JVC báo lỗ 1.336 tỷ đồng sau kiểm toán, lộ hàng loạt sai phạm

Sáng ngày 8/8, CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (HOSE: JVC) đã công bố BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2015 với khoản lỗ ròng gần 1.336 tỷ đồng, lộ ra hàng loạt sai phạm trong sử dụng vốn từ phát hành cổ phiế
JVC báo lỗ 1.336 tỷ đồng sau kiểm toán, lộ hàng loạt sai phạm

Bất ngờ lỗ 1.336 tỷ đồng

So với trước kiểm toán, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của JVC tăng nhẹ lên gần 504 tỷ đồng (so với 423 tỷ đồng theo BCTC tự lập). Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng đột biến khiến lãi gộp chỉ còn vỏn vẹn gần 3.4 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số hơn 347 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014 và gần 114 tỷ đồng theo BCTC đã công bố trước đó.

Mặc dù vậy, các khoản chi phí mới là những khoản mục biến động nhất sau kiểm toán. Chi phí tài chính của JVC tăng lên gần 134 tỷ đồng, gấp 6 lần so với trước kiểm toán. Nguyên nhân là do xuất hiện khoản mục chi phí dự phòng cho đầu tư tài chính dài hạn với giá trị 110.75 tỷ đồng, mặc dù chi phí lãi vay giảm chỉ còn gần 16.5 tỷ đồng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận hơn 1,159 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với trước kiểm toán, chủ yếu do dự phòng phải thu khó đòi. Trong đó, theo thuyết minh BCTC, con số trên bao gồm gần 594 tỷ đồng là dự phòng được trích lập cho các khoản phải thu các công ty liên quan đến các thành viên tiền nhiệm của Ban Giám đốc hoặc các thành viên mật thiết trong gia đình họ.

Theo đó, lỗ ròng JVC ghi nhận trong năm 2015 lên tới gần 1,336 tỷ đồng, gấp 2 lần so với con số đã công bố trước đó và giảm đáng kể so với kết quả năm 2014 (208 tỷ đồng). Khoản lỗ mà mỗi cổ phiếu JVC phải gánh là 11,874 đồng. Khoản mục lỗ lũy kế tính tới thời điểm 31/03/2016 của Công ty là hơn 990 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 556 tỷ đồng.

Sử dụng sai nguồn vốn thu từ bán cổ phiếu

Ngày 9/1/2015, công ty đã hoàn tất việc chào bán ra công chúng hơn 50 triệu cp với tổng số tiền thu về là gần 750 tỷ đồng với kế hoạch sử dụng vốn đã được phê duyệt điều chỉnh theo Nghị quyết số 01/2015 của ĐHĐCĐ ngày 19/11/2015. Tuy nhiên, theo kiểm toán viên, HĐQT JVC đã có sự thay đổi phương án sử dụng vốn mà không báo cáo với cổ đông và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cụ thể, JVC đã sử dụng gần 104 tỷ đồng để thực hiện chi trả khoản thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN và các khoản phạt chậm nộp thuế; góp vốn vào công ty liên kết 500 triệu đồng.

Ngoài ra, do Công ty chưa hoàn tất hồ sơ chi tiết việc sử dụng thực tế của khoản vốn huy động từ phát hành cổ phiếu này nên kiểm toán viên không thể xác định được liệu các khoản vốn còn lại của đợt chào bán ngày 22/10/2014 trị giá hơn 645 tỷ đồng có được sử dụng theo đúng mục đích hay không. Theo đó, kiểm toán viên cũng đưa ra lưu ý: "Chúng tôi không thể xác định được các ảnh hưởng có thể có đối với BCTC hợp nhất đính kèm trong trường hợp khoản vốn này không được sử dụng đúng mục đích".

Lộ diện hàng loạt vấn đề với Ban Điều hành cũ

Trong các vấn đề nhấn mạnh của BCTC hợp nhất kiểm toán, kiểm toán viên cho biết, trong năm JVC đã thực hiện các giao dịch bảo lãnh cho 2 công ty liên quan đến các thành viên tiền nhiệm của Ban Giám đốc. Các giao dịch về bảo lãnh này chưa được ĐHĐCĐ thông qua theo quy định.

Ngoài ra, trong năm JVC và các công ty con cũng thực hiện các giao dịch bán hàng, mua hàng, tạm ứng, thanh toán hộ và đầu tư góp vốn vào các dự án liên kết thiết bị y tế với các bên liên quan đến các thành viên tiền nhiệm của Ban Giám đốc mới được phát hiện trong năm. Các giao dịch này chưa được HĐQT của công ty phê duyệt.

Theo Báo cáo kết quả kinh doanh, JVC đã phải trích lập gần 594 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi cho các khoản thu đối với các thành viên tiền nhiệm của Ban Giám đốc và 110.75 tỷ dự phòng đầu tư tài chính dài hạn cho khoản đầu tư vào hợp đồng liên kết thiết bị y tế với một bên liên quan.

Theo Đăng Tùng/Vietstock

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...