Như ThuonggiaOnline đã thông tin, Big 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã giảm lãi suất huy động 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Còn các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Thậm chí có ngân hàng còn giảm đến 0,9%/năm đối nhóm vay kỳ hạn trên 18 tháng như Techcombank, TienPhongbank.
Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm.
Như vậy, đợt giảm lãi suất huy động trên diện rộng đã diễn ra sớm hơn dự kiến. Bởi lẽ, trước đó, nhiều đơn vị chứng khoán đã nhận định, lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý 1/2023 và có xu hướng giảm từ quý 2/2023.
Đơn cử như báo cáo cập nhật vĩ mô của Công ty Chứng khoán VNDirect đã nhận định, lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý 1/2023 và đảo chiều, giảm dần kể từ quý 2/2023 dựa vào dự báo đỉnh chu kỳ tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở mức 5,25% vào cuối tháng 5/2023, khi đó áp lực lên tỷ giá có thể hạ nhiệt đáng kể trong nửa sau của năm 2023.
Thậm chí, Chứng khoán Vietcombank từng đánh giá, mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng sẽ duy trì ở mức cao ít nhất là đến giữa năm 2023. Trong bối cảnh cạnh tranh huy động, Chứng khoán Vietcombank cho rằng, nhóm ngân hàng thương mại quy mô nhỏ và vừa sẽ không điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn chính. Dự báo, lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 với mức tăng 1 - 1,5 điểm phần trăm.
Cũng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm; đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.