Nhóm nghệ sỹ “Gang of Five”, với các thành viên Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương và Phạm Quang Vinh, có một vị trí rất quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ sau Đổi Mới. Họ nổi lên vào đầu những năm 80 khi Việt Nam đang xây dựng lại sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Năm nghệ sỹ gắn kết với nhau bằng tình bạn và đam mê thể hiện bản thân một cách tự do không ràng buộc, với một tầm nhìn đến tương lai và một niềm hy vọng mà trong quá khứ là không thể với tới. Họ đã theo đuổi những ước mơ của mình và từ đó khơi nguồn cảm hứng cho các họa sỹ khác.
Triển lãm nghệ thuật “Lạc bước tân kỳ” đánh dấu sự trở lại sau 30 năm sáng tác nghệ thuật. “Lạc bước tân kỳ” kỳ thay, lại diễn ra tại một không gian xưa cũ, một không gian đang được tranh cãi rất nhiều trên mặt báo về sự tồn tại của các nghệ sỹ điện ảnh của Hãng phim truyện Việt Nam – đó là trường quay của hãng phim. Một nơi mà nếu trong năm 2017, bạn thử tìm trên mạng, hoặc có dịp, mời bạn “lạc trôi” tới trường quay lịch sử này, sẽ thấy một nơi vinh quang đầy cay đắng bởi sau 20 năm thua lỗ, Hãng phim Truyện Việt Nam đã được bán lại 65% cổ phần cho Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso.
Khu đất lịch sử (trong đó có trường quay dù rộng rãi, nhưng bị bỏ bê tồi tàn, ẩm mốc, cũ kỹ và trở thành một cái kho chứa đồ hơn là một trường quay của một hãng phim) có thể đã trở thành một mỏ vàng và người ta đang tranh cãi nhau về việc Vivaso sẽ đầu tư nâng cấp trụ sở phục vụ hoạt động nghệ thuật hay biến khu đất này thành nhà hàng kinh doanh.
Nhưng thôi, có lẽ, chúng ta nên quay lại với cái triển lãm tranh, không chỉ tranh, mà còn tận dụng cả những thứ đồ sẵn có của trường quay này để thực hiện các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của nhóm “Gang of Five”, với bộ sưu tập tư liệu về cuộc hành trình in dấu những bước đường phát triển về mỹ thuật của họ; cái độc đáo trong những khía cạnh khác biệt – tương đồng đã gắn kết 5 người họ với nhau; môi trường xã hội mà có lẽ đã đóng góp cho sự thành công của họ nhưng đồng thời cũng hạn chế những thực hành nghệ thuật của họ qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử nghệ thuật.
Cùng ngắm 5 bức “Tầm tã” của Trần Lương, “Vô đề 1,2,3,4” của Hồng Việt Dũng, với những “Đêm Hà Nội”, “Giấc mơ” của Phạm Quang Vinh được bày trong căn phòng nhỏ có đề tên Long Biên, nó nửa như một ga xép nơi chân cầu Long Biên, nửa như ký ức dội về của một Hà Nội xưa cũ. Đặng Xuân Hòa với “Tháng ba màu đỏ”, “Tháng ba màu xanh” hay Hà Trí Hiếu với serie “Quyền được hy vọng”…
““Lạc bước tân kỳ” (Chancing Modern) cái tên mang âm hưởng lãng mạn pha chút bí ẩn đầy gợi ý không chỉ đánh dấu sự phát triển của 5 cá nhân nghệ sỹ mà còn là của cả một thời kỳ lịch sử phát triển mỹ thuật Việt Nam.
Theo cô Lê Thuận Uyên, curator của triển lãm: Tôi nghe danh các họa sỹ đã lâu nhưng không có điều kiện xem tác phẩm trải dài quá trình thực hành hơn 30 năm của các họa sỹ, nên đây là một cơ hội tốt để được trải nghiệm tận mắt. Phần nữa vì cá nhân tôi cũng muốn tìm hiểu về một phần hình thành kho tư liệu về giai đoạn này, thông qua triển lãm của nhóm “Gang of Five” (là dự án đầu tiên trong chuỗi). Giá trị nghệ thuật của nhóm với bối cảnh nghệ thuật Việt Nam giai đoạn 80-90 là không thể bàn cãi. Họ thuộc nhóm những họa sỹ đầu tiên vẽ theo tiếng gọi của tâm hồn mình chứ không vẽ theo “đơn đặt hàng” của nhà nước, và đồng thời tư duy cá nhân cũng như các cảm xúc rất riêng của họ thể hiện trên tác phẩm được chấp nhận.
