Đề xuất ưu tiên đầu tư 112.325 tỉ đồng làm 2 đoạn đường sắt tốc độ cao

Trong số 9 tuyến mới được đề xuất ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030, ưu tiên hàng đầu là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với xây dựng trước 2 đoạn Hà Nội-Vinh, Nha Trang - TPHCM. Tổng nhu cầu vốn của dự án cho giai đoạn này là 112.325 tỷ đồng.
Đề xuất ưu tiên đầu tư 112.325 tỉ đồng làm 2 đoạn đường sắt tốc độ cao

Tại dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Cục Đường sắt Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT), mục tiêu đến năm 2030, vận tải hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,3%; vận tải hành khách 460 triệu khách, chiếm thị phần 1,08%.

Để đạt mục tiêu này, mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030 được quy hoạch theo 16 tuyến với chiều dài 4.746,4 km. Trong đó có 7 tuyến chính hiện hữu với chiều dài 2.378,4 km và quy hoạch để chuẩn bị, thực hiện đầu tư 9 tuyến đường sắt mới với chiều dài 2.368 km.

Trong số 9 tuyến mới được đề xuất ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030, ưu tiên hàng đầu là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với xây dựng trước 2 đoạn Hà Nội-Vinh, Nha Trang-TPHCM. Tổng nhu cầu vốn của dự án cho giai đoạn này là 112.325 tỉ đồng.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhìn nhận, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao là dự án đầu tư có tính lan tỏa, tạo sự thúc đẩy cho phát triển nhiều ngành như cơ khí, phát triển công nghệ cao.

Về nguồn vốn, ông Tiến cho rằng: "Trước mắt, khi đưa đường sắt tốc độ cao vào quy hoạch, chúng ta có thể thấy nguồn lực còn hạn chế, nhưng phải tính đến tương lai khi đất nước phát triển để còn có căn cứ huy động nguồn lực. Còn khi đã đưa vào chương trình đầu tư công sẽ có nhiều cách thức huy động từ ngân sách, vay ODA, phát hành trái phiếu Chính phủ...".

Cùng quan điểm về sự cần thiết cần xây dựng đường sắt cao tốc, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đánh giá, trong 10 năm tới nếu được thì đầu tư toàn tuyến đường sắt cao tốc là tốt nhất.

"Còn nếu phải phân kỳ, theo tôi nên đầu tư trước đoạn Hà Nội-Đà Nẵng, thay vì đoạn Hà Nội-Vinh như đề xuất để phát huy hết công suất của dự án và nhu cầu vận chuyển do tuyến kéo dài hơn. Thêm vào đó, khu vực miền Trung là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, khi đó sẽ xuất hiện nhu cầu từ các tỉnh Nam Trung bộ như Nha Trang đến TPHCM và từ Hà Nội đến các tỉnh thành miền Trung như Đà Nẵng. Từ đó cần làm đoạn Hà Nội-Đà Nẵng và TPHCM-Nha Trang trước, chứ không phải chúng ta “đo tiền” để làm đoạn Hà Nội-Vinh trước", ông Vũ Anh Minh nêu quan điểm.

Nói về vốn, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhìn nhận, đối với một dự án, quan trọng không phải giá trị vốn đầu tư bao nhiêu mà hiệu quả của dự án thế nào để quyết định đầu tư. Nếu hiệu quả đầu tư là lớn thì 100 tỷ USD vẫn phải làm. Đơn cử như khi Nhật Bản xây dựng tàu cao tốc Shinkansen họ vẫn phải vay để làm. Do đó, phải cơ bản lượng hóa được hiệu quả dự án đối với phát triển kinh tế-xã hội để quyết định lựa chọn đầu tư.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm