Làm gì để “triệt tiêu” tín dụng đen?

Thực tế cho thấy, việc giải quyết nạn tín dụng đen luôn là một bài toán khó không chỉ của riêng Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới, bởi nó đòi hỏi cần phải có các giải pháp đồng bộ trên nhiều lĩnh vực.
Làm gì để “triệt tiêu” tín dụng đen?

Tại phiên họp Quốc hội chiều ngày 9/11, đại biểu Trần Văn Cường - Đồng Tháp đặt câu hỏi Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm: Tín dụng đen đang hoành hành khắp cả thành thị lẫn nông thôn. Nạn nhân là những gia đình, cá nhân gặp khó khăn về kinh tế. Chúng đòi nợ theo kiểu xã hội đen, rất nguy hiểm cho con nợ, thậm chí người thân cũng bị chúng khủng bố, gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Thời gian qua, công an đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng chưa giảm mà hành vi xảo quyệt hơn. Vậy Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn?

Trả lời câu hỏi của đại biểu và báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, trong những năm 2018-2019, lực lượng công an đã trấn áp rất mạnh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

“Cho đến hiện nay, chúng tôi đánh giá thì tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế và nhiều chỗ đối tượng không dám hoạt động, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Thực tế, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” dù đã được đẩy mạnh nhưng chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao.

Thời gian qua, toàn ngành ngân hàng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm gia tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân phục vụ sản xuất-kinh doanh.

Bên cạnh chính sách tín dụng chung đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời tăng cường công tác truyền thông và thông tin để người dân dễ dàng nắm bắt và tiếp cận với các chương trình.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng tích cực phối hợp Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tín dụng đen.

“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tình hình tiềm ẩn nhất là cho vay qua mạng Internet và những nhu cầu tín dụng đen vẫn còn nhiều, do đó tội phạm vẫn còn đất để hoạt động mạnh”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Nhắc tới giải pháp trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Công an, thứ nhất là tiếp tục duy trì khí thế tấn công trấn áp mạnh tội phạm tín dụng đen như vừa qua đã làm, thực hiện đúng Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, đã phân công rõ trách nhiệm cụ thể trong từng ngành để giải quyết tín dụng đen.

Thứ hai, về mặt pháp luật, Bộ Công an đề nghị cần khẩn trương có những hướng dẫn để giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.Bởi lẽ vi phạm dân sự và hình sự đang có một khoảng cách rất mong manh, quan hệ vay tín dụng và thỏa thuận mức lãi thông thường là quan hệ dân sự, có sự đồng ý của cả bên vay và bên cho vay, nhưng đi quá phạm vi của việc đó hoặc có dấu hiệu lừa đảo, dấu hiệu phạm tội hình sự thì mới là phạm vi xử lý hình sự. Hoặc gọi là mức lãi suất cao chưa chắc đã là vi phạm về hình sự vì do 2 bên thỏa thuận với nhau, vì vậy, trong xử lý về tín dụng đen cũng có những khó khăn, vướng mắc về hình sự.

Thứ ba, về lĩnh vực ngân hàng, tiếp tục cần đa dạng hóa các hình thức cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đồng thời siết chặt quản lý tín dụng, không để các đối tượng lợi dụng nguồn tiền từ ngân hàng đưa ra hoạt động tín dụng đen. Bên cạnh đó là xây dựng hành lang pháp lý để quản lý các hoạt động tín dụng cho vay qua mạng internet.

Cũng có ý kiến tương tự với Bộ trưởng Bộ Công an, dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực cho rằng để giải quyết tín dụng đen thì giải pháp quan trọng đầu tiên là phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân và doanh nghiệp.

“Thực tế, lãi suất của các hình thức cho vay tiêu dùng từ ngân hàng hay các tổ chức tài chính hiện nay dù được cho là cao nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với tín dụng đen và được đưa ra trên nguyên tắc đồng thuận giữa người cho vay và đi vay. Hơn nữa, cho vay tiêu dùng cũng không đi kèm các hệ luỵ như tín dụng đen,” ông Lực nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững thị trường tài chính tiêu dùng, vị chuyên gia này cũng cho rằng cần phải có rất nhiều giải pháp mang tính đồng bộ. Theo đó, cần thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp và xã hội đối với cho vay tiêu dùng; tăng cường mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức cũng như vai trò của cho vay tiêu dùng. Đặc biệt, cần phải có một chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện cũng như giáo dục tài chính; đồng thời hoàn thiện khung pháp lý về cho vay tiêu dùng.

Xem thêm

Gói hỗ trợ tín dụng khó tiếp cận, tín dụng đen thừa cơ?

Gói hỗ trợ tín dụng khó tiếp cận, tín dụng đen thừa cơ?

Sau một thời gian liên tục bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, triệt xóa, người dân cũng đã phần nào cảnh giác nhưng trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài dẫn đến cuộc sống gặp nhiều khó khăn, các tổ chức tín dụng đen đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...