Lãi khủng, vì sao Vietcombank vẫn “xén” cổ tức?

Tăng trưởng tín dụng tốt hơn và nợ xấu giảm mạnh song Vietcombank dường như đang kiểm soát lợi nhuận ở mức dưới kì vọng của cổ đông? Cổ tức cũng khiêm tốn chỉ 8% bằng tiền dù ngân hàng đang có hơn 5.8
Lãi khủng, vì sao Vietcombank vẫn “xén” cổ tức?

Cổ tức của Vietcombank có đang “cài số lùi” giảm mạnh xuống còn 8-10% bằng tiền mặt

Lợi nhuận làm “đẹp lòng” ai?

Năm 2016 có thể nói là một năm thành công với Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – mã: VCB) khi kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 (đã kiểm toán), quy mô tổng tài sản của ngân hàng tiếp tục tăng 17% lên gần 788 nghìn tỷ đồng, huy động vốn 590 nghìn tỷ đồng và tín dụng tăng lên 585 nghìn tỷ đồng (riêng cho vay khách hàng là 460,8 nghìn tỷ đồng).

Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2016 đã giảm tích cực từ 1,84% xuống còn 1,5% tổng dư nợ, tương ứng 6.936 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ kinh doanh của Vietcombank đạt hơn 14.929 tỷ đồng, nhưng do phải trích dự phòng rủi ro tín dụng tới 6.406 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm chỉ còn 8.523 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế còn 6.852 tỷ đồng, tăng trưởng 28,4% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của Vietcombank cho đến nay.

Cổ đông kỳ vọng ngân hàng năm qua lãi đậm sẽ chia cổ tức hậu hĩnh hơn. Song theo tờ trình ĐHCĐ ngày 28/4/2017 tới, Vietcombank bất ngờ “xén” cổ tức năm 2016 chỉ còn 8% bằng tiền mặt thay vì mức 10% như ĐHCĐ năm trước đã phê duyệt.

Tỷ lệ cổ tức năm 2017 cũng dự kiến ở mức 8% nếu hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt hơn 9.200 tỷ đồng, tăng trưởng 8%.

Nhìn lại lịch sử trả cổ tức những năm gần đây sẽ thấy tỷ lệ cổ tức của Vietcombank đang có xu hướng giảm. Giai đoạn 2010-2014, Vietcombank duy trì mức cổ tức 12% bằng tiền mặt. Riêng năm 2014 có mức cổ tức hậu hĩnh nhất tới 25%, gồm 10% bằng tiền (tương ứng chi ra 2.265 tỷ đồng, bằng 45,35% lợi nhuận sau thuế) và chia thêm cổ phiếu thưởng tỷ lệ 15%.

Tỷ lệ cổ tức 10% tiền mặt cũng được chia cho năm 2015 dù ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở mức cao đạt 5.900 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là vì sao lợi nhuận tăng trưởng tốt, năm sau cao hơn năm trước nhưng cổ tức lại “cài số lùi”, hiện chỉ ở mức 8% cao hơn lãi gửi tiết kiệm một chút?

Từ năm 2013 đến nay, việc chia cổ tức của các ngân hàng đều phải xin ý kiến thông qua của Ngân hàng Nhà nước trước khi trình lên ĐHCĐ thường niên biểu quyết. Lý do được giải thích là vì hệ thống ngân hàng đang tập trung tái cơ cấu, bản thân các nhà băng phải dồn nguồn lực xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo an toàn vốn cũng như cải thiện các chỉ số an toàn tuân thủ quy định khắt khe hơn.

Giai đoạn tái cơ cấu này, đã có nhiều ngân hàng không được phép chia cổ tức, một số khác duy trì mức cổ tức thấp từ 5-8%, cá biệt có nơi được chia 10% kèm thêm cổ phiếu thưởng 14-15%. Và Vietcombank cũng không nằm ngoài vòng kiểm soát cổ tức “thắt lưng buộc bụng” cùng hệ thống.

