Katsushika Hokusai (1760 - 1849) sinh ra ở Edo, ngày nay là Tokyo, Nhật Bản. Ngay từ cái tên của ông đã ẩn chứa một câu chuyện nghệ thuật. Trong khi Hokusai mang hàm nghĩa “xưởng vẽ nằm ở phía Bắc" thì Katsushika là một trong các tiểu khu của thành phố Edo.
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cậu bé Hokusai theo một người chú làm nghề đánh bóng gương. Dù có năng khiếu hội hoạ từ bé nhưng tuổi thơ của Hokusai quẩn quanh học việc ở một xưởng in thay vì học vẽ để trở thành một hoạ sĩ. Ông học cách khắc gỗ (mộc bản), kỹ thuật in và trở thành nhà thiết kế in ấn.
Phải đến năm 30 tuổi, Hokusai mới rẽ hướng trở thành hoạ sĩ. Và phải mất thêm ít nhất 30 năm nữa, tức là những năm 60 hoặc đầu 70 tuổi, Hokusai mới quyết định trở thành hoạ sĩ độc lập và tạo nên các tác phẩm quan trọng. Đối với Hokusai, hoạ sĩ là một nghề cao quý, thể hiện tài năng nghệ thuật hơn là khía cạnh thương mại cùng sự lao lực của nghề in.
ĐỈNH CAO CỦA HỘI HOẠ NHẬT BẢN
Nhắc đến Hokusai là nhắc đến bức tranh khắc gỗ tuyệt phẩm The Great Wave off Kanagawa (Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa) cũng như bộ tranh Thirty Views of Mount Fuji (Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ). Những tác phẩm này đã đưa tên tuổi của Hokusai trở nên nổi tiếng không chỉ tại Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới. Những tác phẩm này, cũng đưa nghệ tranh Phù thế (ukiyo-e – hay còn gọi là tranh khắc gỗ Nhật Bản), vốn bị cho là tầm thường lên một tầm cao mới.
Những tác phẩm mộc bản của Hokusai thường có màu sắc độc đáo, đặc biệt là việc sử dụng màu xanh Prussian (xanh Phổ), một loại màu đắt đỏ có nguồn gốc từ phương Tây. Không chỉ nghiên cứu màu sắc, Hokusai còn nghiên cứu và đưa những yếu tố đặc trưng của hội hoạ châu Âu như luật bố cục xa - gần, điểm tụ sáng - tối… vào những tác phẩm hội hoạ của mình.
Những nghiên cứu về mặt chất liệu và tính thẩm mỹ “vượt thời” đó đã khiến cho Hokusai không chỉ khác biệt so với những họa sĩ cùng thời như Kitagawa Utamaro, Utagawa Hiroshige, Tsukioka Yoshitoshi... mà còn được yêu thích và công nhận sâu rộng.
Hàng nghìn tác phẩm của Hokusai, dù mang chủ đề nào đi chăng nữa cũng đều có những nét đặc trưng của riêng ông. Trong suốt cuộc đời nghệ thuật với dòng tranh ukiyo-e, các sáng tác của Hokusai rất đa dạng thể loại và chủ để, từ tranh minh họa thơ văn, tranh về cuộc sống đời thường, dân dã đến những tác phẩm mang màu sắc ma quái trong bộ 100 câu chuyện về ma hay các tranh gợi dục Shunga (Xuân họa).
Ở thời kỳ sáng tác cuối cùng, Hokusai thường vẽ bằng bút lông về nhiều chủ đề gồm có Phật giáo, Trung Hoa xưa (tác phẩm như Suikoden từ truyện Thuỷ Hử nhằm kể câu chuyện đạo đức) và thiên nhiên như phong cảnh, chim chóc, hay những bức tranh cuộn về chủ đề tiều phu, người đánh cá.
Không những thế, Hokusai còn được biết đến là “cha đẻ" của manga, người khởi nguồn nên làn sóng truyện tranh Nhật Bản tác động mạnh mẽ đến văn hoá đại chúng trên toàn thế giới ngày nay. Với việc xuất bản 15 tập chứa 4.000 hình vẽ được khắc và in trong khoảng 800 trang truyện từ năm 1814, Hokusai Manga là một trong những manga đầu tiên của nhân loại.
