Kinh tế số và sự thích ứng của doanh nghiệp Việt

Kinh tế thế giới đang được dẫn dắt bởi công nghệ số với tốc độ chuyển đổi rất nhanh. Nếu không thích ứng kịp thời, doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ nhanh chóng bị bỏ lại đằng sau, dù cơ hội tiếp cận là n
Kinh tế số và sự thích ứng của doanh nghiệp Việt

Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội mà kinh tế số (KTS) mang lại, còn rất nhiều vấn đề đặt ra.

Áp lực thay đổi

Phát biểu tại Diễn đàn DN trong nền KTS ngày 17/5 tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, công nghệ số đang len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống hàng ngày và trong công việc kinh doanh, tạo ra những giá trị mới mà các DN không thể bỏ qua. Từ việc đăng ký kinh doanh, sử dụng hóa đơn điện tử cho đến bán lẻ trực tuyến; từ môi giới việc làm, kinh doanh vận tải đến bất động sản hay ngân hàng..., công nghệ số đang tạo ra những mô hình kinh doanh phi truyền thống. Những khái niệm như E-commerce, Blockchain, Fintech, Big Data, Internet of Things (IoT)... đã không còn xa lạ với các DN. Công nghệ số được xem là nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo số liệu thống kê của Tạp chí Forbes, nền KTS toàn cầu đang có tốc độ phát triển nhanh chóng với giá trị vào khoảng 3 nghìn tỷ USD; khoảng 200 thành phố trên toàn thế giới dự kiến xây dựng mô hình “thành phố thông minh”; dự báo đến năm 2020, tổng thị trường thành phố thông minh toàn cầu ước đạt 1,5 nghìn tỷ USD, chiếm tỷ trọng 38% của KTS toàn cầu, tập trung ở các lĩnh vực chính phủ điện tử, năng lượng thông minh và y tế.

Công nghệ số cũng được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo báo cáo của Google và Temasek, với tỷ lệ 27%, tốc độ tăng trưởng của KTS khu vực này năm 2017 đã vượt kỳ vọng và đạt mốc 50 tỷ USD, chiếm khoảng 2% GDP của khu vực (dự kiến sẽ đạt 6% GDP vào năm 2025). Đóng góp vào sự tăng trưởng này là các ngành như du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, phương tiện truyền thông và giải trí trực tuyến, đặt xe trực tuyến...

Tại Việt Nam, xu thế “số hóa” đã xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế... Nhiều DN Việt đã tham gia vào thương mại điện tử (Vuivui.com, Tiki.vn...), các nền tảng thanh toán trung gian bằng công nghệ QR Code, ví (123Pay và ZaloPay của ZION, Momo, Webmoney, Payoo...), mạng xã hội (Zalo), thiết bị IoT (máy bán nước, máy bán bánh pizza tự động tích hợp giải pháp thanh toán điện tử cho máy bán hàng VPOS), thanh toán trực tuyến của các ngân hàng...

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, tỷ trọng của thương mại điện tử trong tổng doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam mới chỉ chiếm 3,6% - đây là con số khá “khiêm tốn” so với mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (14,5%). Điều này cho thấy, nền KTS với những mô hình, phương thức kinh doanh mới đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho DN Việt Nam, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa (SME).

Cần có kế hoạch hành động ngay

Nếu không tận dụng được cơ hội, nguy cơ mất thị trường là hiện hữu khi các DN nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft, Grap... nắm bắt và tận dụng được sức mạnh công nghệ số để chiếm lĩnh thị trường.

Chia sẻ những khó khăn của DN khi chuyển đổi sang công nghệ số, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Chúng ta có thể đã chậm 1 đến 2 năm so với thế giới, nhưng điều đó không thành vấn đề. Quan trọng là chúng ta có quyết tâm thay đổi”.

Muốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi này, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất, cần có một khung khổ pháp lý phù hợp hơn như luật văn bản điện tử, luật giao dịch điện tử, luật chữ ký số..., bởi thực tế thời gian qua cho thấy, pháp luật chưa theo kịp những mô hình kinh doanh mới của KTS.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM cho rằng, khung khổ pháp lý đó phải khuyến khích được DN gia nhập thị trường nhiều hơn, khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang mô hình DN, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Tránh trường hợp như một DN phản ánh là họ phải chạy hết cơ quan này sang cơ quan khác để xin được kinh doanh một lĩnh vực ngành nghề mới, chưa được pháp luật quy định như sách điện tử...

“Thay vì tư duy “không quản được thì cấm”, chúng ta phải tìm cách tạo thuận lợi cho DN hoạt động. Luật là phải thúc đẩy ý tưởng kinh doanh mới, chứ không phải là để hạn chế nó”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Nhà nước cần phải đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho việc phát triển nền KTS, đồng thời hạn chế được những rủi ro - hệ quả không mong muốn của nền KTS như bảo mật, an toàn thông tin... Toàn bộ hệ thống giáo dục đào tạo cần cải cách, tái cấu trúc theo hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nền KTS, bởi khả năng thiếu hụt nguồn lao động này là rất lớn. Đào tạo, đào tạo lại những lao động của những ngành thâm dụng lao động hay lao động giản đơn, để chuyển đổi sang công việc phù hợp hơn trong nền KTS.

Có thể nói, KTS đang làm cho thế giới nhỏ lại và SME lớn lên, xóa bỏ bất lợi, bình đẳng với các DN lớn về công nghệ, bạn hàng, đối tác... Bản thân DN cũng phải hướng tới sự phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt là minh bạch hoạt động, áp dụng hệ thống quản trị chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế, bởi chỉ có đạt chuẩn quốc tế mới có thể tham gia thị trường toàn cầu.

Theo Đấu thầu

Có thể bạn quan tâm