Chủ tịch Tập đoàn Đinh Lê: DNNVV khó tiếp cận vốn vì... vướng nhiều thứ!

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đều có nhu cầu vay vốn tín dụng ngân hàng, nhưng dư nợ vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp thuộc diện nhỏ và vừa vẫn còn thấp...

ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-bao-nhieu-la-du1452436951-16479362250311626052458.jpg

Nguyên nhân chủ yếu được cho là vì hồ sơ vay vốn của DNNVV chưa đáp ứng được tiêu chuẩn vay vốn từ ngân hàng. Bên cạnh đó, là một số chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ DNNVV chưa được triển khai có hiệu quả trên thực tế, một số DNNVV không dám vay hoặc không có nhu cầu vay vốn ngân hàng…

Để có cái nhìn toàn cảnh về nguyên nhân, cũng như đưa ra những khuyến nghị về giải pháp với Nhà nước, các tổ chức tín dụng, và các DNNVV, giúp các doanh nghiệp thuộc diện nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đạt hiệu quả cao hơn nữa, Thương Gia đã có buổi trò chuyện với bà Đinh Lê Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đinh Lê - là Tập đoàn được thành lập từ năm 2001, với những lĩnh vực hoạt động chính như: Phát triển bất động sản; Đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp; Xây dựng nhà máy, văn phòng cho thuê hoặc bán; Dịch vụ logistic...

Việc các tổ chức tín dụng ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, và mạng lưới phân bố của các ngân hàng chưa hợp lý được xem là những nguyên nhân khiến các DNNVV khó tiếp cận vốn thời gian qua. Dưới góc nhìn của một người quản trị doanh nghiệp, bà có thể cho biết quan điểm của cá nhân bà về vấn đề này?

Trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng và do tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có dấu hiệu tăng, nên các tổ chức tín dụng ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng.

Vì vậy, các ngân hàng thận trọng hơn và không thể hạ thấp các tiêu chuẩn tín dụng (một số ngân hàng còn có xu hướng thắt chặt), mặc dù nguồn vốn tín dụng không thiếu. Trong khi DNNVV lúc mới thành lập thì tính minh bạch của thông tin chưa cao nên thường khó đáp ứng được các tiêu chuẩn này. Hơn nữa, đặc thù các DNNVV là các doanh nghiệp có thời gian thành lập hoặc vòng đời kinh doanh ngắn, thiếu tính ổn định trong hoạt động kinh doanh, do đó các ngân hàng gặp khó khăn trong việc thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn, đánh giá uy tín của khách hàng trong quan hệ tín dụng để đưa ra quyết định cho vay.

Đặc biệt, mạng lưới hệ thống các tổ chức tín dụng phân bố chưa đều, chưa hợp lý, tập trung đa phần ở các thành phố, đô thị lớn, trong khi ở các vùng nông thôn lại rất ít… gây khó khăn cho hoạt động tiếp cận vốn tín dụng của các DNNVV ở những vùng thiếu vắng tổ chức tín dụng này.

dinh-le-hanh.jpg
Bà Đinh Lê Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đinh Lê (người đứng phát biểu)

Đó là từ phía các tổ chức tín dụng, còn đối với các DNNVV thì sao? Theo bà, những vấn đề nội tại nào khiến chính các DNNVV khó tiếp cận tín dụng?

Đầu tiên, tôi phải khẳng định quy mô của hầu hết các DNNVV ở Việt Nam còn nhỏ và siêu nhỏ, với hiệu suất hoạt động còn thấp… Do đó, sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận tín dụng để mở rộng quy mô sản xuất, ít có khả năng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, các nguồn vốn hỗ trợ có nguồn từ ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ quốc tế.

Tiếp đến, các DNNVV gặp hạn chế trong tiếp cận thông tin, trình độ nhân lực, quản trị dẫn tới kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động của giá cả, thị trường… Một bộ phận DNNVV chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập dự án kinh doanh, chỉ coi công tác lập dự án là thủ tục để huy động vốn. Bên cạnh đó, khá nhiều DNNVV còn có tình trạng trốn thuế và nợ thuế kéo dài, nợ quá hạn ngân hàng, nợ bảo hiểm xã hội, báo cáo tài chính không trung thực… cho nên khó đáp ứng được các điều kiện vay vốn ngân hàng.

