Các đại biểu về dự hội nghị
Hội nghị do Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Bên cạnh còn có sự phối hợp triển khai thực hiện của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội – Tạp chí Thương Gia, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng và các Sở ban ngành Sóc Trăng.
Đến dự sự kiện về phía các cơ quan Trung ương có ông Cao Đức Phát - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Vinh Hà - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học & Môi trường của Quốc hội, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, ông Đỗ Đức Hồng Hà - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội.
Tham dự sự kiện còn có sự hiện diện của chuyên gia kinh tế TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo cục, vụ, viện của Ban Kinh tế Trung ương và các Bộ Ban ngành của chính phủ.
Văn nghệ chào mừng hội
Về phía tỉnh Sóc Trăng có ông Nguyễn Văn Thể - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Chuyện - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cùng lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đoàn Đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh và các huyện, thị xã, Thành phố Sóc Trăng.
Về phía Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, ông Trần Khắc Tâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Bên cạnh đó còn có sự có mặt của lãnh đạo của Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang … Đặc biệt là sự có mặt của hơn 300 Doanh nhân đến từ 3 miền Bắc - Trung - Nam đã hội tụ về Sóc Trăng.
TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) phát biểu tại sự kiện
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam cho biết, Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch; phát triển thị trường và thương hiệu cho các doanh nghiệp hội viên. Hàng năm Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam luôn tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại du lịch và chương trình giao lưu Doanh nhân 3 miền Bắc - Trung - Nam tại các tỉnh thành trên khắp cả nước. Và hôm nay Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam - Sóc Trăng” và “Chương trình giao lưu Doanh nhân 3 miền Bắc - Trung - Nam 2017”.
Cơ hội đầu tư tại Sóc Trăng
Theo TS. Nguyễn Hồng Sơn, tỉnh Sóc Trăng là một vùng đất có một nền văn hóa đặc sắc và khá riêng biệt mà có thể gọi là: "văn hoá xứ giồng", thể hiện qua các mặt trong đời sống hằng ngày của người Sóc Trăng, từ ngôn ngữ, mối quan hệ xã hội, tên đất, tên làng đến tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực. Đây còn là một vùng đất nổi tiếng của các ngôi chùa mang kiến trúc độc đáo và nét văn hóa, lễ hội đặc sắc của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Không chỉ vậy, con người ở đây còn rất cần cù, chăm chỉ, chịu thương chịu khó và không khuất phục trước mọi hoàn cảnh, đặc biệt là rất mến khách.
Với bề dày về văn hóa đó, sau khi tái lập tỉnh vào năm 1992, từ một tỉnh nghèo, gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, tuy nhiên với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Sóc Trăng đã có những bước chuyển mình vượt bậc, gặt hái được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, đời sống người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều đổi mới. Thời gian qua, Sóc Trăng cũng đã thực hiện nhiều chính sách trải thảm đỏ để mời gọi, thu hút đầu tư thông qua việc xây dựng các chính sách đầu tư thông thoáng, quyết liệt trong việc cải cách thủ tục hành chính...Trong 3 năm tới, Sóc Trăng đang kêu gọi đầu tư vào 89 dự án quan trọng.
Toàn cảnh hội nghị
“Với những lợi thế trên của Sóc Trăng, qua hội nghị này, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp sẽ tìm cơ hội đầu tư và phát triển thị trường thương mại, quan tâm đến thị trường du lịch thương mại tại Sóc Trăng cũng như các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đồng thời chúng tôi cũng muốn lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các cơ quan quản lý xây dựng chính sách về việc phát triển kinh tế vùng miền; Và chúng tôi cũng muốn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp góp ý về cơ chế chính sách trong liên kết vùng miền, đặc biệt là cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, áp dụng cụ thể vào tỉnh Sóc Trăng” - Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh.
TS Nguyễn Hồng Sơn cũng mong muốn các đồng chí lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội có mặt tại đây sẽ lắng nghe những ý kiến từ phía các chuyên gia và các doanh nghiệp để các Ủy ban của Quốc hội ngay trong kỳ họp tới đây khi thẩm tra và góp ý cho dự thảo báo cáo về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng 9 tháng đầu năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Chính phủ sẽ đưa được tiếng nói từ hội nghị này vào Nghị quyết của Quốc hội.
