“Hồi chuông” cảnh báo trong khâu PCCC

An toàn trong việc PCCC luôn là vấn đề được xã hội quan tâm, nhất là thời gian vừa qua, khi chung cư Carina Plaza (Q.8, TP.HCM) xảy ra cháy, gây thiệt hại về người và tài sản thì “hồi chuông” cảnh báo
“Hồi chuông” cảnh báo trong khâu PCCC

Trao đổi xung quanh vấn đề này, Tạp chí Thương Gia đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên BASICO.

- Thưa ông, nhìn từ vụ việc chung cư Carina Plaza cháy vừa qua, dưới góc độ là một luật sư, ông có ý kiến gì trước vấn đề này?

Trong thực tế, không chỉ có chung cư mới xảy ra cháy mà những tòa nhà cao cấp, khách sạn năm sao đẳng cấp trên thế giới vẫn xảy ra tình trạng này. Vấn đề ở đây là khi xảy ra cháy, hệ thống cảnh báo, hệ thống chữa cháy, hệ thống thoát hiểm,…phải vận hành tốt để đảm bảo an toàn tính mạng người dân.

Nhìn lại vụ cháy chung cư vừa qua, mặc dù một số người dân đã chạy ra thang thoát hiểm nhưng họ vẫn không thoát được lưỡi hái tử thần. Nguyên nhân khách quan ở đây có thể là do lỗi về kỹ thuật hoặc lỗi trong khâu quản lý. Nguyên nhân chủ quan là chủ đầu tư và người dân “thờ ơ” trong công tác PCCC. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống văn bản của cơ quan chức năng nhiều khi còn bất ổn nên việc thiết kế, triển khai thi công giám sát còn xảy ra sai sót. Hậu quả cuối cùng là nhiều công trình được thi công không đảm bảo tiêu chuẩn, thiết kế sai một cách “ngớ ngẩn”, trang thiết bị không đảm bảo chất lượng. Do đó khi xảy ra sự cố đã không đảm bảo được khâu PCCC cho người dân.

- Vậy “ai” sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp chung cư cháy do lỗi thiết kế không đảm bảo an toàn, thưa ông?

Tùy thuộc vào từng giai đoạn, thời điểm cụ thể mà quy trách nhiệm cho các bên liên quan. Trong trường hợp nếu công trình xây dựng chưa hoàn thành, chưa bàn giao cho chủ đầu tư mà xảy ra cháy thì trách nhiệm thuộc về nhà thầu. Còn công trình khi đã bàn giao cho ban quản trị thì chủ đầu tư “hết trách nhiệm”.

Một công trình để xảy ra tình trạng không đảm bảo tiêu chuẩn trong khâu PCCC phụ thuộc vào nhiều bên như người thiết kế, người phê duyệt gồm Bộ Xây dựng, cơ quan chức năng và chủ đầu tư. Trong đó, quan trọng nhất là cơ quan quản lý chức năng - phòng cảnh sát PCCC. Cơ quan chức năng này phải thẩm định, phê duyệt, chịu trách nhiệm chính bởi đây là bộ phận đảm nhiệm bao gồm chuyên môn, chức năng và trách nhiệm.

- Trước hiện trạng này, theo ông cần phải có cơ chế như thế nào để đảm bảo khâu PCCC?

Vì liên quan đến sinh mạng hàng nghìn người dân do đó khâu PCCC không thể làm kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” mà phải chặt chẽ, rà soát cẩn thận. Theo tôi, để đảm bảo khâu PCCC cần phải tăng mức xử phạt, tăng mức chịu trách nhiệm của tất cả cơ quan liên quan mới đủ sức răn đe. Ví dụ chủ đầu tư gây sai phạm phải đền bù hậu quả năng nề, phải chịu án phạt tù… Hiện nay nếu chỉ giải quyết theo phương án “rút kinh nghiệm” hay bảo hiểm, hỗ trợ chi phí,..  thì chắc chắn không đảm bảo được tính nghiêm minh và sức răn đe.

Và bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức trong vấn đề PCCC bởi hiện có nhiều trường hợp, người dân lấy vật dụng để chèn cửa hành lang thoát hiểm, chưa cảnh giác trong việc phòng các thiết bị dễ gây cháy nổ,…

- Từ đây, theo ông Nhà nước cần có những giải pháp gì để đảm bảo an toàn trong PCCC?

Theo tôi Nhà nước phải quản lý, kiểm soát và đảm bảo để không xảy ra vi phạm trong khâu PCCC. Để làm được việc đó, đầu tiên cần phải sửa đổi tiêu chuẩn PCCC để tiêu chuẩn phải thật sự rõ ràng, đảm bảo an toàn trên mức cần thiết cho dù chi phí cao.

Thứ hai, cần tuyên truyền về PCCC bằng nhiều phương tiện truyền thông khác nhau; hỗ trợ người dân nhận thức và biết cách sử dụng các thiết bị phòng chống cháy nổ khi xảy ra sự cố.

Thứ ba, Nhà nước nên trang bị mặt nạ, quần áo bảo hộ công ích cho người dân.

Thứ tư, người dân cần phải nâng cao ý thức tự giác; tích cực, chủ động tham gia tìm hiểu cách thức và giải pháp trong việc PCCC. Trong trường hợp cụ thể phải kiến nghị, đấu tranh để đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...