Một vấn đề không thể không nhắc đến là nhiều DNNVV không có tài sản bảo đảm cho khoản vay, cho nên việc tiếp cận nguồn tín dụng gặp rất nhiều khó khăn. Tài sản bảo đảm của các DNNVV cũng chưa đáp ứng được các yêu cầu của tổ chức tín dụng như: tính pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, tài sản không khả mại, giá trị bảo đảm thấp…

Từ những vấn đề vừa phân tích, với kinh nghiệm quản trị của mình bà sẽ đưa ra những lời khuyên gì nhằm giúp các DNNVV để họ dễ dàng tiếp cận hơn với tín dụng?

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đặc biệt, phải chấp hành nghiêm Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán và các quy định về tài chính, kế toán của Nhà nước, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm, cung cấp thông tin báo cáo chính xác và kịp thời cho các tổ chức tín dụng khi có yêu cầu… Qua đó, sẽ rút ngắn được thời gian ngân hàng xem xét, phê duyệt hồ sơ vay vốn.

Mặt khác, các DNNVV cần đảm bảo sử dụng vốn vay ngân hàng đúng mục đích, tuân thủ các nội dung trong hợp đồng tín dụng; phối hợp với ngân hàng trong việc thẩm định, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay; thiện chí, hợp tác với ngân hàng trong việc xử lý tài sản bảo đảm.

Cuối cùng, theo tôi các DNNVV cần chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh, lựa chọn các phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực khai thác được lợi thế so sánh của doanh nghiệp, đồng thời thích ứng với bối cảnh phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung đầu tư để nâng cấp công nghệ lõi, đầu tư và ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến.

Đồng thời, các DNNVV cần chú trọng tăng cường năng lực quản trị công nghệ, tạo dựng nền tảng phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, hiệu quả; tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng đặc biệt là các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về quản lý tài chính, lập dự án kinh doanh. Chủ động cải tiến công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

untitled.png
DNNVV khó tiếp cận vốn vì báo cáo tài chính không trung thực

Đối với các tổ chức tín dụng, theo quan điểm của bà họ cần đơn giản hóa các thủ tục cho vay, tăng cường vai trò tư vấn và xây dựng các gói vay cụ thể cho các DNNVV như nào?

Tôi nghĩ rằng, để tạo điều kiện cho các DNNVV các ngân hàng cần hướng đến đơn giản hóa các thủ tục cho vay, yêu cầu cung cấp các thông tin phù hợp với thực tế và có hướng dẫn chi tiết để các DNNVV có thể nắm bắt và thực hiện được. Đồng thời, từng bước ứng dụng công nghệ Big Data (Dữ liệu lớn) vào quản lý các hoạt động của ngân hàng, từ đó giúp ngân hàng có thể nắm bắt được thông tin về hoạt động kinh doanh có hiệu quả không, đồng thời đánh giá được mức độ tín dụng của khách hàng kịp thời, chính xác.

Để khắc phục khó khăn đối với DNNVV luôn thiếu tài sản bảo đảm khi muốn tiếp cận nguồn tín dụng, ngân hàng có thể cho vay theo chuỗi cung ứng.

Song song đó, các tổ chức tín dụng cần tăng cường vai trò tư vấn cho DNNVV về các cách tiếp cận dịch vụ, tiện ích của ngân hàng; về quản lý tài chính, lập hồ sơ và lập dự án vay vốn ngân hàng một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả đối với khoản vay, ngân hàng nên thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình tài chính, cũng như các hoạt động của DNNVV để sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích… đó cũng là cách tốt nhất đảm bảo người vay trả nợ đúng hạn. Nếu làm tốt điều này, không những uy tín của ngân hàng nâng lên, mà ngân hàng còn trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của khách hàng, vừa thúc đẩy mở rộng cho vay một cách hiệu quả của ngân hàng, vừa đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho DNNVV.

