Mới đây, Phú Quốc chính thức khởi động các công trình phục vụ APEC 2027. Trong đó điểm nhấn là nâng cấp và xây mới nhiều hạng mục Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, Khu tổ hợp đa chức năng APEC với công suất phục vụ 15.000 người và hàng loạt công trình hạ tầng như tuyến đường tỉnh, nhà máy xử lý nước thải, rác thải...
TS Trần Đình Thiên, Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ niềm tin về Phú Quốc, Kiên Giang sẽ tổ chức tốt đẹp APEC 2027, tuy nhiên để làm được điều đó cần có sự triển khai gấp rút ngay từ lúc này với sự vào cuộc của cả hệ thống.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về năng lực tổ chức APEC 2027 của Phú Quốc, Kiên Giang trong tương lai, với hệ thống công trình trọng điểm được khởi động mới đây?
Chúng ta biết là APEC là một cái sự kiện rất đặc biệt, rất lớn, tầm cỡ thế giới. Cho nên, việc tổ chức sự kiện đúng tầm đòi hỏi phải làm nhiều việc, đáp ứng nhiều thứ, không chỉ thông thường mà còn khác thường, mang tính thách thức cao. Nói như vậy có nghĩa là, chúng ta thiếu gì cho một Đảo Ngọc, vốn đã đòi hỏi rất cao, bây giờ là cho Phú Quốc - APEC 2027, thì càng cần thực hiện, với nỗ lực gấp bội và hướng tới đẳng cấp cao hơn.
Phú Quốc với vẻ đẹp tuyệt vời và cơ sở hạ tầng khá phát triển, đã đạt mức để được lựa chọn làm điểm đăng cai APEC. Nhưng như thế không có nghĩa Phú Quốc đã hội đủ các điều kiện bảo đảm Hội nghị thành công như mong đợi. Mà Việt Nam ta, như kinh nghiệm cho thấy, luôn rất coi trọng việc tổ chức chu đáo những sự kiện tầm cỡ đó.

Hiện nay chúng ta có một Phú Quốc đẹp tuyệt vời đang phát triển, kết hợp bản sắc và hiện đại. Cần tiếp tục phát triển Phú Quốc theo hướng đó, gắn với yêu cầu “đột biến” là phục vụ APEC thành công. Việc gắn kết này làm cho APEC trở thành một cơ hội hiếm có, có thể nói là một thời cơ lịch sử, để tạo “đột phá” trong công cuộc phát triển Phú Quốc.
Ví dụ Sân bay Phú Quốc vốn đã đòi hỏi được nâng cấp từ nhiều năm nay, song cho đến nay vẫn chưa thực hiện được – vì nhiều lý do – do covid, do chưa thật sự cấp bách, do thiếu một cú “hích” đủ sức tạo đột phá... Bây giờ nhờ có APEC, sắp tới, Phú Quốc sẽ có một sân bay quốc tế đúng tầm.
Ngoài sân bay, Phú Quốc còn nhiều chuyện “cấp bách” phải làm nhưng chưa được làm. Nhà máy xử lý rác thải, nước thải, cung cấp nước sạch.... Bây giờ có APEC, những chuyện đó sẽ được làm. Nhờ đó, chúng ta sẽ sớm có một Phú Quốc khang trang, đàng hoàng, đón khách quốc tế với sự tự tin, đại diện cho một Việt Nam “vươn mình”.
Một Trung tâm hội nghị xứng tầm APEC, với sức chứa hàng nghìn người cũng là công trình đặc biệt quan trọng và cấp bách. Công trình cần được kiến tạo xứng tầm quốc gia - thời đại chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu một sự kiện, cho dù là sự kiện tầm cỡ. Gắn với Trung tâm Hội nghị, chắc chắn cần phát triển một tổ hợp thương mại, dịch vụ tầm cỡ.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về khả năng trong 2 năm để Phú Quốc thực hiện khối lượng lớn công việc kể trên?
