

Đàn ông mặc váy, nhai trầu, dùng chân đánh cá

Hồ Inle – Myanmar: 101 điều kỳ thú ảnh 3

Hồ Inle thu hút khách du lịch quốc tế nhiều hơn cả. Hồ rộng 200km2 (gấp 4 hồ Tây thuở còn hoang sơ), cư dân quanh hồ sống bằng buôn bán nhỏ, đánh bắt cá, nuôi trồng, thủy sản và các làng nghề.

Đối với dân du lịch, được đi thuyền, dạo chơi trên hồ ngắm bình minh, để hít không khí trong lành căng tràn, đó là một sở thích. Sau bữa tối quanh làng Inle, ngồi ăn dưới ngọn nến khá lãng mạn, bật ít nhạc country cho thích hợp với khung cảnh có tiếng dế kêu quanh đâu đây… Chúng tôi về nghỉ ngơi tại một căn phòng với giá 32 USD cho 4 người. (Ấy là cũng mặc cả kỹ và mùa du lịch nên ít khách sạn nào có phòng. Hoặc có nhưng nhiều muỗi và ẩm thấp). Sáng sớm tại bến thuyền Nankan Canal tấp nập, thuyền không đông như ở chùa Hương mùa lễ hội nhưng cũng xấp xỉ ở Tràng An, Ninh Bình. Mọi thứ trật tự, không quá ồn ào gây cảm giác bất an như đi chùa Hương. Cuối cùng thì thuyền máy cũng lao vun vút… Gió mạnh táp vào mặt… Tới những chỗ có góc đẹp, lái thuyền tự đi chậm…

Và kỳ ảo nhỉ đằng trước, khi ánh bình minh vừa ló dạng, có mấy chiếc ghe nhỏ, trên đó có anh chàng đánh cá mặc váy, đội nón kiểu Lâm Xung, trông anh như ở trong bộ phim kiếm hiệp Kim Dung vừa xuất hiện. Một chân dùng để giữ thăng bằng, một chân điều khiển chiếc đó một cách tài tình, khéo léo. Thật là kiểu đánh bắt cá số 1 trên thế giới. Ấy thế nhưng mà rồi tôi cũng biết, các anh trình diễn đánh bắt cá rất chuyên nghiệp, và thật đẹp, vì các anh được trả tiền cho việc đó. Tức nhiên, người ở hồ Inle cũng đánh bắt cá như vậy, nhưng họ ở mọi lúc mọi nơi, và một số ngư dân biết cách làm du lịch, đã tìm được những nơi có ánh sáng đẹp, đứng trình diễn bắt cá cho khách du lịch chụp lấy tiền. Và thế là trong vô vàn những bức ảnh đẹp hiện ra, những người đánh cá giống như múa bale trên hồ.

Thuyền đi loanh quanh, chúng tôi lặng ngắm những ngôi nhà gỗ, giống như nhà sàn, chống bằng những chiếc que mong manh trên hồ. Không hiểu họ làm thế nào mà giữ được chắc như vậy nhỉ? Mặt hồ liệu có dậy sóng không? Những mảnh gỗ bạc màu, sơn xanh đỏ, vàng, trước cửa thường có những chậu hoa khá dịu mát. Thi thoảng, chúng tôi lại gặp những “ruộng rau” trên nước rất kỳ lạ. Họ trồng cây trên xác bèo, xác rong và ghim những cánh đồng rau ấy bằng que sào.

Người dân ở đây đi chợ, đi chùa cũng bằng thuyền. Những ngôi chùa ven mặt nước tuyệt đẹp và tĩnh lặng, khiến chúng tôi phải ngỡ ngàng và có những giây phút trầm tư kính trọng. Một vẻ đẹp hoang sơ trên sông nước, dưới bóng nắng, mây xanh và khung cảnh như bị lãng quên trong chốc lát.

Chúng tôi bỏ giày dép, đi chân không vào trong chùa. Hôm nay có các chú tiểu đang ngồi ôn kinh kệ. Những bóng y màu mận sậm vắt một bên vai, các chú tiểu với nét mặt còn ngây thơ pha lẫn sự tinh nghịch của những đứa trẻ mới lớn, khiến cho một chiều trên hồ Inle dễ thương thêm nhiều. Đụng vào Myanmar, chỗ nào cũng là chất liệu hay, chỗ nào cũng có thể lên bìa báo được vì quá ấn tượng.

Người dân ở đây đi chợ, đi chùa cũng bằng thuyền. Những ngôi chùa ven mặt nước tuyệt đẹp và tĩnh lặng, khiến chúng tôi phải ngỡ ngàng và có những giây phút trầm tư kính trọng.

