Việt Nam được xếp vào top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu, nhưng cũng là một trong 20 quốc gia có khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh thấp nhất (trong 3.000 startup của Việt Nam, chỉ có 3% là thực sự thành công, 80% tồn tại không quá hai năm, số còn lại “sống” rất èo uột).
Báo cáo thường niên về đầu tư vào startup Việt Nam của Topica Founder Institute (TFI) mới đây cho thấy, có gần 900 triệu USD đổ vào các startup Việt với 92 thương vụ. Những giao dịch có thể kể đến là: Yeah1 (100 triệu USD), Sendo (51 triệu USD), Topica (50 triệu USD)... Năm lĩnh vực startup thu hút nhiều vốn đầu tư nhất là Fintech, E-commerce, TravelTech, Logistics và Edtech.
Nhà đầu tư nước ngoài có xu thế đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp với ba ngành kinh doanh hấp dẫn là công nghệ tài chính (Fintech), nông nghiệp công nghệ cao và bất động sản. Năm 2019 được xem là năm có dòng vốn đầu tư vào startup khởi nghiệp sôi động nhất. Topica Founder Institute và Quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners sẵn sàng chơi trội bằng cam kết đầu tư nguồn vốn cố định hằng năm cho các startup, không tính đến khả năng thành công của dự án mà chỉ đặt điều kiện duy nhất là tốt nghiệp chương trình huấn luyện khởi nghiệp TFI.
Đặc biệt, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam 2019 ghi dấu ấn bằng việc thu hút 246 triệu USD vào startup từ các nhà đầu tư Hàn Quốc (chỉ trong vòng 6 tháng). Đây là bước bứt phá ngoạn mục đưa Việt Nam từ hệ sinh thái khởi nghiệp gần như không ai biết đến, lên top 3 trong cộng đồng 6 quốc gia khởi nghiệp mạnh nhất ASEAN (chỉ sau Indonesia và Singapore) và được đánh giá là một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động nhất Đông Nam Á.
Các nhà đầu tư ngoại đổ tiền vào các startup khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bởi Việt Nam là thị trường tiềm năng. Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển toàn cầu hóa mạnh mẽ khiến cho khoảng cách địa lý, ranh giới giữa các quốc gia không còn là rào cản. Lớp trẻ ngày nay có điều kiện tiếp xúc với những phương thức giáo dục tiên tiến của thế giới, được tiếp cận sớm với những thành tựu mới nhất của nhân loại. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ (tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh lên tới 72%); mức độ sử dụng truyền thông trực tuyến, thiết bị di động lớn.
Tuy nhiên, phần lớn DN khởi nghiệp lại rơi vào tình trạng bế tắc ở khâu gọi vốn đầu tư, nhất là dòng vốn ngoại. Không ít DN khởi nghiệp có ý tưởng kinh doanh tốt vẫn không gọi vốn được, trong khi nguồn quỹ đầu tư nước ngoài thường có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với các startup Việt Nam. Điều này cho thấy việc tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài của các startup vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo ông Lý Đình Quân - Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn non trẻ với nhiều khó khăn ở giai đoạn hỗ trợ khởi nghiệp, từ ý tưởng đến kinh doanh và từng thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp trong DN. Để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt từ các nhà đầu tư ngoại cho các startup Việt, cần có cơ chế, chính sách, pháp lý kịp thời cho phù hợp với thực tiễn. Chẳng hạn như thủ tục hành chính. Bài học từ quốc gia khởi nghiệp thành công nhất là Singapore cho thấy, bên cạnh những chính sách ưu đãi mang tầm chiến lược thì việc thành lập công ty nước ngoài tại đây rất đơn giản. Có hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện, cơ hội gọi vốn dễ dàng bởi khuôn khổ pháp lý và tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
Theo Doanhnhansaigon