Một điều tôi muốn nhấn mạnh là cần đa dạng hóa các kênh tiếp cận vốn cho DNNVV, tăng cường tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ từ các chương trình, dự án ưu đãi của các tổ chức trong và ngoài nước để tài trợ cho các lĩnh vực kinh doanh đặc thù của các DNNVV được Chính phủ, Nhà nước chú trọng phát triển. Đồng thời, thiết kế các sản phẩm cho vay đặc thù phù hợp với đối tượng khách hàng là DNNVV theo từng nhóm ngành nghề để có các giải pháp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách linh hoạt.

Và, để khắc phục khó khăn đối với DNNVV luôn thiếu tài sản bảo đảm khi muốn tiếp cận nguồn tín dụng, ngân hàng có thể cho vay theo chuỗi cung ứng. Cụ thể, các tổ chức tín dụng có thể đánh giá uy tín và mức độ rủi ro của DNNVV (với vai trò là nhà cung cấp, nhà phân phối đối với DN trung tâm) dựa vào uy tín và mức độ rủi ro của một doanh nghiệp trung tâm (là khách hàng lớn và truyền thống của ngân hàng), có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngân hàng mà không cần đáp ứng đầy đủ điều kiện thế chấp tài sản, thủ tục vay vốn như các sản phẩm tín dụng thông thường, với chi phí lãi suất thấp hơn do được dựa trên nền tảng xếp hạng tín dụng, uy tín của doanh nghiệp trung tâm. Với cách thức này có thể giúp DNNVV khắc phục được khó khăn khi thiếu tài sản bảo đảm - là vướng mắc lớn nhất của các DNNVV.

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, bà có những khuyến nghị gì về chính sách cũng như điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vay vốn ngân hàng nói riêng và hỗ trợ các DNNVV trong quá trình phát triển nói chung?

Để tháo gỡ những rào cản, giúp DNNVV tiếp cận tín dụng đạt hiệu quả cao, nhằm mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh bền vững tôi cho rằng Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho DN, người dân.

Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn; phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tại Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương; khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời, Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống thông tin thống kê về DNNVV, cũng như xếp hạng tín dụng của các DNNVV. Bởi vì, đối với thị trường vốn cho DNNVV, tính minh bạch thông tin và đánh giá khả năng chi trả của DNNVV đang là hạn chế, dẫn đến các tổ chức tín dụng còn e ngại trong quyết định cho vay, hoặc gia tăng yêu cầu hồ sơ tín dụng của DNNVV. Trong khi, DNNVV lại thiếu các công cụ để chứng minh khả năng chi trả vốn vay.

Xin cảm ơn bà!

Xem thêm

Ngân hàng rốt ráo phát hành trái phiếu cuối năm

Ngân hàng rốt ráo phát hành trái phiếu cuối năm

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cải thiện rõ nét và nhu cầu vay vốn đang dần phục hồi, hàng loạt ngân hàng công bố thành công trong việc phát hành trái phiếu, huy động hàng nghìn tỷ đồng...

Có thể bạn quan tâm

Ông Hoàng Văn Huây tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch và tân Phó Chủ tịch VBA

Hiệp hội Blockchain Việt Nam có tân chủ tịch

Trong bối cảnh công nghệ blockchain ngày càng khẳng định vị thế và tầm quan trọng tại Việt Nam, những thay đổi trong công tác nhân sự của Hiệp hội Blockchain Việt Nam đang thu hút sự chú ý của cộng đồng...

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hanel bà Bùi Thị Hải Yến phát biểu

Hành trình 40 năm Hanel: Ngọn cờ tiên phong, bền bỉ cống hiến

Trải qua 40 năm không ngừng sáng tạo và phát triển, Hanel đã khẳng định vai trò tiên phong trong ngành công nghiệp công nghệ cao, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô và cả nước…

Top 100 Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024

Vinh danh doanh nghiệp tiên phong trong hành trình chuyển đổi xanh

Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố danh sách 100 doanh nghiệp bền vững tiêu biểu, ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại sự kiện

17 doanh nghiệp Việt Nam giành giải UN Women WEPs Awards 2024

17 doanh nghiệp Việt Nam đã vinh dự nhận được danh hiệu WEPs Awards 2024 của UN Women cho những sáng kiến đổi mới và đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại doanh nghiệp, trên thị trường và trong cộng đồng hướng đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững tại Việt Nam…