Có tới 17 ngôi làng trên hồ Inle, với những nghề thủ công truyền thống như làm bạc, dệt tơ sen, làng cổ dài, đóng thuyền, làm giấy, cuốn thuốc, thủ công mỹ nghệ, đúc đồng, sắt…

Những người cổ dài trên hồ Inle

Có thể nói, đó là những gương mặt thân quen đã lên không biết bao nhiêu bìa báo du lịch, họ là những người thuộc tộc Kayan. Những năm 1980, đầu 1990, do xung đột với chế độ quân sự ở Myanmar, nhiều bộ lạc Kayan đã trốn đến biên giới Thái Lan ở trong các trại tị nạn và họ đã trở thành một “sản phẩm” du lịch, tự cung tự cấp về doanh thu du lịch và không cần hỗ trợ tài chính. Con số ước tính năm 2004 cho thấy có khoảng 130.000 người di cư sang Thái Lan và khoảng 600 người Kayan cư ngụ tại ba ngôi làng mở cửa cho khách du lịch ở Mae Hong Sorn, hoặc trong trại tị nạn So Mai của Ban Mai Nai.

Những người phụ nữ của bộ lạc Kayan nổi tiếng với những chiếc vòng cổ được làm bằng dây đồng nặng gần chục kg, quấn xung quanh cổ khiến cho cổ dài ra một cách bất thường. Từ 5 tuổi, những bé gái đã bắt đầu được đeo những vòng cổ đầu tiên. Càng lớn, vòng cổ càng nhiều lên. Trọng lượng rất nặng của vòng đồng khiến cho xương đòn bị biến dạng. Có nhiều cách lý giải về việc đeo vòng đồng như này, theo các nhà nhân chủng học đưa ra giả thuyết đây là những chiếc vòng bảo vệ phụ nữ khỏi bị làm nô lệ bằng cách làm cho những cô gái ít hấp dẫn hơn các bộ lạc khác.

Nhưng ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, làm như vậy để có diểm khác biệt, hấp dẫn hơn. Ngày nay, nhiều phụ nữ ở Mae Hong Son (Thái Lan) bắt đầu tháo vòng đeo cổ, xem như một cách phản đối việc khai thác văn hóa của họ cho việc du lịch thương mại, và để tiện làm việc trong thế giới hiện đại. Rất nhiều người Kayan đã quay trở lại Myanmar để làm việc trong các ngôi làng du lịch, không thể phủ nhận sự có mặt của họ đã khiến cho du khách phấn kích lạ lẫm hơn. Tới hồ Inle, bạn sẽ gặp những người phụ nữ cổ dài, có gương mặt kinh điển, và hình ảnh của họ lan tỏa khắp thế giới.

Những người phụ nữ của bộ lạc Kayan nổi tiếng với những chiếc vòng cổ được làm bằng dây đồng nặng gần chục kg, quấn xung quanh cổ khiến cho cổ dài ra một cách bất thường

Thú thật, tôi cũng không cưỡng lại được, cũng muốn chụp ảnh cùng họ. Và họ như những người làm du lịch chính cống, mỉm cười, thân thiện, chẳng gì thì chụp ảnh chek in đã trở thành nhu cầu của hàng tỷ người trên thế giới. Theo xu hướng của cuộc sống, điều đó không có gì phải quá bối rối, ngại ngùng. Biết đâu rồi người Kayan cũng trở thành những tộc người hiếm hoi còn sót lại trên thế giới mà gặp họ thì chỉ có 1 lần duy nhất trong đời?

Bài: CODET HANOI

Ảnh: ANH THU - TL

Có thể bạn quan tâm

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trao thưởng cho các hộ nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất giỏi tại Buôn Eana

20 năm kết nghĩa giữa Phân bón Bình Điền và buôn Eana: Vẹn một chữ tình!

Chương trình kết nghĩa giữa Phân bón Bình Điền và buôn Eana không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất, mà còn tạo ra một mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ công nhân viên của công ty và người dân, cùng nhau vượt qua nhiều thử thách, xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết và phát triển…

Vì sao quế được xem là một trong những gia vị tốt nhất thế giới?

Vì sao quế được xem là một trong những gia vị tốt nhất thế giới?

Không chỉ có hương vị độc đáo và tinh tế, quế còn mang lại hàng loạt lợi ích sức khỏe như hỗ trợ giảm viêm, hạ đường huyết và cải thiện sức khỏe tim mạch. Từ xưa đến nay, loại gia vị luôn được đánh giá là một trong những lựa chọn hàng đầu cho các chế độ ăn uống lành mạnh…