Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đây cũng là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo Nghị quyết, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việc này giúp đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.
Bộ Chính trị khẳng định phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài. Do đó, định hướng này cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước. Việc này nhằm phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, giải phóng toàn bộ nguồn lực, nhất là trong nhân dân, cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu xóa bỏ triệt để "định kiến về kinh tế tư nhân", đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân với phát triển đất nước. Cùng với đó, nhà điều hành phải nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân.
Doanh nghiệp, doanh nhân phải được bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng. Họ được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực như vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác.
Nhà điều hành tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp tư nhân được bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu.
Cùng với đó, cơ quan quản lý xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển trong những lĩnh vực ưu tiên, nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số và làm giàu hợp pháp, chính đáng.
Bộ Chính trị nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Việt Nam sẽ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, nỗ lực vươn lên. Đồng thời, đội ngũ doanh nhân sẽ được tôn vinh, cổ vũ để phát triển lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội.
Hiện, khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và sử dụng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.
Phấn đấu đến năm 2030, có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp/nghìn dân. Đặc biệt, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Về tốc độ tăng trưởng, phấn đấu bình quân đạt khoảng 10-12%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 – 58% GDP, khoảng 35 – 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 – 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 – 9,5%/năm.
Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất trên 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Nhằm tạo tiền đề cho các mục tiêu nêu trên, Bộ Chính trị đã nêu đồng loạt nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai.
Trong đó bao gồm đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động. Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện và nâng cao thể chế, chính sách nhằm bảo vệ chính đáng, bình đẳng cho quyền tự do phát triển, quyền cạnh tranh của kinh tế tư nhân.
Chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống dữ liệu và công cụ trí tuệ nhân tạo cảnh báo sớm về các nguy cơ vi phạm pháp luật. Ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Triển khai thanh tra, kiểm tra trực tuyến, ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp. Miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật.
Sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.
- Bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong toả tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong toả tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án.
- Phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp của cá nhân những người quản lý trong doanh nghiệp. Cho phép sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.
Cùng đó, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn và nhân lực... thông qua giảm tiền thuê đất, nới lỏng điều kiện cấp bảo lãnh so với điều kiện vay vốn ngân hàng, nghiên cứu thành lập quỹ tái bảo lãnh và các mô hình bảo lãnh chéo, đồng bảo lãnh.