Lâm Đồng: Xử lý cán bộ để xảy ra tình trạng khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép

UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu địa phương và cán bộ, công chức, viên chức bao che, buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo các sở, ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước, thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành cần kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không lắp đặt camera giám sát, trạm cân; không hồ sơ, chứng từ, hoá đơn không đầy đủ; các hành vi gian lận, khai báo sản lượng khoáng sản khai thác không đúng thực tế; khai thác gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo hoá đơn, chứng từ.

Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép. Nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi bao che, buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm trong công tác khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn.

UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra tình trạng khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép (Ảnh: Báo LĐ)

UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra tình trạng khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép (Ảnh: Báo LĐ)

Đối với các chủ đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh, cần phải quản lý chặt chẽ việc nghiệm thu, thanh toán, quyết toán các công trình, đặc biệt là công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, cần xem xét nguồn gốc hợp pháp của vật liệu xây dựng đã sử dụng; kiên quyết không nghiệm thu công trình sử dụng vật liệu không có nguồn gốc hợp pháp, không có hoá đơn, chứng từ theo quy định.

“Cục Thuế chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng điều chỉnh Đề án chống thất thu thuế trong lĩnh vực khoáng sản cho phù hợp với tình hình; đồng thời, tăng cường trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng trốn thuế, thất thu thuế trong hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 30/6/2021”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S chỉ đạo.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cũng yêu cầu Viễn thông Lâm Đồng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng Cục Thuế, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, khảo sát thực tế các vị trí mỏ khai thác khoáng sản của tất cả các tổ chức, cá nhân đang hoạt động; tham mưu, đề xuất giải pháp quản lý phù hợp, tránh tình trạng thất thu thuế và tài nguyên khoáng sản theo hướng thiết lập hệ thống giám sát hoạt động khai thác khoáng sản qua camera kết nối từ mỏ về cơ quan quản lý địa phương, cùng Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi.

Riêng, Sở Tài nguyên và Môi trường cần cung cấp đầy đủ, cụ thể về số lượng, địa chỉ mỏ, tình trạng hoạt động… của tất cả các tổ chức, các nhân đang hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn theo yêu cầu của Viễn thông Lâm Đồng.

Xem thêm

Người Việt đang đầu tư gì?

Người Việt đang đầu tư gì?

Tại Việt Nam có thể thống kê được 5 kênh đầu tư chính mà người Việt hay phân bổ vốn vào nhất gồm bất động sản, chứng khoán, tiết kiệm, trái phiếu và vàng đều là những lớp tài sản chính quy được pháp luật và nhà nước công nhận, bảo vệ và thống kê đầy đủ.

Có thể bạn quan tâm