Kết nối, hợp tác để đưa hàng Việt vươn tầm thế giới

Hơn 15 hiệp ước thương mại FTA mà Việt Nam đang có là một lợi thế mà ít nền kinh tế nào có được. Những lợi thế đó phải được tận dụng hiệu quả để doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường, vươn lên tầm cao mới.
Kết nối, hợp tác để đưa hàng Việt vươn tầm thế giới

Hãy nhìn lại quá khứ mới chỉ hai ba chục năm trước đây thôi, khi tất cả còn chưa có gì, để thấy lợi thế hôm nay mà tự tin đi xa, đi nhanh.

Trong nhiều cuộc trao đổi cũng như lắng nghe câu chuyện về các doanh nhân Việt Nam, tôi vẫn giữ mãi ấn tượng về hai doanh nhân và những sản phẩm cao cấp của họ. Đó là ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Giovani Group và bà Lưu Nga, nhà sáng lập của thương hiệu thời trang Elise.

Trong một lần gặp vào những tháng phong tỏa gắt gao cả ở đường biên và trên toàn quốc năm 2021, ông Nguyễn Trọng Phi cho biết công ty đã thay đổi cách tiếp cận khách hàng, thay đổi nhiều công đoạn trong sản xuất và kinh doanh để phù hợp với bối cảnh phong tỏa. Các khách hàng từ nhiều nơi trên thế giới có thể đặt may trực tuyến, ở đầu này, nhiều công đoạn như đo, cắt, may, đóng gói, vận chuyển cho khách hàng được xử lý bằng robot. Cách thức đó đã giúp tiếp cận thêm rất nhiều khách hàng, đáp ứng những nhu cầu cá nhân đa dạng, riêng biệt mà trước đây không thể làm được.

Ông cho biết thêm, sau 16 năm kể từ khi thành lập, Giovani tới nay đã dần hoàn thiện chuỗi cung ứng khép kín với sự hội tụ những gì được gọi là tinh hoa nhất của ngành công nghiệp dệt may, da giày toàn cầu. Giovani đã hợp tác với những nhà thiết kế lừng danh, sử dụng nguyên liệu thượng phẩm (bông Mako, bông Supima là tinh hoa của vải, chiếm chỉ 1,5% tổng sản lượng bông toàn cầu với số lượng hãng thời trang sử dụng bông này đếm trên đầu ngón tay, trong đó có Hugo Boss, có Giovani).

Đối với các sản phẩm từ da, Giovani tiên phong trong ngành thời trang khi sử dụng cùng một nguồn da tái tạo với các hãng lớn như Chanel, Gucci, Salvatore Ferragamo... góp phần vào một nền sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, một nền kinh tế tuần hoàn.

Còn bà Lưu Nga với thương hiệu Elise, cho biết đây là thương hiệu thời trang hàng đầu Việt Nam với hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc, dẫn đầu thị trường thời trang về quy mô và tốc độ phát triển. Elise sở hữu và làm thỏa mãn hàng triệu khách hàng trung thành, hàng năm cho ra thị trường hơn 2000 mẫu thiết kế tiên phong, sáng tạo và độc đáo, luôn luôn dẫn đầu thị trường về xu hướng và phong cách hiện đại trẻ trung.

Vươn lên trên chuỗi giá trị

Trên thực tế, bên cạnh hai thương hiệu nêu trên, những thương hiệu trong ngành dệt may do người Việt Nam làm chủ đang ngày càng nhiều như May Nhà Bè, May 10, Việt Tiến, Phong Phú và không thể kể hết ra đây được. Hiệp hội các nhà dệt may Việt Nam cho biết, đến nay Việt Nam đã có 52% các sản phẩm do các doanh nghiệp trong ngành tự thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.

Trong bối cảnh nhiều biến động diễn ra trên thế giới, thật đáng mừng là các doanh nghiệp Việt Nam đã chiếm chiếm trên 20% thị phần hàng may mặc vào Hoa kỳ, bắt đầu từ năm 2020 và ngày càng tăng.

