Như vậy, sau khi đã trình Chính phủ đề xuất bãi bỏ 89, đơn giản hóa 94 và giữ nguyên 32 điều kiện kinh doanh trong tổng số 215 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, Bộ Xây dựng vẫn không ngừng công việc rà soát, đối thoại với doanh nghiệp.
Đây là tin vui với các doanh nghiệp. Vì với động thái rất tích cực này, giới kinh doanh đang trông đợi vào những phương án cải cách lớn hơn, căn bản hơn trong lĩnh vực vốn đang gây khá nhiều phức tạp, chi phí cao trong hoạt động của nhiều doanh nghiệp.
Tin vui hơn nữa là động thái tích cực này không chỉ thấy ở Bộ Xây dựng.
Chỉ riêng trong tuần này, Bộ Giao thông - Vận tải cũng chủ động mời doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa hay hàng không, logistics đến thảo luận về các kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở rà soát, nghiên cứu của Bộ và ghi nhận các ý kiến tham gia góp ý của các hiệp hội doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu.
Bộ Tư pháp cũng công bố dự kiến cắt giảm 43 trên 98 điều kiện doanh tại 6 luật và 4 nghị định thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cùng các doanh nghiệp đặt lên bàn thảo luận đề xuất xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư theo hướng phù hợp thông lệ quốc tế, khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư công - tư, bảo vệ tốt hơn quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư và công khai minh bạch hơn...
Nếu so với vài tháng trước, khi số bộ, ngành chủ động công bố kế hoạch rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh chỉ là một vài cái tên đơn lẻ và các cuộc đối thoại về vấn đề này phần lớn do các hiệp hội doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu đơn phương đề xuất, thì rõ ràng, tình trạng trên nóng, dưới lạnh đang dần chuyển sang trạng thái tất cả cùng nóng - đúng như yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đương nhiên, kết quả của trạng thái này sẽ là niềm tin, sự hứng khởi, nhiệt tình của giới kinh doanh trong việc tham gia phản biện, góp ý và các vấn đề liên quan đến kinh doanh. Đó còn là những hành động đồng đều, toàn diện, đúng mục tiêu như yêu cầu của các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Quan trọng hơn là khi kỷ luật hành chính trong bộ máy cơ quan nhà nước được tuân thủ nghiêm khắc, giới kinh doanh cũng không thể lơ là trách nhiệm trong thực thi pháp luật.
Lửa cải cách đang lan rộng tới từng bộ phận của nền kinh tế Việt Nam.