“Chúng tôi cũng hy vọng rằng, sau hội nghị này, nhiều nhà doanh nghiệp sẽ đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Sóc Trăng. Các dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng sẽ được triển khai thực hiện theo mong muốn của Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng” – ông Sơn nói tiếp.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chào mừng các đại biểu đến Sóc Trăng dự hội nghị; đồng thời khẳng định đây là cơ hội để các doanh nhân, doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, trao đổi hợp tác, phát huy thế mạnh trong chuỗi liên kết vùng. Ông Trần Văn Chuyện giới thiệu những tiềm năng, lợi thế của Sóc Trăng. Theo đó, Sóc Trăng đã và đang có một số mặt hàng nông sản, thực phẩm nổi tiếng, tạo thương hiệu cho địa phương, như hành tím Vĩnh Châu, gạo Sóc Trăng, gạo tài nguyên Thạnh Trị, bánh pía, tôm nước lợ…
Ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng
Qua hội nghị, Sóc Trăng mong muốn được giới thiệu tiềm năng cơ hội đầu tư, thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nông sản thực phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Ông Chuyện cũng mong muốn các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm được cơ hội đầu tư tại Sóc Trăng, cũng như cơ hội liên kết để tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, nhằm đáp ứng thị trường. Qua đó, đề xuất những giải pháp, góp phần thúc đẩy và phát huy thế mạnh của các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết vùng, xây dựng được nhiều mô hình liên kết để phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Tỉnh Sóc Trăng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, kinh doanh để doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh an toàn, thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả”- ông Chuyện nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong những năm qua chúng ta đã kí một số cam kết hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh, phát triển thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng, tạo điều kiện thuận lợi kinh doanh cho doanh nghiệp. Trong Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp doanh nhân phát triển có phân công cho các bộ, các tỉnh thành, các ngành, các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo môi trường kinh doanh minh bạch, duy trì sự phát triển kinh tế xã hội cho đất nước.
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI
Theo Phó Chủ tịch VCCI, có thể nói chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân lại nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp như vậy… Cụ thể, trước đó vào năm 1945 Bác Hồ đã gửi thư cho giới Công thương trong đó Người nêu rõ, trách nhiệm của chính quyền các cấp, trách nhiệm của doanh nghiệp là phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Nghị quyết 09 cũng đã nêu rõ vai trò doanhh nhân trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Về phía VCCI, trong thời gian tới VCCI sẽ kiến nghị đến các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương nhằm gạt bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp....
Phát huy mạnh mẽ vai trò kết nối
Ông Trần Khắc Tâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các khu công nghiệp của Sóc Trăng đã tiếp nhận khoảng 50 dự án, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2017 khoảng gần 7.000 tỷ đồng. Các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Sóc Trăng đã từng bước được hình thành, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là tiền đề để ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh nhà phát triển mạnh trong tương lai.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, Sóc Trăng có 89 danh mục dự án được đưa ra để ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh, gồm các lĩnh vực như: nông nghiệp; phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; thương mại, dịch vụ và xây dựng; du lịch; giao thông vận tải; năng lượng điện gió và dự án phát triển chợ…
Ông Tâm khẳng định, Sóc Trăng là một trong những địa phương có nhiều hành động cụ thể để thực hiện các chủ trương lớn của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, và có thể nói cùng với quyết tâm của Thủ tướng nhằm xây dựng Chính phủ kiến tạo thì lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng nỗ lực xây dựng “chính quyền kiến tạo”. Từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ. Ngay từ đầu năm, ngày 28-2-2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, trong đó xác định 3 nhóm giải pháp trọng tâm là: đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường tin học hóa để tiến tới xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương.
Ông Trần Khắc Tâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng
“Lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc họp mặt đối thoại với doanh nghiệp để thông tin định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động. Ngày 10-5-2017, UBND đã tổ chức lễ ký kết trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ nay đến năm 2020, trong đó cam kết thực hiện đầy đủ 14 chỉ tiêu liên quan đến hoạt động rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính” – ông Tâm cho biết thêm.