Với 7 thập kỷ đắm mình trong hội hoạ, Hokusai trở thành một trong những hoạ sĩ hàng đầu của Nhật Bản thời Mạc phủ Tokugawa. Ông là hoạ sĩ tuyệt vời nhất trong thời đại của ông, thậm chí là của cả thời Edo. Ông cũng là một trong những họa sĩ được săn đón nhiều nhất trong thời đại của mình và cho đến ngày nay.
ĐẾN "KHAI SÁNG" HỘI HOẠ PHƯƠNG TÂY
Katsushika Hokusai là một huyền thoại. Người đời huyền thoại hoá ông bằng những mỹ từ như kẻ “say hoạ”, “ông già điên cuồng với hội họa”, hoạ sĩ bậc thầy Nhật Bản khai sáng hội hoạ phương Tây. Cũng đúng thôi, bởi chính Hokusai đã tự biến cuộc đời mình thành một tác phẩm nghệ thuật. Đến cả những năm cuối đời, khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn say sưa vẽ vời.
Trước đó, một trận hoả hoạn đã gần như ‘đốt cháy’ 7 thập kỷ sáng tác cùng một khối lượng lớn gần 30.000 tác phẩm của Katsushika Hokusai nhưng không có ngọn lửa hung tợn nào có thể thiêu rụi được tài năng cũng như sự ảnh hưởng của danh hoạ hàng đầu Nhật Bản. Bởi những tác phẩm của ông đã vang danh và lan xa ra thế giới, đặc biệt là tại châu Âu.
Những tác phẩm tranh khắc gỗ của Hokusai dưới thời Edo, vẫn bị xem là loại hình mang tính thương mại hơn là nghệ thuật lại được đánh giá cao và ưa chuộng tại châu Âu. Ngay từ khi nhìn thấy những tác phẩm khắc gỗ đến từ Nhật Bản, đặc biệt là tranh của Hokusai, giới quý tộc châu Âu đã ngay lập tức sưu tầm dù đôi khi đó chỉ là thứ giấy gói đồ gốm.
Những tác phẩm của của Hokusai hay Utagawa Hiroshige khi rời quê hương đến châu Âu còn tạo nên một “cơn sóng lừng" khác, gây ảnh hưởng lên những danh hoạ hàng đầu trong lịch sử như Claude Monet, Camille Claude, Vincent van Gogh...
Vincent van Gogh là một trong những người biết đến và có những ảnh hưởng sâu sắc từ tác phẩm của Hokusai. Bức tranh nổi tiếng bậc nhất của ông, The Starry Night (Đêm Ngàn Sao) có sự ảnh hưởng lớn từ bức The Great Wave of Kanagawa. Bên cạnh đó, những tác phẩm như Cây lê nở hoa của danh hoạ người Hà Lan cũng ảnh hưởng phong cách tranh khắc gỗ Nhật Bản.
Nếu không có cuộc gặp gỡ nghệ thuật giữa phương Đông và phương Tây, tranh khắc gỗ Nhật Bản của Hokusai, Hiroshige… có thể lịch sử mỹ thuật hiện đại đã có một tiến trình khác. Các hoạ sĩ theo trường phái Ấn tượng - Chủ nghĩa Hiện đại của Châu Âu như Manet, Bonnard đã tìm thấy được tính trong sáng, sự tối giản về đường nét, hình thức và kỹ thuật tinh xảo ở các kiệt tác của họ từ nguồn cảm hứng bất tận của các nghệ sĩ Nhật Bản như Hokusai.
Ngày nay, các tác phẩm của Hokusai vẫn nằm trong những bộ sưu tập tư nhân và được có mức giá cao chót vót. Những triển lãm tác phẩm của ông vẫn thu hút hàng nghìn khán giả tò mò, tới thưởng ngoạn. Những tác phẩm của Hokusai vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật đương đại cũng như văn hoá đại chúng đương thời. Chính vì thế, không hề nói quá khi cho rằng, ông đã thay đổi nền hội hoạ của Nhật Bản và thế giới, một lần và mãi mãi.