Hơn 300.000 doanh nghiệp sẽ được giảm hơn 1.900 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp

Nếu Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thông qua, sẽ có khoảng 300.000 doanh nghiệp được hưởng lợi từ quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng số thuế giảm được tính toán vào khoản
Hơn 300.000 doanh nghiệp sẽ được giảm hơn 1.900 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp

Chiều qua (23/5), khi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trực tiếp giải đáp về những vấn đề còn băn khoăn về Dự án luật.

Sẽ không hỗ trợ doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước về mặt bằng

Một thông tin quan trọng khác, theo ông Vũ Hồng Thanh, khi góp ý cho Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, một số ý kiến đã đề xuất việc không nên hỗ trợ cho các DNNVV có vốn đầu tư nước ngoài, DNNVV có vốn nhà nước.
Liên quan tới vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đối với các hỗ trợ chung, tất cả các DNNVV đều được hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện, riêng với hỗ trợ mặt bằng sản xuất là hỗ trợ có sử dụng nguồn lực trực tiếp và phải dựa trên điều kiện cân đối ngân sách của từng địa phương, do đó cần quy định hạn chế đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật quy định DNNVV có vốn đầu tư nước ngoài, DNNVV có vốn nhà nước không được áp dụng hỗ trợ về mặt bằng sản xuất.

“Quy định như vậy vừa không vi phạm việc hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp, các quy định của các cam kết quốc tế về phân biệt đối xử, vừa thu hẹp đối tượng áp dụng nhằm tập trung nguồn lực để chính quyền địa phương dành cho DNNVV tư nhân trên địa bàn”, ông Thanh nói.

Trong khi đó, liên quan các quy định về tiêu chí xác định, phân loại DNNVV, ông Thanh cho biết, nhiều quan điểm cho rằng, nên bổ sung tiêu chí doanh thu, cân nhắc doanh thu từ 200-300 tỷ đồng, giảm quy mô số lao động từ 300 người xuống 200 người, thay tiêu chí số lao động bình quân bằng tiêu chí số lao động tham gia bảo hiểm xã hội và nên chọn 2 trong 3 tiêu chí…

Cân nhắc các ý kiến góp ý này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ bảng xác định, phân loại DNNVV; bổ sung tiêu chí doanh thu và áp dụng đồng thời tiêu chí về lao động và tiêu chí về tài chính (doanh thu hoặc tổng nguồn vốn); chỉnh sửa theo hướng quy định tiêu chí trần để xác định DNNVV.

“Việc quy định số lao động 200 người cũng được tham khảo theo tiêu chí hướng dẫn của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP. Việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia bảo hiểm xã hội không chỉ thu hẹp đối tượng mà còn thể hiện đúng nguyên tắc Nhà nước chỉ hỗ trợ DNNVV tuân thủ các quy định pháp luật, góp phần để DNNVV tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội”, ông Thanh khẳng định.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội năm 2015, trong khoảng 480.000 DN đang hoạt động và có đăng ký mã số thuế, chỉ có 199.500 DN tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 42% tổng số DN.

Hơn 300.000 doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, được cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi, đó là các chính sách hỗ trợ, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi góp ý về Dự thảo Luật, một số ý kiến cũng đề nghị không nên quy định hỗ trợ thuế hoặc thu hẹp phạm vi theo hướng chỉ hỗ trợ thuế cho các DNNVV là đối tượng hỗ trợ trọng tâm theo quy định của Luật, không hỗ trợ thuế cho toàn bộ DNNVV, tránh làm giảm thu lớn ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo lý giải của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật quy định DNNVV được hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, như vậy chỉ các doanh nghiệp có lợi nhuận mới được hưởng lợi trực tiếp từ quy định này. Và theo số liệu thống kê thực tế thì không phải toàn bộ DNNVV mà chỉ có khoảng 50% được hưởng chính sách này.

Cụ thể, theo thống kê, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động và làm ăn có lãi chiếm khoảng 49,4% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, ước tính có khoảng 301.300 doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi trực tiếp ngay từ các quy định này. Trong số các doanh nghiệp này có khoảng 4.160 doanh nghiệp vừa, 116.920 doanh nghiệp nhỏ và 173.271 doanh nghiệp siêu nhỏ.

“Từ góc độ phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu, việc giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với DNNVV là biện pháp hợp lý để nâng cao năng lực tài chính, khả năng sinh lời của các DNNVV và qua đó nâng cao tính bền vững và mức thu của nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp trong dài hạn”, ông Thanh khẳng định và cho biết, một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Pháp… cũng đều áp dụng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNNVV.

Cũng theo ông Thanh, tuy dự thảo Luật không quy định cụ thể mức giảm so với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, nhưng trên cơ sở tính toán giả định về mức giảm đối với với doanh nghiệp vừa là 1%, doanh nghiệp nhỏ là 2% và doanh nghiệp siêu nhỏ là 3% so với mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp hiện hành, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 1.920 tỷ đồng. Con số này là không quá lớn như lo ngại của các đại biểu Quốc hội.

Theo baodautu.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...