Cũng theo ông Tâm, đối với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi đã phát huy mạnh mẽ vai trò kết nối, sẵn sàng làm cầu nối giữa các doanh nghiệp với chính quyền, giữa các doanh nghiệp bên ngoài với doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh, giữa cộng đồng doanh nghiệp với các nhà khoa học, nhà quản trị thông qua việc tổ chức các hội thảo, các khóa đào tạo cho doanh nghiệp, chương trình “cà phê kết nối” được duy trì đều đặn… Hiệp hội cũng làm cầu nối để các nhà đầu tư mới, trong đó có những nhà đầu tư Việt kiều có tiềm năng lớn đến gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo tỉnh; Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp khởi nghiệp...
Với những yếu tố thuận lợi trên,"chúng tôi một lần nữa chân thành mời gọi các nhà đầu tư trong tỉnh, ngoài tỉnh và các nhà đầu tư nước ngoài đến với Sóc Trăng, tìm kiếm cơ hội đầu tư để vừa làm giàu cho mình, vừa làm giàu cho Sóc Trăng – một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, tuy còn nghèo nhưng đang nỗ lực vươn lên mạnh mẽ” – ông Tâm kêu gọi.
Kinh nghiệm khi đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng
Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Hồng - Phó Tổng Giám Đốc Công ty CP tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang cũng đã chia sẻ một số kinh nghiệm khi đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng. Theo bà Hồng, bên cạnh mục tiêu mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh của doanh nghiệp thì một mục tiêu rất quan trọng của Superdong là đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - du lịch của các huyện đảo. Chính vì thế, sau nhiều năm nghiên cứu và khảo sát, Superdong đã quyết định phát triển tuyến vận tải thủy từ đất liền ra Côn Đảo.
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng - Phó Tổng Giám Đốc Công ty CP tàu cao tốc Superdong
“Trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi đã nhận được nhiều lời kêu gọi đầu tư từ các tỉnh khu vực Miền Tây cũng như Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Tuy nhiên, Sóc Trăng là địa điểm mà chúng tôi quyết định đầu tư do có vị trí thuận lợi và sự kêu gọi, tâm huyết đối với nhà đầu tư từ Ban Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND Tỉnh” – Bà Hồng nói.
Cũng theo bà Hồng, sau một thời gian ngắn tiếp xúc và làm việc với lãnh đạo Tỉnh, với sự chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh và sự hướng dẫn hỗ trợ nhiệt tình của các cơ quan ban ngành tỉnh Sóc Trăng, Superdong tiếp tục là doanh nghiệp tiên phong đưa tàu cao tốc kết nối đất liền từ Huyện Trần Đề - Sóc Trăng đến với Côn Đảo.
Có thể nói, dự án của Superdong sớm đi vào hoạt động có một phần đóng góp rất quan trọng từ những sự quan tâm và giải quyết nhanh chóng từ Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Sóc Trăng trong việc thực hiện các thủ tục xin cấp chủ trương đầu tư dự án, thuê đất dài hạn, đăng ký hoạt động kinh doanh và các thủ tục hành chính được giải quyết rất nhanh chóng.
“Qua Hội nghị này, Superdong xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Tỉnh Sóc Trăng. Và với vai trò là một nhà đầu tư đã – đang và sẽ tiếp tục đầu tư vào Sóc Trăng, Superdong rất mong muốn các doanh nghiệp tại Hội nghị ngày hôm nay nghiên cứu, xem xét việc đầu tư tại Sóc Trăng cũng như xúc tiến thương mại trên địa bàn Tỉnh” – Bà Hồng nhấn mạnh.
Là một doanh nghiệp đến từ Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hồng Phương - Tổng Giám đốc Công ty May Phương Thảo cho biết, Công ty May Phương Thảo tính đến nay đã có 30 năm kinh nghiệm về nghề. Hiện công ty có chuỗi showroom 12 cửa hàng tại các điểm ngã tư sầm uất ở Thủ đô Hà Nội. Đề cao giá trị của sự chia sẻ và đem đến cho khách hàng những sản phẩm ưu việt, đẹp về đường nét thiết kế, tốt về chất lượng vải và cẩn thận về từng đường kim, mũi chỉ, thế nên Phương Thảo đã trở thành một trong những thương hiệu uy tín trên thị trường.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phương - Tổng Giám đốc Công ty May Phương Thảo
Theo bà Phương Thảo, sau 1 ngày khảo sát tại thành phố Sóc Trăng, bà dự định sẽ lập xưởng hỗ trợ thử nghiệm, dạy nghề tạo công ăn việc làm cho những người lao động nghèo. Bà hi vọng chính quyền sở tại sẽ tạo nhiều điều kiện hỗ trợ để bà có thể triển khai ý tưởng này.