“Đề bài” đặt ra cho Phú Quốc trước 2 năm không phải quá sớm. Có thể hơi gấp nhưng đủ để cả nước cùng với Phú Quốc chuẩn bị cho APEC 2027. Chúng ta đã có kinh nghiệm tổ chức hai Hội nghị APEC tại Hà Nội và tại Đà Nẵng trước đây. Bây giờ, ngoài kinh nghiệm mà chúng ta đúc kết nghiêm túc và sát sườn, chúng ta lại có thực lực mạnh hơn, và đặc biệt - có động lực và cả niềm tin chắc chắn Việt Nam sẽ làm tốt APEC 2027.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang có nhiều thay đổi sâu sắc, đang phải làm nhiều việc lớn trong khí thế “vươn mình, sánh vai” – nào là sắp xếp lại căn bản bộ máy, tổ chức lại biên chế, cấu trúc lại các đơn vị hành chính, đẩy mạnh cải cách thể chế, lại phải lo tăng trưởng cao hai chữ số bền vững và đặc biệt, chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIV, trong đó, có nhiệm vụ thiết kế lại chiến lược phát triển quốc gia, trong bối cảnh thế giới bất ổn và phức tạp hiếm thấy.
Nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn quyết tâm tổ chức thành công APEC 2027. Trong quyết tâm đó thể hiện tầm nhìn và mong muốn tạo nên giá trị lớn cho thương hiệu quốc gia.
Chúng ta có cơ sở để tin vào thành công, vào tính khả thi của những nhiệm vốn được coi là “không thể”. Trong thời gian qua, nhiều việc trọng đại như đường điện 500kV Bắc-Nam mới khánh thành, gần 3000km đường bộ cao tốc, hàng loạt sân bay, cảng biển lớn được triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đầy sức thuyết phục. Đó là những bằng chứng cho thấy Việt Nam có đủ năng lực giải những bài toán “bất khả thi”. Có thể tự tin để nói: Không có gì là không thể miễn là chúng ta nỗ lực cao độ, tập trung trí tuệ, nhân - tài - vật lực, và các cơ quan đồng lòng – như chúng ta đã từng thành công trong những năm qua. Nói như vậy để thấy tổ chức APEC 2027 thành công là điều hoàn toàn khả thi.
Thưa ông, vậy Phú Quốc nên làm gì để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này?
Tôi cho rằng giờ đây không thể dùng khái niệm “chuẩn bị” nữa mà phải làm ngay, “vừa chạy vừa xếp hàng”, không thể chờ đợi và kéo dài sự chuẩn bị thêm nữa. So với nhiệm vụ chuẩn bị cho APEC Đà Nẵng 10 năm trước, công việc đặt ra cho APEC Phú Quốc lần này có quy mô và mức độ phức tạp cao hơn. Có lẽ kỳ vọng từ đó cho một Phú Quốc – hậu APEC cũng rất lớn nên nhiều nhiệm vụ đặt ra có lẽ cũng “hoành tráng” hơn.
Chỉ riêng việc xây mới đường cất hạ cánh số 2 và xây mới nhà ga thứ 2 cho Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc cũng tốn nhiều thời gian, từ khâu đệ trình chủ trương, cho tới phê duyệt quy hoạch, thiết kế thực hiện dự án.
Vì thế tôi mong muốn Phú Quốc hành động quyết liệt, hàm ý, cả nước “dồn sức quyết chiến” cho APEC 2027 tại Phú Quốc với tư cách là một Chương trình hành động ưu tiên đặc biệt - như việc kiến tạo đường điện 500kV Bắc-Nam, như việc triển khai sân bay Long Thành, không chỉ quyết liệt mà là “khốc liệt”.

