UBND huyện Chi Lăng thông tin, bên cạnh mục đích chính là giúp quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm Na Chi Lăng và các nông sản đặc sản, tạo điều kiện phát triển nghề nông và nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nông dân, góp phần phục hồi kinh tế của huyện Chi Lăng nói riêng và của tỉnh Lạng Sơn nói chung, Hội chợ Na Chi Lăng và các sản phẩm nông sản năm 2022 cũng là dịp để chính quyền địa phương tôn vinh các cá nhân, hộ gia đình, tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp, công ty tiêu biểu, xuất sắc đã có nhiều đóng góp trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm na và các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP và nông nghiệp an toàn.
Tại hội chợ, ngoài mục đích chính như đã nói ở trên, Ban tổ chức sẽ phát động sản xuất na và các nông sản đặc sản theo hướng sản xuất an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ năm 2022; Tổ chức thi các vườn mẫu về phát triển sản xuất na và thi sản phẩm quả na năm 2022; Tổ chức Họp báo giới thiệu về Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 và Chương trình truyền thông quảng bá Thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng và các nông sản đặc sản trên nền tảng kỹ thuật số; Tổ chức Lễ khai mạc Hội chợ, Lễ công bố nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Gà Vạn Linh và Công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận sản phẩm na đạt OCOP 4 sao của huyện Chi Lăng và tổng kết, đánh giá hiệu quả, giá trị của sản phẩm na và các sản phẩm nông nghiệp khác năm 2022.
Một lãnh đạo UBND huyện Chi Lăng cho hay, trong những năm qua với quyết tâm nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng và Nhân dân các dân tộc huyện Chi Lăng, kinh tế có những chuyển biến tích cực. Cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, bước đầu khai thác có hiệu quả và phát huy những tiềm năng, phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh có thế mạnh của địa phương. Với tiềm năng phát triển kinh tế như vậy, Chi Lăng đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm tăng dần (đạt khoảng 9%/năm). Hiện nay thu nhập bình quân tính trên đầu người đạt khoảng 36,5 triệu đồng/người/năm.
Qua 05 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, huyện đã xây dựng và phát triển được các vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực tập trung tại các xã, thị trấn như vùng sản xuất Na Chi Lăng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ; diện tích ước đạt trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na rải vụ), doanh thu ước đạt khoảng 700 tỷ đồng. Hiện nay, diện tích Na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 698,92 ha. Đến hết năm 2022, có 03 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP bốn sao; 01 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP ba sao.
Còn vùng sản xuất hồi tập trung tại các xã Gia Lộc, Hòa Bình, Thượng Cường, Bằng Mạc, Bằng Hữu với diện tích đạt trên 1.500 ha, diện tích cho thu hoạch gần 1.300 ha, sản lượng hoa hồi tươi đạt trên 1.200 tấn/năm; giá trị ước đạt trên 60 tỷ đồng/năm; riêng năm 2020, giá hồi tăng cao, doanh thu ước đạt gần 100 tỷ đồng/năm, vị lãnh đạo huyện nói.