Riêng năm 2016 tỷ lệ cổ tức 8% của Vietcombank gây ngạc nhiên lớn vì ngân hàng lãi kỷ lục, có tới 5.830 đồng lợi nhuận chưa phân phối trên sổ sách. Cổ đông kỳ vọng mức cổ tức hấp dẫn hơn con số 8% đưa ra.

Và chịu thiệt?

Hoạt động kinh doanh của Vietcombank ngày càng tăng trưởng tốt hơn cùng với quá trình xử lý nợ xấu tích cực và tiệm cận các tiêu chuẩn Basel II. Được biết, trong năm 2016, Vietcombank đã xử lý được khoảng 5.300 tỷ đồng nợ xấu; trong đó thu hồi được khoảng 1.900 tỷ đồng nợ xấu; cùng đó chuyển được khoảng 1.300 tỷ đồng nợ xấu về nhóm 1-2 (không còn là nợ xấu), và xử lý được khoảng 2.100 tỷ đồng nợ xấu tồn đọng ngoại bảng.

Một động thái đáng chú ý là Vietcombank công bố đã mua lại khoảng 4.300 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC chỉ sau chừng 1 năm bán đi. Điều này đem lại những lợi ích gì cho ngân hàng?

Xét về mặt kỹ thuật, việc mua lại nợ này khiến cho quy mô nợ xấu của Vietcombank lập tức tăng lên 6.936 tỷ đồng (cuối 2016) và tiếp tục “phình” lên tới 7.332 tỷ đồng, chiếm 1,45% tổng dư nợ vào cuối quý 1/2017. Số trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng cuối năm qua ở mức 6.406 tỷ đồng và hiện tăng trích thêm 1.400 tỷ đồng trong quý 1 năm nay. Tổng dự phòng rủi ro tại 31/3/2017 của Vietcombank ghi nhận số kỷ lục tới 9.511 tỷ đồng, tăng tới 17% so với cuối năm 2016.

Trong khi đó, nếu 4.300 tỷ đồng vẫn “gửi” ở kho VAMC thì Vietcombank chỉ tốn 20% (khoảng 860 tỷ đồng) mỗi năm cho việc trích lập dự phòng (tối đa 5 năm). Còn chọn “ôm” lại nợ xấu thì tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu nhóm 3-5 là từ 25-100% dư nợ xấu ngay trong năm phát sinh. Có thể thấy mức chênh lệch đáng kể về số tiền trích dự phòng giữa hai phương án, và dường như Vietcombank đang chấp nhận chịu thiệt khi chọn cách tốn kém chi phí dự phòng hơn, dẫn tới kéo giảm lợi nhuận?

Có thể thấy ngay, đến cuối quý 1/2017 Vietcombank phải trích dự phòng 1.400 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận trước thuế bị ảnh hưởng chỉ còn 2.647 tỷ đồng.

Khi lợi nhuận năm 2016 bị giảm đột ngột sau động thái mua lại nợ xấu, Vietcombank rõ ràng sẽ không có nhiều cơ sở để chia cổ tức hậu hĩnh cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ cao như kỳ vọng. Mức 8% cổ tức bằng tiền có thể là một tỷ số đẹp, vừa mang tính động viên cổ đông, vừa đáp ứng yêu cầu chia cổ tức tiền để nộp về ngân sách Nhà nước trước áp lực thu hồi lợi tức từ phần vốn nhà nước đầu tư.

Số liệu lợi nhuận của Vietcombank có sự “biến động” trên sổ sách và cổ tức phụ thuộc nhà điều hành là điều giới đầu tư lo ngại, băn khoăn vì sẽ khó đánh giá, dự báo chính xác diễn biến giá cổ phiếu trên sàn. Bởi dù VCB là cổ phiếu có giá trị đầu tư thực sự song có xu hướng giảm mạnh trên sàn chứng khoán./.

>> Quý 1/2017: Vietcombank lãi ròng 2.134 tỷ đồng, nợ mất vốn 4.300 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...