Giải pháp cho Sóc Trăng
TS Nguyễn Đức Kiên - Phó CN UBKT Quốc hội cho biết, Sóc Trăng là một tỉnh ven biển ở Tây Nam Bộ, thuận đường giao lưu hàng hóa trong nước và quốc tế. Trong sự nghiệp đổi mới và phát triển, Sóc Trăng đã bước đầu tận dụng được lợi thế và tiềm năng vùng ven biển để phát triển, trong đó có nhiều doanh nghiệp công nghiệp chế biê thủy hải sản và hạng mục công trình phục vụ, dân sinh quan trọng. Như vậy, với vai trò ngày càng tăng lên của biển đảo, với tư cách là tỉnh có có biển đầy tiềm năng, việc phát triển các doanh nghiệp công nông nghiệp phục vụ nuôi trồng thủy hải sản có thể xem là bước đột phá để đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Cũng theo ông Kiên, quy hoạch các khu kinh tế hiện nay là không khả thi và dù có một số yếu tố hợp lý trong khai thác, nhưng nếu đồng loạt triển khai sẽ làm cho kinh tế Sóc Trăng phát triển hiệu quả.
Nếu có lộ trình, với trọng tâm là lựa chọn phát triển sớm hơn 2-3 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến kinh tế biển và vùng ven, khác quy hoạch đã được phê duyệt năm 2015.
Để Sóc Trăng phát triển, theo ông Kiên cần tạo ra 5 môi trường sau: Môi trường thực hiện công việc theo pháp luật; Môi trường có người làm việc thật thà, vui tính; Môi trường phục vụ văn minh; Môi trường vệ sinh sạch sẽ và Môi trường an ninh, an toàn và có trật tự.
Ông Kiên cũng đưa ra 6 trọng điểm gồm: Thứ nhất, trọng điểm kinh tế dân doanh, có giá trị lớn trong công nghiệp của thành phố, trên 80%. Thứ hai, trọng điểm kinh tế cởi mở, trình độ hướng ngoại cao vì là khu kinh tế và thực hiện chính sách mở cửa. Thứ ba, trọng điểm khu kinh tế hỗn hợp là các khu phát triển kinh tế, vừa là khu khoa học – công nghệ cao, các khu chế xuất, khu công nghiệp. Thứ tư, trọng điểm kinh tế cảng. Thứ năm, trọng điểm thương mại và dịch vụ. Thứ sáu, trọng điểm nông nghiệp, tạo lập các doanh nghiệp khá giỏi trồng trọt, chăn nuôi.
Về giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Kiên, cần rà soát lại quy hoạch tổng thể kinh tế trọng điểm theo định hướng tái cơ cấu nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng dựa và giá trị gia tăng, sản phẩm của vùng kinh tế là một bộ phận cấu thành của sản phẩm mang thương hiệu quốc tế.
Phát triển khu cảng phục vụ thi công Trung tâm Nhiệt điện Long Phú hiện nay thành trung tâm hỗ trợ du lịch và thương mại, dành quỹ đất phù hợp để hình thành khu vực logictics ở các cửa ngõ tỉnh gắn với cảng biển mới....
Theo ông TS. Trần Du Lịch - Chuyên gia Kinh tế, thành viên hội đồng tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Sóc Trăng là nơi có sản lượng rau quả và trái cây xuất khẩu lớn nhất nước. Như vậy vấn đề đặt ra đầu tiên để liên kết vùng là nên bắt đầu từ thế mạnh của Sóc Trăng. Cụ thể, phải tăng cường khâu sản xuất chế biến, bắt đầu làm thị trường chính là thị trường xuất khẩu. Đây là vấn đề cốt lõi với kinh tế cả nước.
“Nhưng bắt đầu sự liên kết từ đâu khi sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tỉnh thậm chí còn dìm giá nhau? Chính vì thế rất cần vai trò của các Hiệp hội. Hiệp hội cần đưa ra các luật lệ thì mới mong các doanh nghiệp liên kết được” – TS. Trần Du Lịch nói.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng khuyên tỉnh Sóc Trăng nên chú trọng phát triển đường thủy bởi theo ông, việc giảm chi phí giao thông đường thủy là vấn đề rất quan trọng để liên kết vùng.
