Các doanh nghiệp tham gia chương trình ký cam kết hợp tác trong phát triển, phân phối hàng Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, chương trình Hội nghị đối tác phát triển hàng Việt Nam 2018 đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, với nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng một môi trường sinh thái để trong đó các doanh nghiệp lớn và nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất cùng doanh nghiệp phân phối trở thành những đối tác của nhau, mở ra những không gian kết nối và chia sẻ nhằm phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá dịch vụ Việt Nam.
“Sau 4 lần tổ chức, chương trình đã phát đi những tín hiệu thị trường, cùng với sự giúp sức của truyền thông sẽ tạo ra những thông điệp lan toả tới mọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đang sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đã có thể tham gia kết nối, tạo mối quan hệ đối tác phát triển lâu dài”, ông Đỗ Thắng Hải cho biết thêm.
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quản quản lý nhà nước và doanh nghiệp đã thảo luận về đường hướng nhu cầu, cơ chế hợp tác, kết nối hàng hoá giữa các doanh nghiệp nhằm phát triển thị trường và kết nối phát triển hàng Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng hiện đại.
Theo bà Lê Thị Mai Linh - Phó Chủ tịch Điều hành Quan hệ Đối ngoại và Truyền thông Tập đoàn Central Group Việt Nam, với 96% hàng của Big C là nội địa, doanh nghiệp này đã có những hành động cụ thể để hàng hóa vào hệ thống bán lẻ được thuận lợi, như đặt văn phòng ở tại địa phương, 50% sản phẩm nông sản thu mua tại địa phương…
Đối với các hộ sản xuất, bà Lê Thị Mai Linh cho rằng nhà sản xuất cần tìm hiểu kỹ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiến tới nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói tốt... Điều này sẽ tạo được niềm tin cho người tiêu dùng Việt Nam.
Đồng quan điểm này, bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc Giao dịch Nhà cung cấp Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM cũng chia sẻ: Khi đưa hàng vào siêu thị nhà sản xuất cần nghiên cứu thị trường, tuân thủ chất lượng đăng ký từ đầu đến đi vào sản xuất kinh doanh, chất lượng phải luôn đảm bảo.
Đồng thời, cần tìm hiểu hình ảnh bao bì nhãn mác đã đủ sức cạnh tranh trên thị trường chưa, làm sao mẫu mã phải cạnh tranh được, các chính sách truyền thông, khuyến mãi, hậu mãi phải chuẩn bị kỹ càng. Chính việc này giúp người tiêu dùng hiểu và tiếp cận sản phẩm nhanh hơn.
Nhà sản xuất cần tìm hiểu các quy trình khi liên kết đưa sản phẩm vào siêu thị
Xoay quanh việc giải quyết bài toán tài chính toàn diện cho các chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Quản lý Tiền mặt và Tài trợ Thương mại - Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank), cho biết: Hiện nay ngân hàng đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp này đang thông qua nhiều kênh từ nhà phân phối đến nhà sản xuất. Nếu các doanh nghiệp sản xuất đảm bảo các yêu cầu, điều kiện và đã cung ứng cho các siêu thị, kênh phân phối thì ngân hàng có thể hỗ trợ tài trợ tài chính thông qua việc vay tín chấp, với nhiều loại hình hỗ trợ.
HDBank luôn hỗ trợ các đối tác trong chuỗi, từ nhà cung cấp, công ty đầu mối, nhà phân phối “đến gần với nhau hơn”, nghĩa là tăng cường bán hàng và giảm thiểu rủi ro trong thanh toán cũng như nhận được sự hỗ trợ tài chính kịp thời. Với chiến lược tiếp tục đẩy mạnh mô hình tài trợ chuỗi cung ứng, mở rộng ra nhiều lĩnh vực ngành nghề, trong đó vẫn ưu tiên lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, trong thời gian tới mục tiêu của HDBank sẽ tăng gấp đôi số lượng khách hàng được tài trợ chuỗi trong 1-2 năm tới với tổng hạn mức tín dụng được cấp cũng tăng tương ứng.
Dịp này, đại diện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình đã ký cam kết hợp tác trong phát triển hàng Việt Nam, phân phối hàng Việt Nam. Hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội lớn về cung – cầu cho các doanh nghiệp, nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam ngày càng uy tín cả trong nước và quốc tế.