Các vận động viên Hoa Kỳ vẫn được phép thi đấu tại Thế vận hội, nhưng chính quyền sẽ không cử các quan chức chính phủ tới các trận đấu hoặc tham gia bất kỳ sự kiện nào. Chính sách tương tự cũng đã áp dụng cho Thế vận hội Paralympic, hiện đang diễn ra ở Bắc Kinh.
Nhà Trắng đang muốn gửi một "thông điệp rõ ràng" rằng việc vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc là vô cùng đáng quan ngại và không thể để mọi thứ tiếp tục diễn ra như bình thường, bà Psaki nói với các phóng viên tại một cuộc họp giao ban của Nhà Trắng.
Động thái này đánh dấu sự leo thang áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực phía tây Tân Cương của Trung Quốc.
Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên vào tháng trước rằng ông đang cân nhắc một cuộc tẩy chay ngoại giao khi các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và Cộng hòa, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cũng ủng hộ quyết định này.
Bà Jen Psaki nói, các vận động viên của Đội tuyển Mỹ chắc chắn vẫn sẽ nhận được "sự hỗ trợ đầy đủ", nhưng nói thêm rằng chính quyền sẽ không "góp phần vào sự phô trương của Thế vận hội.“ Bà Psaki cũng nhấn mạnh thêm rằng việc “tẩy chay ngoại giao” đối với Thế vận hội sẽ không phải là động thái duy nhất mà chính quyền Mỹ thực hiện để nêu lên lo ngại đối với các vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc
Nhà Trắng cũng đã thông báo cho các đồng minh ở nước ngoài về quyết định của mình, bà Psaki tiết lộ. Bên cạnh đó, bà Psaki cũng nói rằng, sau nhiều cân nhắc, Nhà Trắng cảm thấy sẽ là “không đúng đắn” khi tẩy chay toàn bộ sự kiện bởi điều này là “bất công” đối với các vận động viên đã dành nhiều thời gian và công sức khổ luyện. Lần cuối Mỹ tẩy chay hoàn toàn Thế vận hội là vào năm 1980 khi cựu Tổng thống Jimmy Carter còn đương chức. Thông thường, Hoa Kỳ sẽ cử một phái đoàn tới Thế vận hội - với sự kiện Thế vận hội Tokyo 2020 có Đệ nhất phu nhân Jill Biden dẫn đầu.
Thế vận hội mùa đông năm tới không phải là chủ đề được nhắc đến trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 tiếng rưỡi mà TT Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức vào tháng trước. Hội nghị thượng đỉnh không mang lại bất kỳ đột phá lớn nào trong mối quan hệ căng thẳng song phương.
Đầu năm nay, chính quyền TT Biden thông báo họ đã chặn nhập khẩu một số vật liệu được sử dụng trong các tấm pin mặt trời từ một công ty ở Tân Cương vì cáo buộc vi phạm nhân quyền và cưỡng ép lao động. Chính quyền Mỹ sau đó cũng chuyển sang hạn chế xuất khẩu đối với 5 công ty Trung Quốc vì lý do tương tự. Khu vực Tân Cương, Trung Quốc vốn là trung tâm sản xuất chính của nhiều công ty cung cấp các bộ phận cần thiết để xây dựng các tấm pin mặt trời.