Ông cũng khuyên Sóc Trăng cần sáng tạo hơn nữa trong công tác vùng. “Cách đây 20 năm, ông tổng giám đốc đầu tiên của Microsoft đã có câu đại ý rằng, công nghệ chúng tôi không tôn trọng tuyền thống mà tôn trọng sự sáng tạo. Dĩ nhiên điều này hơi quá khích nhưng nếu không sáng tạo thì khó thành công”.
Cũng theo TS Trần Du Lịch, mặc dù doanh nghiệp FDI vẫn đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên “tôi vẫn trung thành với lý thuyết là không đất nước nào lớn lên bằng đầu tư từ doanh nghiệp FDI mà lớn lên bằng nội sinh doanh nghiệp trong nước. Sóc Trăng sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp vì có nhiều tiềm năng và chúng ta chắc chắn sẽ thay đổi. Tôi tin kể cả những vùng nhiễm mặn thì doanh nghiệp vẫn biến bất lợi thành có lợi”.
Tăng cường liên kết vùng miền
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Cao Đức Phát - Uỷ viên Ban chấp hành TW Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hội nghị Trung ương khóa XII của Đảng đã ban hành 03 Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế. Điều này một lần nữa khẳng định quan điểm của Đảng coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm và vai trò của các doanh nhân doanh nghiệp tạo môi trường vô cùng thuận lợi, minh bạch và ổn định, khuyến khích các doanh nhân đầu tư kinh doanh có hiệu quả.
Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSLC) trong đó có tỉnh Sóc Trăng, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8//2012 về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL đến năm 2020 trong đó nhấn mạnh xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại; phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững; phát triển mạnh kinh tế biển và xây dựng ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia; Phát triển mạnh dịch vụ, du lịch thành ngành kinh tế then chốt của vùng. Trong quá trình đó doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng tại cơ cấu phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới.
Ông Cao Đức Phát - Uỷ viên Ban chấp hành TW Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương
“Để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế trong vùng ĐBSCL rất cần đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế toàn vùng phát triển” – ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cao Đức Phát, riêng đối với tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua việc thực hiện các chủ trương của Đảng đã đem lại những kết quả phát triển kinh tế - xã hội hết sức tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện và trở nên hấp dẫn. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 vươn lên thứ 22 trong số 63 tỉnh thành cả nước. Đây là sự phản ánh những nỗ lực cải cách hành chính, xây dựng một chính quyền thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì các doanh nghiệp đang nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, cần tập trung có các giải pháp để định vị, nâng cao uy tín hàng Việt Nam nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa với quy mô dân số đông đảo trên 95 triệu người với tổng mức chi tiêu tăng nhanh và có thể đạt trên 170 tỷ USD vào năm 2020. Với nhiều hoạt động nhằm kết nối, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước cũng là hành động rất thiết thực để góp phần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu trên, theo ông Phát, các doanh nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến chất lượng hàng hóa, đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã và giá thành hợp lý, chủ động nắm bắt tình hình nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng; tổ chức tốt mạng lưới phân phối nhằm kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa lưu thông.
Mặt khác, để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước nói chung và các doanh nghiệp trong Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam nói riêng cần tăng cường liên kết, hợp tác tạo ra sức mạnh tổng hợp. Cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp, hiệp hội, sự vào cuộc quyết liệt, sự đồng hành của cấp ủy và chính quyền đoàn thể các cấp có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ đạo, để giúp thành viên có thể tận dụng cơ hội và vượt qua các thách thức, Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các hội viên, nâng cao sức cạnh tranh. Phát huy những kết quả đạt được thời gian thực hiện tốt hoạt động xúc tiến thương thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ.
Đồng thời thường xuyên động viên, hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thực hiện trách nhiệm với xã hội.
Trong số các dự án Sóc Trăng đang kêu gọi đầu tư, ngay tại hội nghị, 5 dự án đã được các doanh nghiệp đến từ 3 miền tổ quốc đăng ký triển khai thực hiện trong thời gian tới. Với khởi đầu tốt đẹp đó, hy vọng Sóc Trăng trong nay mai sẽ là một trong những tỉnh phát triển mạnh không chỉ đối với các tỉnh trong vùng miền mà còn là một tỉnh phát triển mạnh so với các tỉnh thành khác trong cả nước.