Đối với thị trường châu Âu, hiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần. Tuy nhiên, khi hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) đi vào hiệu lực ngày 1/8/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo xuất khẩu giày sẽ tăng 50% và dệt may tăng 67% vào 2025.

Báo cáo của Vinatex cho thấy, trong 8 tháng vừa qua, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30,2 tỷ USD, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tất cả nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ liệu cho ngành dệt may là khoảng 13 tỷ USD (sau khi loại trừ khoảng trên 1,5 tỷ USD phụ liệu cho ngành giày da). Như vậy, ngành dệt may Việt Nam đã tạo ra 17 tỷ USD, thặng dư thương mại từ xuất khẩu và trong số này chỉ có khoảng 6,5 tỷ USD là tiền lương cho người lao động còn lại là gần 11 tỷ USD là việc mua các nguồn nguyên liệu, phụ liệu ở trong nước.

Khi tôi sang một số siêu thị ở Mỹ, hay châu Âu, không ít gian hàng ở đó đều bày đồ may mặc, giày dép made in VietNam. Phải nói, đó là điều ai cũng phải tự hào!

Song nhìn lại thực tế, nhiều nhận định không mấy lạc quan về ngành dệt may với nhận định ngành này chỉ góp phần tạo công ăn việc làm trong giai đoạn gia công ở đáy của chuỗi giá trị, thay vì được quan tâm để tiến lên ở các khâu khác có giá trị gia tăng cao hơn như thiết kế, thời trang.

Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, khoảng 65% các nhà máy may mặc và giày dép của Việt Nam vẫn nhận các đơn hàng xuất khẩu theo phương thức Cut-Make-Trim (CMT), theo đó, nhà máy chỉ gia công sản phẩm chứ không tham gia vào các khâu hạ nguồn có giá trị gia tăng cao hơn như mua nguyên vật liệu, xây dựng mẫu, hay thiết kế.

Phương thức sản xuất CMT không đòi hỏi phát triển nhóm kỹ năng phức tạp như tìm kiếm nguyên vật liệu, thiết kế, quản lý chuỗi cung ứng, cũng như không đòi hỏi nguồn lực tài chính quá lớn nhưng biên lợi nhuận của các đơn hàng CMT thấp.

Đó là chưa kể các nhà máy làm CMT thường phải ký hợp đồng thông qua các công ty trung gian. Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, công ty làm gia công qua trung gian phải chịu rất nhiều rủi ro vì các công ty trung gian hủy, hoãn đơn hàng mà không báo trước, khiến nhiều nhà máy lâm vào khó khăn, thậm chí phá sản.

Tới 65% các nhà máy may và giày dép Việt Nam nhận đơn hàng theo CMT thì rõ ràng, đại đa số đang đối diện với thực tế là lợi nhuận thấp, mức độ cạnh tranh cao; ít lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới; ít có điều kiện tiếp cận các đơn hàng từ các hãng/thương hiệu lớn; chủ yếu nhận đơn hàng qua các trung gian.

Có lẽ, với những mảnh ghép trên, ngành hàng dệt may Việt Nam cho thấy một bước chuyển đổi rất dài và quan trọng: Vươn lên trên các nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị thay vì chỉ dừng lại ở đáy là gia công.

Nếu so với cách đây ba, bốn thập kỷ, khi toàn dân thiếu mặc, cấp bộ trưởng đi công tác phải lên mượn áo veston ở Bộ Tài chính, thì rõ ràng, bước tiến này dài không kể xiết.

Chúng ta có những gì để xài?

Nhưng nền kinh tế không chỉ có dệt may. Nhìn rộng ra các lĩnh vực khác, từ công nghiệp nhẹ đến công nghiệp nặng, từ các sản phẩm sản xuất nội địa đến các sản phẩm nhập khẩu thay thế, từ các nhãn hàng tiêu dùng của Việt Nam đến các nhãn hàng tiêu dùng tương tự nước ngoài, chúng ta sẽ so sánh như thế nào? Liệu các nhãn hàng của Việt Nam có cơ hội chiếm lĩnh thị trường nội địa, hay bị chèn ép, lấn chiếm, thậm chí bị đánh bật ra bởi các sản phẩm nước ngoài? Liệu Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ? Hay chúng ta mê mải “đánh bắt xa bờ”, mà bỏ quên thị trường nội địa cho người nước ngoài?

