Sáng 6/9/2018, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước (QLNN) tháng 8/2018.
Điểm mới tại Hội nghị giao ban QLNN lần này là Bộ TT&TT đã mời các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, các hiệp hội, các cơ quan báo, đài, nhà xuất bản tham dự để góp ý về các vấn đề khó khăn đang tồn tại, cũng như đóng góp vào quá trình hoạch định chính sách của Bộ để sát hơn với thực tế cuộc sống. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 67 điểm cầu trên toàn quốc.
Mở đầu hội nghị, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm của Bộ TT&TT: “Những người chịu ảnh hưởng của các chính sách cần tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách của Bộ. Có khá nhiều nghị định, thông tư và chính sách khi vận dụng vào thực tế gặp phải khó khăn, do thiếu sự tham khảo và đóng góp ý kiến của các đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách. Từ các vấn đề được đưa ra tại cuộc họp giao ban hàng tháng, các đơn vị doanh nghiệp, hiệp hội có thể trao đổi sâu hơn với các cơ quan quản lý của Bộ TT&TT để tìm cách giải quyết.”
Tránh lệ thuộc chỉ số rating truyền hình của nước ngoài
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Kim Trung, Giám đốc Đài truyền hình VTC đề xuất Bộ TT&TT nên có vai trò chủ đạo trong vấn đề mua bán bản quyền của các đài truyền hình. Nếu như chúng ta không có một đầu mối chủ trì để điều phối, sắp xếp điều hòa giữa các đài truyền hình, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến, thì sẽ dẫn đến cuộc đua về giá mua, gây tốn kém chi phí không cần thiết.
Ông Kim Trung cũng cho biết đối với các đài truyền hình, một trong các chỉ số quan trọng để kinh doanh, đảm bảo nguồn thu là chỉ số rating. Hiện ở Việt Nam, thị trường quảng cáo truyền hình vẫn chỉ dựa vào chỉ số rating của một đơn vị nước ngoài là Kantar Media, thuộc WTP. Hiện cũng đã có một hệ thống đo chỉ số rating của Bộ TT&TT, nhưng chưa được chấp nhận và sử dụng làm chỉ số chính thức.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng vấn đề bản quyền có 2 câu chuyện. Bản quyền cũng là một công cụ cạnh tranh giữa các đài truyền hình, nên đối với các nội dung mang tính cạnh tranh, nên để thị trường tự quyết định. Còn đối với các bản quyền nội dung mang tính quảng bá để phục vụ lợi ích người dân cả nước, chẳng hạn như bản quyền thể thao Asiad vừa qua, các bên có thể cùng ngồi lại để thống nhất và Bộ TT&TT sẵn sàng đứng ra chủ trì.
Về vấn đề chỉ số rating, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc xây dựng hệ thống đo chỉ số rating trong nước về thị hiếu khán giả truyền hình là rất cần thiết, và hoàn toàn có thể có độ chính xác cao hơn so với đơn vị nước ngoài nhờ các nguồn số liệu từ các nhà mạng, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến.
Theo Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) Nguyễn Thanh Lâm, hệ thống đánh giá rating do Cục PTTH&TTĐT đang vận hành hiện cũng đã khá chính xác, nhưng do Đài truyền hình Việt Nam chưa sử dụng các số liệu này một cách chính thức, nên thị trường quảng cáo truyền hình chưa áp dụng làm cơ sở đánh giá.
Đại diện đài truyền hình Việt Nam cho biết cũng đánh giá cao độ chính xác của hệ thống rating do Cục PHTH&TTĐT triển khai, và sẽ ủng hộ việc sử dụng chính thức các hệ thống số liệu đánh giá này.
Tìm giải pháp cho vấn nạn in lậu sách
Đại diện nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có kiến nghị về nạn in lậu sách. Tuy chưa có số liệu chính thức nhưng tình trạng in lậu sách rất phổ biến. Hiện cũng đã có một số vụ phát hiện in lậu sách lớn. Đây là vấn đề xâm phạm vào quyền lợi của các nhà xuất bản tại Việt Nam. Hiện tại các mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm này khá nhẹ, chỉ khoảng 30-40 triệu nên chưa đủ tính răn đe. Trong khi đó, các nhà in lậu không phải bỏ chi phí thiết kế, chế bản, tác quyền... nên có lợi nhuận từ mỗi vụ việc lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
Theo đại diện Cục Xuất bản, kinh nghiệm quốc tế về việc xử phạt hành chính đối với vấn đề in lậu sẽ áp dụng theo hình thức xử lý vi phạm bản quyền. Tuy nhiên hiện tình trạng sách in lậu tại Việt Nam khá phức tạp, do sách in lậu cũng cùng chất liệu, thiết kế nên thậm chí cả nhà xuất bản có đầu sách bị in lậu cũng khó phân biệt.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Cục Xuất bản phối hợp với các nhà xuất bản lớn, trao đổi và ghi nhận các đề xuất để tìm biện pháp giải quyết triệt để tình trạng in lậu sách.
