Điển hình khi nhắc đến HNF, nhà đầu tư ắt hẳn sẽ nhớ về sự biến động lớn trong cơ cấu cổ đông khi nhiều đơn vị tổ chức lẫn cá nhân liên tục mua vào bán ra ngay sau Vinataba thoái vốn, thì mới đây nhất, Chủ tịch Trịnh Trung Hiếu mới đăng ký gom 1.7 triệu cp. Tại thời điểm đỉnh cao của đợt sóng và khi cổ phiếu HNF đánh rơi mất hơn 34% giá trị những ngày sau đó, ông Hiếu vẫn đứng ngoài cuộc chơi. Đến hiện tại, giá HNF đã dần hồi phục lên 36,800 đồng/cp, khả năng vị Chủ tịch này phải bỏ ra gần 63 tỷ đồng cho khoản giao dịch này, nếu thành công, tỷ lệ nắm giữ tại HNF sẽ được nâng lên 25%.
Chuyện gom không thành công toàn bộ lượng cổ phiếu đăng ký tiếp tục diễn ra ở VIB với Phó TGĐ Loic Michel Marc Faussier, ông chỉ mua được 416,500 cp trong tổng 900,000 cp đăng ký với lí do không đủ thời gian mua, nâng sở hữu lên 0.3% (1.7 triệu cp). Trước đó, vị Phó TGĐ này đã nhiều lần giao dịch bất thành hoặc mua rất ít so với lượng cổ phiếu đăng ký.
Tại VTX, Phó Tổng giám đốc Đỗ Hoàng Phương đang không sở hữu cổ phiếu nào đã gom được 1.6 triệu cp trong tổng số 2.1 triệu cp đăng ký, nâng sở hữu lên 7.83%. Trước đó, vị Chủ tịch Lê Bá Thọ cũng đăng ký mua nhưng số lượng chỉ có 150,000 cp và giao dịch cũng bất thành với lý do thị trường chưa phù hợp. Được biết, ông Thọ cũng là Phó Chủ tịch HĐQT của Kho vận Miền Nam (STG) hiện đang nắm 82.65% vốn tại VTX.
Cảnh người thoái ra kẻ phải mua vào ở nhiều doanh nghiệp cũng đã diễn ra tại IFC, cụ thể ông Nguyễn Hữu Phước là Thành viên HĐTQ kiêm Phó Giám đốc khả năng đã mua 600,000 cp từ việc thoái của vị Chủ tịch HĐQT Võ Ngọc Xuân vài ngày trước đó. Được biết, giao dịch bán của ông Xuân diễn ra tại thời điểm cổ phiếu IFC đang rớt giá suốt 2 tuần, còn ông Phước chỉ mới được bổ nhiệm lên Thành viên HĐQT hồi tháng 3/2017.
Còn ở RCD thì người trong muốn bán, người ngoài lại rất nhanh tay gom. Vị Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Mai Hoàng chỉ vừa mới thoái gần hết 7.7% vốn (410,700 cp), nhanh chóng trong cùng một ngày đã có một cá nhân khác là ông Trương Đức Dũng bỏ ra gần 10 tỷ mua đúng số lượng đã bị thoái. Mới lập đỉnh gần 50,000 đồng/cp giữa tháng 3, giá RCD lại nhanh chóng bay hơi hơn 47% giá trị để về 24,000 đồng/cp chỉ trong khoảng 2 tháng.
Trên hai sàn chính, giao dịch nội bộ cũng sôi nổi không kém.
Tại IVS, sau phiên giao dịch thoái toàn bộ 517,400 cp của Giám đốc Tài chính Tạ Thị Kim Chung, thì mới đây Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Đoàn Ngọc Hoàn cũng muốn bán 500,000 cp trong tổng 1.5 triệu cp nắm giữ. Cùng với kế hoạch nới room lên 100%, hai động thái song song gom cổ phiếu của các cổ đông, lãnh đạo người Trung Quốc và việc thoái vốn từ dàn đứng đầu là người Việt, khả năng IVS đang mở đường cho việc thâu tóm từ một đơn vị tài chính đến từ Trung Quốc!?.
Sau khi chào bán gần 12.5 triệu cổ phiếu SMC cho 3 nhà đầu tư, trong đó chủ yếu là cho Tập đoàn Hanwa, Nhật Bản (nâng sở hữu lên 20%), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Anh cũng có động thái muốn nâng sở hữu lên hơn 20% bằng việc đăng ký gom 200,000 cp, dù trước đó vài ngày ông mới mua đúng con số đó.
Tuần qua cũng đã có kết quả nhiều giao dịch thoái, điển hình ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc CII đã bán thành công 2.21 triệu cp, giảm sở hữu còn 0.19%. Tương tự, giao dịch bán 4.5% vốn tại SHN của ông Vũ Văn Tiền, anh rể Chủ tịch HĐQT Đào Mạnh Kháng, đã có kết quả với toàn bộ số cổ phiếu đăng ký đã được thoái thành công, giảm tỷ lệ sở hữu còn 4.76% (hơn 5.6 triệu cp) và không còn là cổ đông lớn./.
Theo Vietstock
>> Chốt lời cổ phiếu Bibica, ông chủ cũ của Maximark thu hơn 1 triệu USD