Đặt ra những vấn đề này là rất nghiêm túc, nhất là khi những doanh nghiệp nhà nước như Dệt 8/3, Rượu Hà Nội, Cơ khí chính xác, các khu cao xà lá, đều đã thoái lui, còn trên các mảnh đất của họ giờ đây là các tòa nhà chung cư. Hay nói cách khác, những trụ cột kinh tế trước đây giờ đã mất đi.

Hãy cùng nhìn lại cả quá trình để đi tìm câu trả lời. Trong nhiều thập niên qua, hàng loạt các ngành được quy hoạch trở thành ưu tiên như dệt may; da giầy; nhựa; chế biến nông, lâm, thủy hải sản; thép; khai thác, chế biến bauxít nhôm; hóa chất (Quyết định số 55/QĐ- TTg năm 2007).

Sau này, các ngành điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô lại được bố sung vào các ngành ưu tiên (Quyết định 1043/QĐ-TTg năm 2013).

Các ngành nghề, lĩnh vực được lựa chọn trở thành “ưu tiên”, “mũi nhọn” nhiều đến mức nhiều người nói đùa rằng “chiến lược phát triển công nghiệp của ta trông như quả mít, nhìn đâu cũng thấy mũi nhọn”.

Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thừa nhận thực trạng đáng buồn: Nền công nghiệp nước ta thời gian qua phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm, năng suất lao động ngành công nghiệp còn thấp; phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác; còn quá chú trọng vào lao động giá rẻ, chưa tận dụng tốt được lợi thế trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng...

Nêu lại một vài nghị quyết trên để thấy một điều, nền sản xuất mà chúng ta thiết kế ra trông như thế nào hôm nay? Đừng biện minh cho việc đến cái tăm cũng phải nhập khẩu về dùng!.

Phụ thuộc quá lớn vào FDI

Nói về sự phát triển không thể không nói đến khu vực FDI. Theo Báo cáo Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 2021, vai trò của FDI trong tăng trưởng GDP của Việt Nam ngày càng quan trọng.

Tỷ trọng của khu vực FDI trong GDP tăng dần từ 2,1% năm 1989 lên 22,3% năm 2020. Giai đoạn 2016 – 2020, tỷ trọng FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 23,1%. Riêng trong giai đoạn 2011–2020, khu vực kinh tế này chiếm bình quân 28% tổng thu NSNN hàng năm.

Như vậy, tỷ trọng đóng góp vào GDP, tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu và đóng góp cho ngân sách của khu vực FDI ngày càng lớn và thậm chí vượt trội, lấn át các khu vực kinh tế khác.

Trong khi đó, phần lớn FDI, theo nghiên cứu của WB, tập trung vào các ngành thuộc nhóm khai thác thị trường, hay các ngành thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp, như dệt may, da giày, sản phẩm từ cao su, nhựa, thực phẩm đồ uống, nội thất và gỗ, giấy, điện tử... Rất ít doanh nghiệp FDI cho rằng, tay nghề lao động cao hay chuỗi cung ứng trong nước có đủ năng lực cạnh tranh là thế mạnh của Việt Nam.

Điều này có nghĩa là gì nếu không phải thực tế: Người Việt Nam chúng ta vẫn chỉ làm thuê, làm mướn là chính bằng chân tay trong các dây chuyền, thay vì ngoi lên được các công đoạn trên của chuỗi giá trị. Liệu sau này, khi giá nhân công đắt đỏ lên, các đại dự án FDI có rời bỏ chúng ta để sang quốc gia khác có giá lao động rẻ hơn, giống như cách họ đã vào với chúng ta từ các quốc gia khác?