Họ cũng tạo ra những ảnh hưởng, thu hút sự quan tâm của quốc tế với hội họa Việt Nam giai đoạn hậu chiến, ảnh hưởng lên thế hệ kế tiếp thông qua việc chia sẻ kiến thức, trải nghiệm của họ. Trong thời điểm hiện tại, nhóm tuy không còn vị trí tiên phong như những thời kỳ đầu những năm 80-90 nữa. “Gang of Five” vẫn sáng tác, và tiếp tục chia sẻ với các thế hệ đi sau, nhưng đồng thời, cũng đã có những thế hệ kế tiếp thuật “mạnh tay” hơn, mới mẻ hơn, sâu xát hơn với các vấn đề xã hội…”
Còn theo họa sĩ Trần Lương một trong 5 nghệ sỹ của nhóm nhớ lại thời kỳ 90-96- thời kỳ được coi là hoàng kim của các nghệ sỹ Việt Nam: Những năm từ 90-96- khi đất nước mở cửa, tranh của các họa sỹ Việt Nam được khách nước ngoài để ý tới và tìm mua. Rất nhiều họa sỹ đã giàu lên một cách nhanh chóng. Trong các câu chuyện gặp nhau giữa những người nghệ sỹ không chỉ là sự trao đổi về nghệ thuật, đam mê, mà còn xen vào đó, và xâm chiếm dần như chủ đề về nhà cửa, đất đai, xe hơi, và các sở thích khác khi có tiền, có điều kiện.
Mặt trái của thời kỳ hoàng kim ấy, đó là các nghệ sỹ bỗng trở nên lặp lại chính mình, chịu vẽ theo nhu cầu của người mua tranh. Thậm chí, có những scandal tranh giả mang tầm cỡ quốc tế. Chỉ vì tiền, họ chấp nhận làm sao chép tranh giả những cây đa cây đề có thương hiệu quốc tế. Điều này khiến cho những người có uy tín, yêu thích tranh Việt Nam cảm thấy bức xúc và buồn bã.
Trong nền kinh tế thay đổi của thị trường, có nhiều nghệ sỹ biến đổi, xoay chuyển theo thực tế. Nhiều doanh nghiệp mời, và hợp tác với các nghệ sỹ để làm chương trình truyền thông thương hiệu qua hình thức nghệ thuật. Đề cập tới vấn đề này, nghệ sỹ Trần Lương chia sẻ: “Điều này chỉ có thể thông cảm và áp dụng với những nghệ sỹ có tài năng và chất lượng tầm tầm. Vì dù sao, thì cách PR, làm thương hiệu và lợi nhuận ở một số ít công ty đủ mạnh để bỏ tiền làm truyền thông qua nghệ thuật, lại ảnh hưởng đến sự phát triển của nghệ thuật. Đây là đúc kết và kinh nghiệm của nhiều quốc gia và nhiều thế hệ nghệ sỹ.
Hiện nay, sự xâm thực từ tiền có lợi nhuận vào nghệ thuật ở các nước lớn và phát triển đã biến tướng tinh vi hơn thành những giải thưởng và học bổng có điều kiện, thậm chí, hiện tượng này đã đủ sâu và lâu để tác động tiêu cực tới sự phát triển của nghệ thuật. Vì thế, với các nghệ sỹ chân chính, có tài, và tỉnh táo, họ chỉ nhận tài trợ từ các quỹ phi lợi nhuận, hoặc tự lo, hoặc sống cần kiệm, hoặc tự lao động bằng nghề khác để nuôi nghệ thuật. Rất nhiều nghệ sỹ giỏi ở Mỹ đi dạy ở các trường Đại học từ 3 buổi-10 buổi/tháng.
Còn ở Việt Nam, bài học vừa làm kinh tế vừa sáng tác đã cho kết quả rất tệ. Việc nhận sự giúp đỡ từ các tập đoàn lợi nhuận vẫn được chấp nhận ở các nước có GDP cao, vì các tập đoàn này đã hiểu được và “chơi đẹp” hơn với nghệ thuật và nghệ sỹ. Đây là câu chuyện của thể chế và nền tảng, nước ta chỉ có người giầu, nhưng chưa có giới… elite (tinh hoa), Từ giàu, tới elite, là một khoảng cách không mua bằng quyền lực, không nhập khẩu được và cũng không thể một phút vịt thành thiên nga được.
Tóm lại, “Lạc bước tân kỳ” (Chancing Modern) cái tên mang âm hưởng lãng mạn pha chút bí ẩn đầy gợi ý không chỉ đánh dấu sự phát triển của 5 cá nhân nghệ sỹ mà còn là của cả một thời kỳ lịch sử phát triển mỹ thuật Việt Nam. Sự hấp dẫn của “Lạc bước tân kỳ” trong không gian trường quay kiêm nhà kho của Hãng Phim truyện Việt Nam trong thời gian triển lãm, đã thu hút nhiều giới, nhiều tầng lớp tới thưởng lãm, xem và check in, đặc biệt là giới trẻ!
Được biết tới với những tác phẩm mạnh mẽ và khác biệt thể hiện quan điểm của bản thân, tách rời khỏi những khuôn mẫu tư tưởng chủ nghĩa xã hội của thế hệ các họa sỹ đi trước, nhóm 5 họa sỹ được thành lập vào năm 1983, và chính thức có tên “Gang of Five” vào năm 1993 với triển lãm tại Hội Mỹ thuật Việt Nam ở 16 Ngô Quyền, Hà Nội, một trong rất ít những địa điểm triển lãm vào thời đó. Cái tên “Gang of Five” – do nhà thơ Dương Tường đặt cho nhóm trong lần triển lãm đầu tiên của 5 người. |
CODET HANOI