Cũng trên tinh thần ấy, cần sự vào cuộc của cộng đồng Phú Quốc, bao gồm chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và dân cư, dựa mạnh vào những trụ cột như Sun Group, VinGroup…
Cụ thể sẽ có 2 việc mà chính quyền Kiên Giang và Phú Quốc cần làm. Thứ nhất là chủ động sáng tạo định hướng công việc và tổ chức “cuộc chơi”, với cơ chế “khác thường”. Bởi chỉ còn 2 năm, không thể áp dụng cơ chế “bình thường” để giải quyết những nhiệm vụ khác thường. Nhà máy xử lý rác thải, Thủ tướng đã đến thị sát tận nơi và có chỉ đạo 2-3 lần nhưng đến nay thực hiện vẫn không phải là dễ do vẫn là theo lối “thông thường”.
Thứ 2 là chính quyền Kiên Giang và Phú Quốc cần hỗ trợ thực hiện, tạo điều kiện tối đa và hiệu quả nhất cho các đơn vị thực hiện các công trình. Doanh nghiệp sau khi được lựa chọn để thực thi, rất cần sự khuyến khích và hỗ trợ sát sườn, bởi họ gặp rất nhiều thách thức về tài chính, nhân lực và cả vận chuyển trang thiết bị và vật tư tới Phú Quốc.
Chỉ lấy ví dụ như việc giải tỏa mặt bằng, khó dự án nào có thể đạt được sự đồng thuận 100% của người dân. Vì thế, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền. Tôi tin chắc với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự đồng thuận của quần chúng nhân dân, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, những doanh nghiệp có năng lực và uy tín sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao.
Với lần đầu tổ chức APEC, Phú Quốc hay Kiên Giang cũng rất cần sự hướng dẫn, chỉ đạo sát sao của Chính quyền Trung ương, Bộ, ban, ngành liên quan. Vậy hiện nay, ông có lời khuyên như thế nào?
Trước hết như Phó Thủ tướng đã chỉ đạo, cần thành lập Ban chỉ đạo APEC 2027, phân giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể, do lãnh đạo Chính phủ đứng đầu, có sự tham gia đầy đủ của Ban, Bộ, Ngành và các địa phương liên quan, huy động sức mạnh của cả hệ thống.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là xây dựng một Ban Chỉ đạo. Quan trọng là Ban đó cần hoạt động với hiệu lực và hiệu năng cao, để đạt hiệu quả cần thiết.
Thưa ông, cùng với bệ phóng của hệ thống công trình được đầu tư, APEC 2027 sẽ có tác động thế nào đến phát triển du lịch và kinh tế của Phú Quốc, Kiên Giang?
APEC 2027 là thời cơ cho Phú Quốc chuyển mình, định hình chân dung đúng tầm của đô thị biển tương lai. Những gì chuẩn bị cho sự kiện thành công, chính là chuẩn bị cho tương lai của Phú Quốc.
Lợi ích đầu tiên mà Phú Quốc có được chính là danh tiếng. Một sân bay đạt đẳng cấp quốc tế, một tổ hợp APEC xứng tầm được kiến tạo sẽ là góp phần định hình chân dung của “đảo ngọc” trong tương lai, một đô thị hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, việc tận dụng tiếp ngay sau hội nghị như thế nào để những công trình được phát huy đúng với kỳ vọng, còn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của cả hệ thống.
Chúng ta sẽ chứng kiến sau APEC 2027 thành công, Phú Quốc sẽ bước qua một ngưỡng phát triển khác, định hình chân dung đô thị biển đảo mang tầm cỡ thời đại, một trung tâm phát triển mang giá trị toàn cầu. Phú Quốc sẽ không đơn thuần là một “thiên đường du lịch” mang giá trị nghỉ dưỡng mà còn là trung tâm mới để chia sẻ và phát triển trí tuệ nhân loại.
Như vậy những gì chúng ta đang làm cho Phú Quốc hôm nay không chỉ đảm bảo thành công cho APEC, mà còn là để “đảo ngọc” xứng đáng với chính mình, với những kỳ vọng mà đất nước đặt cho và với những danh hiệu mà thế giới đã trao tặng.