Kiến nghị không dùng trạm BOT La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho hầm Đèo Cả

Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ không sử dụng trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, bổ sung vốn nhà nước (khoảng 2.280 tỷ đồng) để hỗ trợ cho dự án.
Kiến nghị không dùng trạm BOT La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho hầm Đèo Cả

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản báo cáo Chính phủ giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo đó, trong tổng số hơn 70 dự án BOT, bộ này đã rà soát, phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất giải pháp xử lý được 14 trạm thu phí đưa vào hoạt động bình thường.

Ngoài ra, đối với 4 trạm thu phí BOT/dự án BOT có bất cập, chưa được thu phí, trong đó trạm thu phí La Sơn - Túy Loan (hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả), từ năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp xử lý.

Căn cứ vào đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ không sử dụng trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, bổ sung vốn nhà nước 2.280 tỷ đồng để hỗ trợ cho dự án.

Đồng thời đề xuất phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Đề án thu phí trình cấp có thẩm quyền thông qua để thu hồi vốn nộp ngân sách nhà nước.

Hiện vốn tham gia của nhà nước trong dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm cả hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân) là 5.048 tỉ đồng/19.530 tỉ đồng (chiếm khoảng 25,8% tổng vốn đầu tư).

Trường hợp bổ sung vốn nhà nước khoảng 2.280 tỉ đồng để thay thế quyền thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan, tổng vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 7.328 tỉ đồng (chiếm khoảng 37,5% tổng vốn đầu tư), không vượt mức tối đa 50% tổng mức đầu tư như quy định tại Luật PPP.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, cao tốc La Sơn - Túy Loan, đoạn La Sơn - Hòa Liên cho phép các loại ô tô đi lại trên tuyến này kể từ ngày 16/4.

Dù đã được khơi thông cho phép đi lại, tuyến đường vẫn chưa tổ chức trạm thu phí trong thời gian này.

Theo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, tuyến đường vắt qua núi rừng Trường Sơn góp phần rút ngắn thời gian di chuyển của phương tiện, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế với chiều dài 66km.

Tuyến đường bắt đầu tại ngã ba La Sơn, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) đến nút giao Hòa Liên, huyện Hòa Vang. 

Giai đoạn 1, tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 với quy mô 2 làn xe, bề rộng mặt đường 12m và tốc độ thiết kế 60-80km/giờ, xe máy không được phép lưu thông.

Khi đưa vào khai thác, tuyến đường lưu thông được thực hiện theo phương án cấm các phương tiện thô sơ; các phương tiện khác chạy với vận tốc tối đa là 80 km/h.

Ở giai đoạn 2, dự án được mở rộng lên thành 4 làn xe với bề rộng mặt đường khoảng 24m, tương đương với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm