Từ copy đến không copy…
Mô hình đi chung xe không phải là ý tưởng “made by” Nguyễn Thành Nam mà là một mô hình mang tên BlaBlacar – một start up được thành lập từ năm 2004 bởi Frédéric Mazzella. Ý tưởng này vốn đã là một phương thức đi lại được ưa chuộng và phổ biến ở Châu Âu trước khi được biết đến ở Việt Nam và các nước Châu Á.
Nhận thấy sự hấp dẫn và mới mẻ cũng như giá trị xã hội của mô hình “di chuyển công cộng thu nhỏ” này khi giảm được lưu lượng xe lưu thông, tiết kiệm chi phí cho người sử dụng… mà anh Nam đã quyết định “apply” vào thị trường Việt Nam. Và Công ty Đi chung ra đời.
Theo anh Nam chia sẻ, dù ngay từ đầu, chúng tôi đã nhắm đến đối tượng khách hàng là giới trẻ - những con người ưa thích điều mới lạ, thích trải nghiệm và tạo mối quan hệ nhưng mô hình này vẫn không hoạt động được tại thị trường Việt Nam.
“Đi chung với một người lạ trên xe cá nhân của một người lạ khác là một điều rất khó tạo được thiện cảm và sự tin tưởng của mọi người dù đó có là giới trẻ”, anh Nam khẳng định. Chính vì vậy, thị trường khách hàng rộng lớn này đã không thể phát huy hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, “tỷ lệ để có thể ghép thành công các khách hàng đi chung xe trong số lượng khách hàng lớn như vậy cũng là điều không hề dễ dàng do cách biệt về thời gian, khoảng cách cũng như yếu tố tâm lý khách hàng”, anh Nam tiếp tục phân tích.
Sau 8 tháng thử nghiệm và điều chỉnh mô hình, đối tượng khách hàng, phạm vi hoạt động…, anh Nam nhận thấy, việc chuyển hướng sang đi chung taxi sẽ tăng khả năng thành công khi hướng đến một phân khúc khách hàng nhất định, kết nối được với những hãng taxi cụ thể và tăng xác suất ghép xe giữa các khách hàng.
“Thoạt đầu, chúng tôi chỉ áp dụng đi chung taxi với hãng taxi Airport của Vietnam Airlines, trên quãng đường Hà Nội – Nội Bài để tính toán tính khả thi. Sau khi nhận thấy kết quả mang lại tương đối khả quan, chúng tôi mới mở rộng ra các tuyến đường và sân bay khác nhau cũng như kết nối với các hãng taxi khác nhau”, anh Nam chia sẻ.
Có thể nói, nguồn gốc của Đi chung taxi không phải là một ý tưởng “thuần Việt” của một start up Việt Nam nhưng lại là kết quả của một quá trình nghiên cứu, phân tích, đánh giá thị trường cũng như kiểm nghiệm từ thực tiễn trong suốt 8 tháng của founder Nguyễn Thành Nam và nhóm đồng hành.
… và nhận thấy mình khác biệt
“Điều quan trọng để làm nên thành công của một start up chính là không copy của người khác. Việc copy chỉ khiến bạn làm việc, kinh doanh và vận hành một cách rập khuôn, máy móc. Ý tưởng có thể không là của bạn nhưng bạn cần biến ý tưởng đó thành một phần nào đó của mình. Mỗi một thị trường có những đặc điểm cơ bản khác nhau và bạn phải thay đổi, tùy biến để thích ứng phù hợp.” CEO Dichung Nguyễn Thành Nam |
“Chúng tôi khác biệt với Uber và Grab” - Đó là khẳng định của CEO Nguyễn Thành Nam khi so sánh Đi chung và mô hình di chuyển được sử dụng nhiều nhất hiện nay là Uber và Grab.
Anh Nam phân tích rằng, Uber/Grab là một hình thức di chuyển thay thế taxi truyền thống. Khi khách hàng muốn di chuyển, thay vì gọi đến tổng đài của các hãng taxi, bạn sẽ gọi qua uber và grab. Đây là phương thức đặt xe tức thời khi bạn gọi xe để di chuyển gần như ngay lập tức.
Điều này chỉ áp dụng phù hợp trong các trung tâm thành phố hay khu vực dân cư trên 5 triệu dân trở lên. “Đó là lý do vì sao bạn có thể thấy, Uber và Grab thường tập trung tại các khu vực đông dân cư”, anh Nam khẳng định.
Còn phương thức đi chung áp dụng cho khách hàng có nhu cầu đi lại đã có kế hoạch sẵn. Họ sẽ đặt trước một thời gian khá dài, quãng đường di chuyển cũng dài hơn so với khi di chuyển bằng Uber/Grab.
“Chúng tôi nhắm đến phân khúc khách hàng riêng biệt, có nhu cầu đi lại không giống so với Uber/Grab. Sẽ là một sự so sánh khá khập khiễng giữa hai mô hình di chuyển này vì chúng không hề cạnh tranh nhau”, anh Nam nhấn mạnh.
Theo anh Nam, những gì mà Uber/Grab đã thành công chính là thay đổi tư duy và thói quen di chuyển của người Việt. Và Đi chung cũng hướng đến điều đó. “Chúng tôi không chỉ mang lại cho khách hàng một phương thức di chuyển kiểu mới mà còn mang lại cho họ một tư duy mới về di chuyển, đặc biệt là trên quãng đường dài”, anh Nam khẳng định.
Giống như thời điểm đầu tiên áp dụng đi chung xe, khách hàng là giới trẻ Việt Nam chỉ vì tò mò muốn tìm hiểu mà không coi đó là phương tiện đi lại cần thiết. Nhưng sau 5 năm phát triển, đi chung không chỉ phục vụ thành công khách hàng trẻ mà trở thành phương thức đi vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng tính thuận lợi cho tất cả các khách hàng.
Việc Đi chung taxi đã kết nối với 20 sân bay và 40 tỉnh thành, trung bình một ngày thực hiện thành công 500 – 600 chuyến đi trên khắp cả nước đang phần nào chứng minh cho những gì mà anh Nam nhận định. Đó cũng chính là lý do anh Nam tự tin đặt ra mục tiêu, chỉ trong vòng 3 năm tới, đi chung sẽ đạt 5000 lượt, gấp 10 lần hiện nay, tương đương 5% thị trường xe chạy đường dài cả nước.
Câu chuyện về start up Nguyễn Thành Nam áp dụng một mô hình nước ngoài vào Việt Nam và biến nó thành mô hình của riêng mình đã cho thấy: khởi nghiệp đôi khi không cần một ý tưởng “made by me” mà chính là sự áp dụng linh hoạt ý tưởng “của người ta” cùng với tuy duy “của mình”.
Giá trị của khởi nghiệp sáng tạo không đến từ ý tưởng, từ mô hình mới lạ, độc đáo mà đến từ giá trị của ý tưởng đó cũng như khả năng xây dựng tệp khách hàng mới mỗi ngày, “đào tạo” khách hàng và định hướng thị trường.