Hoạch định tài chính cá nhân góp phần thúc đẩy an sinh xã hội trong tương lai

Góp phần thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của chính phủ, sáng ngày 5/1/2023, Văn phòng Hiệp Hội Tư vấn Tài chính Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”.
tài chính cá nhân

Trên thế giới, tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật, Anh hay các quốc gia đang phát triển như Thái Lan, Brazil, Ấn Độ, Malaysia … đều đã triển khai việc hoạch định tài chính rất mạnh mẽ và chuyên nghiệp. Ngành hoạch định tài chính cá nhân được hình thành từ năm 1969 khi ông Loren Dunton đã nhóm họp cùng với 13 nhà lãnh đạo tài chính tại một khách sạn ở Chicago, Mỹ để thảo luận về việc nâng cao ý nghĩa và tính chuyên nghiệp của nghề tư vấn tài chính. Tuy nhiên, không dừng lại ở việc bán sản phẩm tài chính, mà còn đưa ra những lời tư vấn chuyên nghiệp cho khách hàng của mình.

Lĩnh vực hoạch định tài chính cá nhân đã phát triển vô cùng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt với sự ra đời và phát triển của Hội đồng chuẩn hoá hoạch định tài chính quốc tế (FPSB); Hội đồng chuẩn hoá hoạch định tài chính tại 27 quốc gia thành viên. Chứng chỉ Nhà hoạch định tài chính được chứng nhận (Certified Financial Planner - CFP) là chứng chỉ danh giá nhất trong lĩnh vực tư vấn tài chính cá nhân hiện có 203.312 chuyên gia trên thế giới đang nắm giữ.

Còn tại Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm, ông Ngô Thành Huấn chuyên gia Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cho biết, vấn đề hoạch định tài chính cho cá nhân và gia đình ở Việt Nam chưa được đại đa số công chúng nhận thức và quan tâm đúng mức. Mức độ quan tâm của người dân chỉ tính tới những nhu cầu trước mắt, mà không hoàn toàn có nhiều kế hoạch cho tương lai.

Bên cạnh đó trình độ dân trí về tài chính của người dân Việt Nam còn đang ở mức chưa cao, ông Huấn nhấn mạnh đến việc hàng loạt các cá nhân tự nhận là tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư trên thị trường hoặc các tổ chức tài chính mạo danh rất nhiều.

"Họ vẫn đang hành nghề mà chưa có cơ chế kiểm soát về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp nên dẫn đến các vụ việc lừa đảo lớn gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân, và doanh nghiệp", ông Huấn nói.

Về thực trạng tư vấn tài chính cá nhân hiện nay tại Việt Nam hầu hết dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân là tư vấn riêng lẻ theo sản phẩm và có 0% dịch vụ tư vấn tài chính cho hưu trí. Trong khi đó, 20 triệu người sẽ đồng loạt nghỉ hưu năm 2030-2040 và Việt Nam cũng là quốc gia có mức chi trả lương hưu cao nhất thế giới. Tuy nhiên theo dự kiến của Kiểm toán Nhà nước đến năm 2031 bảo hiểm chi trả lương hưu Việt Nam sẽ âm 35.962 tỷ đồng.

Với thực trạng trên, ông Huấn cho rằng, đã đến lúc thiết lập các chuẩn mực cho lĩnh vực hoạch định và tư vấn tài chính cá nhân ở Việt Nam, tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong lĩnh vực nghề nghiệp.

Qua đó, hoạch định tài chính cá nhân sẽ giúp giải quyết mối quan hệ mâu thuẫn giữa người bán sản phẩm tài chính với người mua. Đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ và sàng lọc thị trường tự nhiên. Đặc biệt mục tiêu quan trọng nhất là giúp người dân quản lý và đầu tư tài chính một cách hiệu quả, góp phần vào việc thúc đẩy an sinh xã hội, phát triển kinh tế xã hội Việt Nam bền vững.

Bên cạnh hoạt động tọa đàm, Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam và Hội đồng chuẩn hóa Hoạch định Tài chính cá nhân đã công bố Dự thảo Tiêu chuẩn Hoạch định Tài chính cá nhân Việt Nam. Đây là bản dự thảo đầu tiên về bộ tiêu chuẩn quy định về hành nghề Hoạch định Tài chính cá nhân tại Việt Nam.

Bản dự thảo được xây dựng dựa trên chuẩn mực của FPSB – cơ quan số một trên thế giới về cung cấp tiêu chuẩn nghề Hoạch định Tài chính cá nhân. Bên cạnh đó, tọa đàm mong muốn kết nối 4 nhà gồm nhà nước, nhà khoa học, nhà tư vấn đầu tư và nhà đầu tư cá nhân cùng thảo luận về các vấn đề hoạch định tài chính cá nhân  nhằm đưa bản dự thảo đi vào thực tiễn.

Có thể bạn quan tâm