IPO Vinalines: Không chọn nhà đầu tư lướt sóng

Hơn 488 triệu cổ phần của công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) dự kiến phát hành lần đầu ra công chúng sẽ không dành cho các nhà đầu tư lướt sóng.
IPO Vinalines: Không chọn nhà đầu tư lướt sóng

Đi đường dài

Theo thông tin của Báo Đầu tư, cho đến 17h ngày 12/7/2018 - thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược, thông tin từ Vinalines cho biết, doanh nghiệp hàng hải số một Việt Nam đã nhận được đề nghị của 1 nhà đầu tư nước ngoài khá nổi tiếng trong lĩnh vực vận tải biển đến từ Hàn Quốc.

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines xác nhận thông tin này và cho biết, đã báo cáo kết quả rà soát hồ sơ đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược của nhà đầu tư này lên Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Ban Chỉ đạo cổ phần hóa công ty mẹ - Vinalines.

Tại bản công bố thông tin chào bán 207.896.970 cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược, Vinalines mở rộng cửa cho doanh nghiệp trong và ngoài nước thỏa mãn các tiêu chí lựa chọn đã được Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 4/2018.

Ngoài việc cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của Vinalines trong vòng 3 năm kể từ khi được chọn, ứng cử viên trở thành nhà đầu tư chiến lược của “ông lớn” ngành hàng hải Việt Nam cần phải đáp ứng một loạt các điều kiện chung và điều kiện riêng khác.

Cụ thể, trong số nhóm điều kiện chung, đáng chú ý nhất là việc các nhà đầu tư phải có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động kinh doanh hai năm gần nhất tính từ thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi và không có lỗ lũy kế.

Đối với nhóm điều kiện riêng, với các nhà đầu tư là doanh nghiệp cùng ngành nghề, Bộ GTVT yêu cầu phải có mức vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng. Đối với các nhà đầu tư ngoài ngành nghề, mức vốn điều lệ được yêu cầu cao gấp đôi (2.000 tỷ đồng) hoặc có quy mô tổng tài sản đang quản lý tối thiểu 2.000 tỷ đồng đối với các nhà đầu tư là các quỹ đầu tư.

Tiêu chí cao gấp đôi so với phương án được Bộ GTVT đệ trình Chính phủ vào tháng 12/2017 được cho là để sàng lọc, lựa chọn được các nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính tốt hơn, đủ sức đồng hành với Vinalines trong chặng đường tái cơ cấu sắp tới.

“Vinalines không cố chọn nhà đầu tư chiến lược bằng mọi giá. Chúng tôi muốn có nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính, sẵn lòng cùng đồng hành với Tổng công ty trong thời gian dài”, ông Hải cho biết.

Vinalines cũng đã dự liệu sẵn các phương án xử lý 207.896.970 cổ phần trong trường hợp không thể tìm được nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, toàn bộ lô cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược sẽ được đem bán đấu giá công khai ra công chúng theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước và Công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Trong trường hợp này, tổng số cổ phần thực hiện bán đấu giá ra công chúng là 488.818.130 cổ phần, tương ứng với 34,8% vốn điều lệ của Vinalines.

Ẩn số

Trước đó, vào tháng 7/2018, Vinalines đã có đơn gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đề nghị cho phép đơn vị này được tiến hành đấu giá bán 280.921.160 cổ phần với mã chứng khoán đề xuất là MVN trong tuần đầu tháng 9/2018. Vinalines cũng muốn đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCom đối với toàn bộ cổ phần trúng đấu giá đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán.

Mặc dù ngành hàng hải thế giới và trong nước đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng đợt IPO sắp tới của Vinalines vẫn được các nhà đầu tư dành những sự quan tâm nhất định do những lợi thế lớn mà Tổng công ty này nắm giữ trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính là khai thác cảng biển; vận tải biển và dịch vụ hàng hải.

Trong lĩnh vực vận tải biển, Vinalines đang khai thác 82 tàu biển với tổng trọng tải khoảng 1,87 triệu DWT, chiếm 25% tổng trọng tải đội tàu treo cờ Việt Nam, hàng năm mang lại cho Tổng công ty khoảng 37% doanh thu. Trong giai đoạn 2018 - 2020, mục tiêu chính của Vinalines vẫn là tiếp tục bán các tàu già, khai thác kém hiệu quả trước khi duy trì ổn định hoạt động của đội tàu chờ thị trường vận tải biển phục hồi. Mặc dầu vậy, với việc nắm trong tay 25% tổng trọng tải đội tàu cả nước, Vinalines đương nhiên sở hữu vị thế số 1 tại thị trường vận tải biển nội địa, nhất là khi đây là “địa hạt” mà Việt Nam dự kiến chưa mở cửa cho các hãng tàu biển quốc tế.

Một lợi thế so sánh khác của Vinalines chính là việc Tổng công ty này đang khai thác và vận hành 14 cảng biển tại các vị trí chiến lược trải dài khắp Việt Nam, chiếm gần 27% công suất thiết kế và 20% tổng chiều dài cầu bến của cả nước. Trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải, Vinalines đang sở hữu 2,34 triệu m2 kho bãi; 70 thiết bị nâng hạ; 247 phương tiện vận tải đường bộ đang hoạt động tại 9 doanh nghiệp logistics thành viên, mang lại 27% doanh thu mỗi năm cho doanh nghiệp.

Cần phải nói thêm rằng, sau 3 năm tiến hành tái cơ cấu (2012 - 2015), bắt đầu từ năm 2015, Vinalines công bố đã đạt khoản lợi nhuận dương. Đến năm 2015, Vinalines đã chính thức thoát lỗ, ghi nhận mức lãi 65 tỷ đồng. Bước sang năm 2016, lợi nhuận của Vinalines tăng lên khoảng 200 tỷ đồng và năm 2017 ước đạt khoảng 500 tỷ đồng. Hiện gánh nặng nợ nần quá khứ của Vinalines cũng đã được xả bớt khi số nợ từ 11.400 tỷ đồng năm 2014 đã giảm xuống còn 2.610 tỷ đồng năm 2017.

Được hưởng lợi từ một loạt công ty thành viên trong lĩnh vực cảng biển và logistics đang làm ăn tốt, kết quả kinh doanh hợp nhất của Tổng công ty dự báo là khá tích cực khi có thể đạt khoản lợi nhuận lên tới 711 tỷ đồng vào năm 2019 và 953 tỷ đồng vào năm 2020.

“Là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực giao thông cổ phần hóa, đợt IPO hơn 488 triệu cổ phiếu Vinalines trong tháng 9/2018 được cho là rất khó dự đoán”, một chuyên gia nhận định.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...