Khởi công dự án cao tốc nửa tỷ đô nối Vân Đồn – Móng Cái

Hôm nay (3/4), Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chính thức khởi công dự án giao thông trọng điểm: Đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Khởi công dự án cao tốc nửa tỷ đô nối Vân Đồn – Móng Cái

Các đại biểu tiến hành nghi thức khởi công dự án

Với tổng chiều dài 80,2 km, đây sẽ là tuyến cao tốc dài nhất của Quảng Ninh, đấu nối với các tuyến cao tốc đã và đang vận hành, góp phần hình thành trục huyết mạch giao thương trọng điểm khu vực phía Bắc.

Tham dự sự kiện có Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cùng đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại Lễ khởi công, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, "trong những năm qua, Quảng Ninh bằng tâm huyết, quyết tâm chính trị cao, với tư duy đổi mới, đột phá trong cách nghĩ, cách làm đã tạo ra sự bứt phá trong việc huy động các nguồn lực cho phát triển, và đặc biệt phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của địa phương.

“Việc tiếp tục thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thể hiện nỗ lực, cố gắng rất cao, quyết liệt, sáng tạo trong tư duy, hành động của lãnh đạo Quảng Ninh, đoàn kết đồng thuận trong việc triển khai dự án, thể hiện sự vào cuộc có trách nhiệm của nhà đầu tư mà đứng đầu ở đây là Tập đoàn Sun Group - Tập đoàn đã tạo ra những sản phẩm rất ngoạn mục, tạo ra hình ảnh mới về du lịch Việt Nam trong mắt người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Với tổng vốn đầu tư 11.195 tỷ đồng, dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư.

Phối cảnh 3D cao tốc Vân Đồn – Móng Cái

Dự án có điểm đầu tiếp nối với cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, đi qua các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và kết thúc tại thành phố Móng Cái, với 4 làn xe cơ giới, 2 làn dừng khẩn cấp, mặt cắt ngang 25.25m, vận tốc tối đa 100 km/h. Số lượng cầu trên chính tuyến là 28 cái (trong đó, cầu lớn: 22 cái; cầu nhỏ và cầu trung: 06 cái); Số cầu đường ngang vượt đường cao tốc là 16 cái; Cầu trong nút giao và nhánh nút giao: 04 cái.

"Dự kiến, công trình sẽ được đưa vào vận hành khai thác trong năm 2021.

Tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sử dụng hệ thống điều khiển giao thông thông minh (ITS), áp dụng các kỹ thuật công nghệ tân tiến bao gồm hệ thống thiết bị cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông trong lĩnh vực giao thông sẽ hỗ trợ hiệu quả công tác điều hành, phát hiện, cảnh báo các vấn đề như tai nạn, ùn tắc. Hệ thống này đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới và đang ứng dụng tại một số tuyến cao tốc hiện đại của Việt Nam.
Tuyến cao tốc có giá trị gần nửa tỉ USD là bước đi mạnh mẽ hiện thực hóa chủ trương coi đầu tư cho hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội mà Quảng Ninh kiên trì thực hiện thành công những năm qua.

Sau cụm công trình trọng điểm - ba đại dự án tỷ USD do Tập đoàn Sun Group đầu tư khánh thành cuối năm 2018 gồm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã tích cực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để khởi công dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Tất cả các công trình được triển khai theo hình thức hợp đồng BOT, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong việc huy động các nguồn lực tư nhân, chủ động giải bài toán hạ tầng giao thông trong điều kiện ngân sách giới hạn.

Dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thiện tuyến cao tốc kéo dài từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đến thành phố cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, là hành lang đường bộ và cửa ngõ giao thông kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với ASEAN và Trung Quốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển liên kết vùng. Đối với khu vực Đông Bắc Bộ, việc đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ hoàn thiện trục đường cao tốc chiến lược Nội Bài – Hạ Long – Móng Cái (Theo Quyết định 326 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”), tạo động lực mạnh mẽ cho tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tăng trưởng. Đây cũng là một trong các trục cao tốc hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội cần được rốt ráo triển khai để sớm “về đích”.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại sự kiện

Đối với tỉnh Quảng Ninh, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái khi vận hành sẽ tạo thành trục cao tốc “xương sống” dọc tỉnh hoàn chỉnh với tổng chiều dài gần 200km, góp 1/10 vào quyết tâm có 2.000km đường cao tốc trên cả nước vào năm 2020 mà Chính phủ đặt chỉ tiêu. Dự án sẽ tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư để phát huy thế mạnh kinh tế vùng biên, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, đẩy mạnh giao thương quốc tế qua cửa khẩu Móng Cái – nơi thông thương với thị trường hơn 1 tỷ dân... Đây còn là tuyến cao tốc kết nối giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển, các khu du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa tâm linh… trên địa bàn, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa cũng như đi lại tham quan của khách du lịch theo đường bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định: “Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian từ Vân Đồn đi Móng Cái xuống còn 0,8 giờ (trước đây là 2 giờ); tạo thuận lợi giao thông đường bộ từ hướng Lạng Sơn đi Móng Cái, Vân Đồn, Hạ Long, phát huy hiệu quả của sân bay Vân Đồn. Đồng thời, tạo điều thuận lợi cho các tour du lịch hấp dẫn đến Vân Đồn, Móng Cái và các địa phương khu vực Đông Bắc. Mặt khác, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư tại các địa phương có tuyến cao tốc đi qua. Dự án không chỉ có ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong công tác quốc phòng – an ninh vùng Đông Bắc Tổ quốc”.

Ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group phát biểu tại sự kiện

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group (chủ đầu tư dự án) cho biết: “Chọn đầu tư cho tuyến cao tốc huyết mạch này là sự dũng cảm dấn thân của Sun Group với tâm huyết đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cho vùng đất mà Sun Group đang gắn bó. Đầu tư cho hạ tầng luôn cần nhiều vốn và lâu hoàn vốn, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện bởi hiểu rằng, hạ tầng giữ vai trò quyết định trong thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội cả một vùng đất nói chung”.

Dự kiến sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ mở ra những cơ hội giao thương, phát triển lớn góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia theo đúng Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…