Tránh chồng chéo khi triển khai nghị định về Luật An toàn thông tin
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Quốc Thành, Chủ tịch hiệp hội An toàn thông tin (VNISA) cảm ơn Bộ TT&TT đã mời hiệp hội tham dự cuộc họp giao ban quản lý nhà nước để VNISA được đóng góp ý kiến cho cơ quan quản lý trực tiếp
Theo ông Vũ Quốc Thành, các doanh nghiệp thuộc VNISA hiện đang băn khoăn về việc Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin sẽ được thực thi song song như thế nào để khỏi chồng chéo, gây gánh nặng cho các doanh nghiệp, chẳng hạn như về phát sinh giấy phép. Hiệp hội VNISA mong muốn được tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình soạn thảo các nghị định liên quan đến luật An toàn thông tin của Bộ.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện tại Bộ TT&TT đã phối hợp để khi Bộ Công an triển khai làm dự thảo các nghị định sẽ mời phía Bộ TT&TT cùng tham gia, và khi Bộ TT&TT làm nghị định cũng sẽ mời phía Bộ Công an cùng tham gia để tránh việc bị chồng chéo. Quyền Bộ trưởng cũng đề nghị Cục An toàn thông tin mời các đơn vị như VNISA tham gia các cuộc họp giao ban của Cục để tham gia đóng góp ý kiến.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Đăng Dũng, phụ trách nhiệm vụ Chủ tịch tập đoàn Viettel cho biết đã kết hợp chặt chẽ với tập đoàn VNPT để sử dụng chéo các sản phẩm thiết bị “Made in Vietnam” của nhau. Ngoài ra, Viettel cũng đề xuất điều chỉnh khuyến mại thuê bao di động trả trước từ mức 20% lên 50% theo Nghị định số 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ để các nhà mạng thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh doanh.
Về việc kiểm định chất lượng dịch vụ di động, do số lượng trạm phát sóng di động rất lớn, như Viettel lên tới gần 40 ngàn trạm, nên ông Lê Đăng Dũng đề xuất Bộ TT&TT đề ra bộ tiêu chuẩn, các doanh nghiệp viễn thông tự kiểm định hoặc thuê công ty bên ngoài làm, sau đó cơ quan quản lý của Bộ TT&TT sẽ kiểm tra theo xác suất ngẫu nhiên để đánh giá, nếu không đạt yêu cầu sẽ xử phạt doanh nghiệp.
Quyền Bộ trưởng chỉ đạo Cục Viễn thông nghiên cứu điều chỉnh theo hướng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông di động. Về vấn đề kiểm định chất lượng phát sóng di động, Quyền Bộ trưởng chỉ đạo Cục viễn thông nghiên cứu theo 2 hướng. Thứ nhất là mở rộng diện doanh nghiệp đủ điều kiện đo kiểm chất lượng dịch vụ di động, thứ hai là rà soát các quy định về pháp luật xem đề xuất hậu kiểm của Viettel có khả thi hay không.
Phát biểu tại hội nghị, Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch công ty cổ phần VNG đề xuất cơ quan chức năng nên chuyển đổi dần biện pháp quản lý, chuyển từ các biện pháp hành chính như cấp phép, xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép... sang quản lý bằng biện pháp kỹ thuật.
“Từ 6 tháng nay, báo chí nói khá nhiều về việc cần có biện pháp ngăn chặn các hình thức thanh toán điện tử trái phép như WechatPay, AliPay. Các bộ ngành cũng đã họp bàn, tìm giải pháp thanh tra kiểm tra nhưng vẫn chưa khả thi. Tuy nhiện, chỉ cần một giải pháp kỹ thuật dùng tường lửa là có thể chặn được các giao dịch thanh toán này”, ông Minh lấy ví dụ.
"Giải pháp thứ 2 là chặn về doanh thu thông qua các cơ quan tài chính của Việt Nam như ngân hàng, các dịch vụ thẻ tín dụng. Việc chặn về doanh thu từ thị trường Việt Nam sẽ tạo nên sức ép để các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook phải hợp tác với cơ quan quản lý và tuân thủ luật pháp Việt Nam."
"Hiện Việt Nam cũng chưa có quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng. Chúng ta cần có các quy định pháp lý để kiểm soát, bất kể doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, khi thu thập dữ liệu của người dùng Việt Nam thì phải tuân thủ luật Việt Nam", ông Minh đề xuất.
Kết hợp hai mảng công nghệ và tuyên truyền
Phát biểu kết luận Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, Bộ TT&TT có 2 mảng gồm: Mảng thứ nhất là công nghệ; Mảng thứ hai là tuyên truyền. Hai mảng này nhiều người nghĩ là độc lập với nhau nhưng lại hỗ trợ nhau rất tốt và có hiệu quả. Trên thực tế, mảng tuyên truyền hiện nay rất hạn chế về công nghệ, các cơ quan báo chí rất cần công nghệ, trong khi đó Bộ TT&TT là Bộ công nghệ, công nghệ có trong tay nên phải giúp các cơ quan báo chí, truyền thông về lĩnh vực IT.
Ngược lại, mảng công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ được sự tuyên truyền của báo chí, phát thanh, truyền hình thì rất hiệu quả. Quyền Bộ trưởng cho rằng, hai mảng cần hợp tác với nhau và Bộ sẽ tạo ra cơ chế, chính sách thuận lợi để hai mảng cùng hợp tác, cùng phát triển vì một cường quốc về ICT, quốc gia muốn phát triển không thể không dựa vào công nghệ, bắt buộc phải dùng công nghệ, không chỉ dùng công nghệ phục vụ đời sống dân sinh mà phải dùng công nghệ vào lĩnh vực quốc phòng, an ninh để đất nước phát triển ổn định lâu dài.
Đối với những thông tin xuất phát trên mạng xã hội, trên không gian mạng hiện chúng ta chưa có công cụ, công nghệ quản lý hoặc chưa biết cách quản lý… Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chúng ta phải xây dựng các hệ thống giám sát, hệ thống quan sát, hệ thống đo đạc, hệ thống cảnh báo, phải dùng công nghệ để chặn lọc thông tin xấu độc gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Theo Huy Phong/Vietnamnet