Lại tranh cãi chuyện giảm phí trước bạ ô tô

Bộ Công thương một lần nữa ủng hộ đề xuất giảm 50% phí trước bạ ô tô và cho rằng giảm phí trước bạ sẽ giúp tăng thu ngân sách...
giảm phí trước bạ
Bộ Tài chính vẫn phản đối đề nghị giảm phí trước bạ vì lo giảm thu ngân sách.

Theo đó, trên tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là ô tô, xe máy, cơ khí, Bộ Công thương cho rằng trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện giảm phí trước bạ.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại phản đối đề nghị giảm phí trước bạ vì lo giảm thu ngân sách.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong các năm trước về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung…

Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc này như một khoản trợ cấp của Chính phủ.

Trường hợp cần thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ, thì phải áp dụng chung cho cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của địa phương.

Trả lời quan điểm này, trong cuộc họp báo chiều 18/5, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải lại cho rằng, việc giảm phí trước bạ không giảm thu thu ngân sách mà còn tăng, nhờ tăng thu ở một số loại thuế khác.

"Năm 2020, khi thực hiện giảm phí trước bạ, sản xuất kinh doanh không những giữ vững mà còn phát triển. Theo báo cáo của Bộ Tài chính qua lần đầu tiên thực hiện giảm lệ phí trước bạ, nguồn thu ngân sách không giảm mà tăng gần 2.000 tỷ đồng", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương có quan điểm ủng hộ việc áp dụng một số các biện pháp, trong đó có việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên, việc quyết định có giảm lệ phí trước bạ hay không, thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng.

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, về chủ trương, Chính phủ đồng thuận với đề xuất giảm phí trước bạ và yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu.

Tuy nhiên, ở đây còn có vấn đề như giảm thuế trước bạ chưa chắc đã giúp kích cầu thực sự, bởi trong giai đoạn giảm thuế trước, người dân có như cầu tăng mua sắm phương tiện cá nhân trong bối cảnh giãn cách xã hội và hạn chế phương tiện công cộng. Còn giai đoạn hiện tại, nguồn tiền trong dân đã giảm mạnh, người dân tập trung chi tiêu cho khoản thiết yếu.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm