Theo báo cáo nghiên cứu của các chuyên gia CTCK SSI, ngành ngân hàng sẽ chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn từ dịch Covid-19 đang lan rộng trên thế giới. Vì thế, ngoài giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng đặt ra ko ngại về việc gia tăng nguy cơ nợ xấu.
Nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 là các DN trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, lưu trú, du lịch, nhà hàng - ăn uống... Đây cũng là những DN chiếm lượng lớn trong số các khách hàng của ngân hàng khiến nguy cơ gia tăng nợ xấu là không thể tránh khỏi.
Nợ có khả năng mất vốn tăng
Trong một phát biểu mới đây, chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ngành ngân hàng đạt được nhiều điểm sáng Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là một thách thức lớn trong năm 2020, đặc biệt là nhóm nợ có khả năng mất vốn đang có xu hướng tăng mạnh trong năm 2019.
“Quán quân” về nợ xấu nội bảng phải kể đến BIDV với mức tăng 3,45% so với năm 2018 ghi nhận 19.451 tỷ đồng, gấp đôi Vietinbank và gấp 3 lần con số nợ xấu của Vietcombank.
Điều đáng ngại nhất ở BIDV là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đạt 11.209 tỷ đồng tăng đột biến 56% so với đầu kỳ và chiếm tới gần 58% so với tổng nợ xấu nội bảng; trong khi đó nợ nhóm 3 và 4 đều giảm 29%.
Nợ xấu tăng mạnh kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV chiếm tới 64,7% lợi nhuận trước dự phòng khiến lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chỉ bằng một nửa của Vietcombank đạt 8.486 tỷ đồng.
VPBank cũng là một ngân hàng góp mặt trong nhóm nhà băng có tỷ lệ nợ xấu khủng trên mức 3% trong năm 2019 khi đạt 3,42%; trong đó tỷ lệ nợ xấu riêng ngân hàng mẹ chỉ 2,63% nhưng FE Credit lên tới gần 6%.
Đáng nói, con số nợ xấu của VPBank ở mức 8.798 tỷ đồng, tăng hơn 13% so đầu kỳ. Tuy nợ có khả năng mất vốn của VPBank không chiếm chi phối dù ghi nhận tăng gần 10% so với đầu kỳ lên 2.038 tỷ đồng nhưng nợ nhóm 3 (nợ khó đòi) lại chiếm chủ yếu với 5.312 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu nhóm 5 tăng mạnh là LienVietPostBank khi tăng gần 51% từ 945,1 tỷ đồng lên 1.426 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nhóm 4) cũng tăng gần 39% lên 324 tỷ đồng.
Thực tế, thời gian qua, dù có nhiều quy định liên quan đến chuyển nhượng, buôn bán, thanh lý bất động sản... nhưng quy định còn phức tạp, chồng chéo, chưa tạo được sự thuận lợi để các ngân hàng thanh lý được tài sản đảm bảo khiến nợ xấu còn tồn đọng.
Ngoài ra, ngân hàng còn phải đối diện với khó khăn dịch COVID-19 có thể khiến nợ xấu tăng hơn trong năm 2020. Theo ước tính của VPBank, tổng số khách hàng của ngân hàng bị tác động do dịch bệnh có thể lên tới 1.000 DN và có thể gia tăng nếu tình hình diễn biến phức tạp hơn và kéo dài.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay, Agribank chưa đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại, song chắc chắn dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của khách hàng với ngân hàng.
Năm cao điểm tái cơ cấu
Theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN đặt ra lộ trình tiếp tục giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% xuống 37%, phần nào sẽ ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của các ngân hàng.
Bởi từ trước đến nay, các ngân hàng luôn tích cực tận dụng nguồn vốn ngắn hạn với chi phí vốn thấp để cho vay trung và dài hạn với lãi suất cao nhằm tối ưu hoá biên độ lãi suất. Tuy nhiên, với những quy định mới của nhà điều hành, các ngân hàng sẽ không còn quá nhiều cơ hội để sử dụng vốn lệch kỳ hạn nhằm đạt được biên độ lãi tốt hơn như thời gian qua.
Ngoài thu hẹp tỷ lệ trên, các khoản cho vay tiêu dùng giá trị lớn và cho vay bất động sản thường có kỳ hạn vay dài và lãi suất cao cũng bị thắt chặt khi NHNN nâng hệ số rủi ro lên cao hơn khi tính hệ số an toàn vốn.
Không chỉ bị siết chặt hoạt động, năm 2020 cũng được coi là năm cao điểm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, bởi đây là năm cuối để xử lý dứt điểm các ngân hàng thương mại yếu kém và thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%.
Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có hiệu lực thi hành, theo đó các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% nhằm thực hiện trụ cột 1 của Basel II.
Thực tế, yêu cầu này vẫn đang là thách thức lớn đối với nhiều ngân hàng bởi cho đến nay mới chỉ có khoảng 1 nửa trong tổng số các ngân hàng thương mại đáp ứng được yêu cầu của Thông tư 41.
Do đó, vấn đề tái cơ cấu vốn, tăng vốn chủ sở hữu tiếp tục là vấn đề nóng đối với nhiều ngân hàng bởi nếu không đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn sẽ bị ngân hàng Nhà nước xem xét đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Ông Hiếu cũng cho biết thêm, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống 3% cũng đang là một thách thức lớn bởi hiện một số ngân hàng vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt là thời hạn trái phiếu của VAMC đã đến hạn, nếu chưa được giải quyết sẽ trở lại thành tài sản của ngân hàng.
Tuy sẽ nằm ở ngoại bảng nhưng các ngân hàng vẫn phải huy động vốn để “nuôi” khối tài sản này. “Xu hướng nợ xấu quay trở lại trong năm 2020 là có thể, đặc biệt, dư nợ cho vay bất động sản hiện vẫn ở mức cao”, ông Hiếu nhận định.