Sáng 2/7, Triển lãm quốc tế lần thứ 21 về cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo (MTA Vietnam 2025) khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), kéo dài đến 5/7.
MTA Vietnam 2025 có sự tham gia của hơn 500 thương hiệu trong nước và quốc tế, nổi bật như: Amada, Trumpf, Hwacheon, DN Solutions, Yamazen, Mazak, Sodick, Heidenhain, Hiwin, Keyence, Mitutoyo, Renishaw, Salvagnini, THK, Vạn Sự Lợi, Thịnh Qua...
Điểm nhấn của MTA Vietnam 2025 là 12 khu gian hàng quốc tế đến từ Đức, Ý, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… góp phần thúc đẩy kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.
Danh mục trưng bày năm nay cũng bao phủ đầy đủ các lĩnh vực then chốt như máy cắt và định hình kim loại, kim loại tấm, đúc và khuôn mẫu, công nghệ hàn, dụng cụ gia công, cắt gọt, công nghệ tự động hóa, đo lường, kiểm tra, xử lý bề mặt, xử lý nhiệt, nguyên nhiên vật liệu và nhiều thiết bị, dịch vụ hỗ trợ khác.
“Đây là cơ hội quý giá để doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, kết nối kinh doanh cùng các nhà đầu tư, khách hàng tiềm năng, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu, đồng thời cập nhật những đổi mới, sáng tạo tiên tiến trong ngành cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo”, đại diện đơn vị tổ chức Công ty Informa Markets Vietnam nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 1/2025 ước tăng 7,8% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Đáng chú ý, ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 10,1% (so với mức 6,5% cùng kỳ năm 2024), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành công nghiệp đang phục hồi rõ nét và chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Những con số này phản ánh sự cải thiện đồng bộ của môi trường đầu tư, sản xuất và thương mại, góp phần củng cố niềm tin vào triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Trong chiến lược tái cơ cấu ngành công thương đến năm 2030, ngành chế biến, chế tạo đang được kỳ vọng trở thành trụ cột của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu chiếm 30% GDP vào năm 2030. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, doanh nghiệp cần đẩy nhanh đổi mới công nghệ, tăng tốc chuyển đổi số và phát triển các mô hình sản xuất thông minh.
“Trong bối cảnh đó, MTA Vietnam 2025 không chỉ là nơi quy tụ các công nghệ sản xuất tiên tiến từ khắp nơi trên thế giới, mà còn là nền tảng giúp doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi công nghệ, tái cấu trúc sản xuất, và nâng cao năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên công nghiệp mới”, đại diện Công ty Informa Markets Vietnam cho biết.
Một trong những điểm mới của MTA năm nay là sự kiện kết nối, tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ của hơn 20 doanh nghiệp FDI nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hoá, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực công nghệ, chất lượng và quản trị, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong các lĩnh vực.
Chương trình do Sở Công thương TP.HCM chủ trì, phối hợp cùng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA), Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) và Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Doanh nghiệp Công nghiệp TP.HCM (CSID) tổ chức.
“Thông qua hoạt động này, chúng tôi hướng đến mục tiêu mở rộng mạng lưới kết nối, thúc đẩy nội địa hóa sản xuất và tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận nhiều cơ hội hợp tác thực chất với các đối tác quốc tế”, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhấn mạnh và khẳng định: Sở Công Thương TP.HCM sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất chế tạo nâng cao năng lực, đổi mới công nghệ và kết nối sâu rộng vào chuỗi giá trị trong và ngoài nước.
Một sự kiện đáng chú ý khác tại MTA Vietnam 2025 là Diễn đàn Sản xuất Thông minh Bền vững do Informa Market Vietnam và Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam (VIZ) tổ chức với chủ đề: “Chuyển đổi nền sản xuất thông minh bền vững trong kỷ nguyên mới”, mang đến góc nhìn chiến lược về xu hướng chuyển đổi sản xuất thông minh bền vững, chuyển đổi khu công nghiệp theo mô hình tích hợp thế hệ mới, khu phi thuế quan và logistics, di dời nhà máy và hành trình hướng tới khu công nghiệp...