Làm rõ trách nhiệm của nhà thầu Trung Quốc ở dự án lỗ hơn 3.000 tỷ VND

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có những chỉ đạo về những tồn tại của dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình với nhà thầu Trung Quốc Hoàn Cầu.
Làm rõ trách nhiệm của nhà thầu Trung Quốc ở dự án lỗ hơn 3.000 tỷ VND

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa chỉ đạo về những tồn tại của dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình với nhà thầu Hoàn Cầu (HQC) của Trung Quốc.

"Theo đó, Phó thủ tướng khẳng định, việc xử lý tồn tại của hợp đồng EPC dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu. Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) nghiên cứu, chỉ đạo Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình và chịu trách nhiệm xử lý dứt điểm các tồn tại về hợp đồng.

Cụ thể, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu các bên rà soát tính pháp lý của hợp đồng EPC của dự án, bảo đảm tuân thủ các quy định về hợp đồng xây dựng.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng, trách nhiệm của các cá nhân trong quá trình thực hiện hợp đồng.

“Vinachem căn cứ vào kết quả giải quyết các nội dung tồn tại của hợp đồng để thực hiện quyết toán hợp đồng EPC. Đối với các nội dung công việc, gói thầu, hạng mục công trình độc lập hoàn thành đưa vào sử dụng, việc quyết toán thực hiện theo quy định Thông tư số 9 năm 2016 của Bộ Tài chính về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước”, văn bản nêu.

Liên quan đến việc hoàn thiện hồ sơ hoàn công, chủ đầu tư được yêu cầu phải thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng tại thời điểm thực hiện dự án. Việc khai bổ sung hải quan đối với giá trị vật tư, thiết bị, hàng hóa nhập khẩu được thực hiện theo Thông tư 38 năm 2015 của Bộ Tài chính về thủ tục thuế, hải quan. Việc hoàn thuế giá trị gia tăng thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Vinachem có trách nhiệm thu xếp vốn để thanh toán theo hợp đồng đã ký kết. Trường hợp vay vốn, Phó thủ tướng lưu ý chủ đầu tư cần có phương án vay, trả nợ hợp lý gửi các ngân hàng thương mại thẩm định, quyết định việc cho vay phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật.

Trải qua gần một thập kỷ xây dựng và vận hành giữa Đạm Ninh Bình và nhà thầu HQC vẫn chưa thể quyết toán. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ đầu năm 2013 đến nay, Vinachem đã tiến hành họp đàm phán chính thức với HQC 16 cuộc trong đó có 5 cuộc do Tổng giám đốc hai bên chủ trì để giải quyết những tồn tại của hợp đồng.

Đoàn đàm phán cấp cao cuối cùng họp từ ngày 22/10-24/10/2016, kết quả cho thấy có nhiều thông số không đạt. Qua nhiều cuộc đàm phán song chủ đầu tư Đạm Ninh Bình và phía nhà thầu HQC vẫn không thể đi đến thống nhất một số vấn đề.

Tổng giá trị hàng hoá, vật tư, máy móc được HQC kê khai và làm thủ tục hải quan là 326 triệu USD nhưng thực tế đến công trường lên tới 375,6 triệu USD. Như vậy, còn một bộ phận hàng hoá chưa được kê khai hải quan có giá trị 49,2 triệu USD.

Đạm Ninh Bình được chấp thuận đầu tư từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư 667 triệu USD, công suất 560.000 tấn Ure. Vốn chủ sở hữu của Vinachem khi đó là 100 triệu USD và được phía Eximbank Trung Quốc đề nghị cho vay 250 triệu USD với lãi suất 4% một năm, với điều kiện ký kết hợp đồng với tổng thầu Trung Quốc.

Năm 2016, Đạm Ninh Bình báo lỗ 1.078 tỷ đồng, nâng tổng lỗ luỹ kế vượt 3.300 tỷ đồng kể từ khi đi vào vận hành từ năm 2012. Năm 2017, nếu dừng hoạt động nhà máy sẽ lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng, còn nếu sản xuất số lỗ giảm xuống còn 250 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...