TS Trần Khắc Tâm

Nguy cơ sập bẫy

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện nay đang ở bước chuyển tiếp từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 trong quá trình phát triển công nghiệp, trong đó, mức độ hấp thụ công nghệ và trình độ quản lý sản xuất vẫn đang ở mức “rất hạn chế”.

Hay nói cách khác, nền kinh tế này mới vượt qua giai đoạn phát triển 0 (Độc canh, nông nghiệp tự cung tự cấp, phụ thuộc vào viện trợ) và đang ở giai đoạn 1 (Sản xuất đơn giản dưới sự hướng dẫn, điều phối của nước ngoài) để chuyển sang giai đoạn phát triển 2 (phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn dưới sự hướng dẫn của nước ngoài) trong quá trình phát triển 5 giai đoạn.

Đa số các quốc gia châu Á, đặc biệt là ASEAN, đã mắc “trần thủy tinh”, hay bẫy thu nhập trung bình để vươn lên giai đoạn 3 và 4. Chỉ có Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) vượt qua giai đoạn 2 lên giai đoạn phát triển 3 (làm chủ và quản lý công nghệ, sản xuất hàng hóa chất lượng cao) và Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU vươn lên giai đoạn phát triển thứ 4 (có đủ khả năng trong cải tiến và thiết kế sản phẩm như người dẫn đầu toàn cầu).

Việt Nam đã không tận dụng tốt được lợi thế đang trong giai đoạn dân số vàng và lợi thế là nước đi sau trong công nghiệp hóa, hiện đang đối diện với nguy cơ giải công nghiệp hóa quá sớm và ở vị trí bất lợi trước những thay đổi của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo Báo cáo về Mức độ sẵn sàng cho tương lai ngành sản xuất năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 48/100 về Cấu trúc sản xuất và thứ 53/100 về Yếu tố dẫn dắt sản xuất, thuộc nhóm Sơ khai được cho là bất lợi trước những thay đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong khu vực ASEAN, Campuchia, Indonesia cũng được xếp vào nhóm Sơ khai như chúng ta.

Quá trình chuyển đổi hiện nay diễn ra tương đối chậm chạp, mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI có trình độ công nghệ và các doanh nghiệp trong nước lỏng lẻo, chưa tạo ra được sự lan tỏa và tận dụng tối đa hiệu quả của FDI đầu tư tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính là do năng lực các doanh nghiệp trong nước quá hạn chế, chưa đủ sức để tiếp cận và tiếp nhận sự lan tỏa của khu vực FDI.

Tương lai vẫn rộng mở

Dù thực tế là vậy, nhưng tương lai thì sao? Điều này, thị trường và sức mua sẽ quyết định. Theo Ngân hàng Thế giới, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam gần đây tăng thêm 1,5 triệu người mỗi năm, và có gần 1/4 dân số Việt Nam đạt ngưỡng tầng lớp trung lưu. 3/4 dân số đất nước hiện nay ở dưới tuổi 35 cho thấy sức mua của người dân là rất dồi dào. Đây là điều mà bất kỳ doanh nghiệp hay nhãn hàng nào đều mong muốn.

Bên cạnh đó, hơn 15 FTA là một lợi thế (tất nhiên cũng nhiều thách thức khi đã mở toang cửa), mà ít nền kinh tế nào có được.

Hãy nhìn lại quá khứ mới chỉ hai ba chục năm trước đây thôi, khi tất cả còn chưa có gì để thấy lợi thế hôm nay.

Những lợi thế đó phải được tận dụng hiệu quả để doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường này và vươn lên tầm cao của chuỗi sản xuất, bằng cách kết nối với nhau, hợp tác với nhau để đi xa hơn, bền vững hơn.

TS Trần Khắc Tâm - Phó Chủ tịch VACOD

Đại biểu quốc hội khoá XIII

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trần Liên Hưng, tỉnh Sóc Trăng

Có thể bạn quan tâm