Kinh tế thể thao - Tại sao không?

Đã đến lúc coi thể thao Việt Nam là một ngành công nghiệp, đóng góp vào GDP của đất nước, thay vì mãi phụ thuộc vào ngân sách quốc gia!

Bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư, xây dựng, khai thác các công trình thể dục, thể thao phục vụ hoạt động thể dục thể thao quần chúng, đặc biệt phục vụ cho trẻ em

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội vào dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao, để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Khó vì ít và ít nên phụ thuộc!

Với một nền thể thao còn đang phát triển, việc lệ thuộc vào ngân sách là điều dễ hiểu. Hơn thế, trong điều kiện hạn hẹp của ngân sách quốc gia, số chi cho thể thao cũng không phải là lớn, dù cùng với sự phát triển chung của xã hội, số chi đã tăng lên đáng kể. Bằng chứng là cách đây khoảng hơn 10 năm, tổng chi phí đầu tư cho nền thể thao nước nhà mới đạt 50 tỷ đồng, còn đây bây giờ dự toán chi ngân sách trung ương được phân bổ cho lĩnh vực này lên đến 820 tỷ đồng.

Nhưng dù con số đã lên đến 820 tỷ đồng thì cũng rất hạn chế nếu biết con số này chỉ chiếm 0,19% tổng số chi ngân sách trung ương. Càng ít hơn nếu biết thấp hơn so với các nước có mặt trong nhóm 20 nước dẫn đầu Thế vận hội mùa Hè Olympic. Hay ngay cả Cuba cũng đã duy trì mức đầu tư ổn định những năm qua là khoảng 2% tổng ngân sách và nó cũng lý giải phần nào tại sao trình độ của nền thể thao xứ quốc đảo này vươn tới tầm thế giới bất chấp những khó khăn về kinh tế.

Còn theo chính những cán bộ quản lý trong ngành, ngay với 820 tỷ đồng ngân sách thì đã có đến khoảng 50% chi trả tiền công, tiền lương, tập huấn, thi đấu... cho các VĐV, HLV, tức là chi cho con người. Rồi khối ngân sách này còn chi cho không chỉ mảng thể thao đỉnh cao mà còn là các hoạt động thể thao phong trào cùng nhiều mảng công việc khác.

Chi ở đây là để giúp thể thao phát triển mà khi phát triển sẽ mang lại doanh thu cùng nguồn lợi từ chính thể thao. Vậy nên chi ít thì khó mà thôi và cũng vì ít nên chuyện Thể thao Việt Nam phụ thuộc vào ngân sách vẫn là chuyện còn kéo dài.

Thúc đẩy nền kinh tế thể thao

Trở lại với hội nghị góp ý kiến dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao, nhiều ý kiến đã chỉ ra, việc quá phụ thuộc vào ngân sách đã cản trở lộ trình hòa nhập của thể thao Việt Nam với thể thao châu lục và thế giới. Và để phát triển, cần phải có một hành lang pháp lý nhằm xây dựng nền kinh tế thể thao thực sự, và thể thao cũng cần phải được coi là một ngành công nghiệp, đóng góp vào GDP của đất nước.

Và hành lang pháp lý quan trọng nhất chính là Luật Thể dục thể thao cần phải tiếp tục được hoàn thiện. Luật Thể dục thể thao chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2007, sau 10 năm thực hiện đã xuất hiện nhiều bất cập, vướng mắc không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay đặc biệt là ở lĩnh vực kinh tế thể thao. Nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ những vấn đề mới phát sinh cần được đưa vào Luật Thể dục thể thao sửa đổi như: Bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư, xây dựng, khai thác các công trình thể dục, thể thao phục vụ hoạt động thể dục thể thao quần chúng, đặc biệt phục vụ cho trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi, bởi thực tế tại tỉnh, những công trình này hiện còn thiếu rất nhiều; đề nghị Luật nên quy định cụ thể về quyền của VĐV, HLV thể thao thành tích cao, bổ sung chính sách ưu tiên đối với các VĐV không còn đủ khả năng thi đấu...

Hay đặt cược thể thao là một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận khi cho rằng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy cần phải có thời gian đánh giá, tổng kết Nghị định số 06/2017/NĐ- CP ngày 24/01/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế trước khi quy định trong luật để đảm bảo tính khả thi.

Tất cả những ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới. Hy vọng rằng với hành lang pháp lý mới được mở, Thể thao Việt Nam sẽ tự đứng vững trên đôi chân của mình và cất cánh trở thành một ngành công nghiệp thực sự!

Theo Ngọc Minh/Hải quan

Có thể bạn quan tâm