Trong khuôn khổ chương trình hợp tác toàn diện giữa hai Hiệp hội VACOD-HBA và ĐHQG Hà Nội, tại chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 8/7, hai Hiệp hội đã phối hợp với Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp - ĐHQG Hà Nội tổ chức cuộc tọa đàm bổ ích, thu hút đông đảo các doanh nghiệp hội viên quan tâm.
Chương trình do Chủ tịch VACOD và HBA, Thành viên Hội đồng Đại học Quốc gia Hà Nội - TS Nguyễn Hồng Sơn chủ trì. Thuyết trình tại cuộc toạ đàm góp mặt hai diễn giả gồm TS Lê Quang Minh, Phó Viện trưởng, Viện Công nghệ thông tin - ĐHQG Hà Nội và Ths. Phan Xuân Thắng, Giám đốc Trung tâm Quản lý Đào tạo và Bồi dưỡng, Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI-VNU) - ĐHQG Hà Nội.
Để chuyển đổi số không còn trừu tượng hay “hô khẩu hiệu”
Phát biểu đề dẫn cuộc toạ đàm, TS Nguyễn Hồng Sơn cho biết nhằm tăng cường nhận thức và tích cực thúc đẩy vấn đề chuyển đổi số, Hiệp hội cũng đã phối hợp, trao đổi với đối tác VNPT nhiều lần, như Hội thảo về chuyển đổi số vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, với mong muốn giúp các doanh nghiệp thành viên được tiếp cận thêm và làm rõ hơn về chuyển đổi số, Ban tổ chức đã mời tới chương trình diễn giả chính là TS Lê Quang Minh để thuyết trình rõ hơn về những khái niệm cơ bản, quá trình thực hiện và những mô hình doanh nghiệp đã áp dụng chuyển đổi số thành công…
Chính VACOD và HBA hiện cũng đang tổ chức triển khai áp dụng quản trị hệ thống bằng công nghệ số. Hiện chương trình này đã giao cho ông Nguyễn Phạm Tùng, Ủy viên Ban thường vụ VACOD, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ VACOD toàn quốc chịu trách nhiệm xây dựng các công nghệ quản trị cho hai Hiệp hội.
Về phía ĐHQG Hà Nội, TS Nguyễn Hồng Sơn cũng cho biết thêm lãnh đạo ĐHQG Hà Nội rất quan tâm đến chuyển đổi số nhằm đổi mới, phục vụ tốt hơn công tác nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo trong các trường thuộc hệ thống ĐHQG Hà Nội.
Mới đây, Hội đồng ĐHQG Hà Nội đã họp và thông qua đề xuất xây dựng Trung tâm Đào tạo trực tuyến để áp dụng chung cho các trường của ĐHQG Hà Nội. Đây là hướng đi mới phục vụ cho công tác tuyển sinh và đào tạo ở các địa phương phía Nam, với nỗ lực nhằm đa dạng hóa văn hóa vùng miền của ĐHQG Hà Nội, mục tiêu là thu hút sinh viên, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các tỉnh phía Nam…
TS Nguyễn Hồng Sơn đánh giá với lợi thế mà ít trường đại học nào có được là khu đô thị ĐHQG Hà Nội rộng lớn tại Hòa Lạc, ĐHQG Hà Nội cũng đã quyết định xây dựng chương trình tăng cường đào tạo kỹ năng cho sinh viên, nhất là các kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống như thể thao, võ thuật hay chương trình huấn luyện quốc phòng…
Theo TS Lê Quang Minh, câu chuyện chuyển đổi số đã “nóng” lên trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng doanh nghiệp cần quan tâm không chỉ đến vấn đề chuyển đổi số, mà cần hiểu rõ thực chất nội dung của chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số hiện nay.
TS Minh lưu ý rằng khái niệm chuyển đổi số hiện nay còn khá trừu tượng, kể cả định nghĩa do Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay chưa định nghĩa đúng về chuyển đổi số, vẫn đang cho rằng chuyển đổi số là ứng dụng công nghệ thông tin vào trong doanh nghiệp của mình.
Để hiểu về chuyển đổi số, cần phải biết bắt nguồn của chuyển đổi số là từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi bắt đầu quá trình tự động hóa dần các quy trình sản xuất dựa trên chia sẻ dữ liệu và kết nối. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là sự thông minh hóa dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số là cụ thể hóa của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
TS Lê Quang Minh cho biết, có 3 khái niệm quan trọng trong chuyển đổi số, lần lượt là số hóa chuyển dữ liệu từ dạng vật lý (analog) sang dạng số (digital); thứ hai là tin học hóa sử dụng máy tính thay thế cho công việc thủ công; thứ ba là số hóa quy trình đồng bộ kết nối giữa tin học hóa, liên thông phối hợp giữa các phần mềm nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
Còn Chuyển đổi số (digital transformation) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của mỗi cá nhân, tổ chức về cách làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số dựa trên các công nghệ mang tính đột phá của cuộc CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT) và công nghệ chuỗi (Blockchain)...v.v. Có 3 cấp độ chuyển đổi số là Số hóa; Số hóa quy trình; Chuyển đổi số.
Ông Minh nhấn mạnh khái niệm chuyển đổi số chính là hoạt động đổi mới sáng tạo sử dụng các công nghệ số, làm thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Trong đó, tổng thể, toàn diện là thay vì doanh nghiệp cung cấp một mặt hàng, thì sau khi chuyển đổi số có thể cung cấp thêm một số mặt hàng, dịch vụ mới dựa trên quy trình đã cải tiến, số hóa…
Thành công không có con đường và hình mẫu chung
Lấy ví dụ về một công ty kinh doanh vòng bi. TS Lê Quang Minh cho biết, với mô hình kinh doanh cũ: Bán vòng bi, giá vài chục USD/xe; doanh số vài triệu USD/năm. Vòng bi càng bền, chất lượng tốt, thì lại càng lâu thay. Sau khi chuyển đổi số, có các mặt hàng là dữ liệu từ việc sử dụng vòng bi như dữ liệu về tuyến đường; dữ liệu về chất lượng đường phục vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa; độ xóc, chất lượng của xe;... Công ty này đã sử dụng công nghệ như IoT, Big Data, Cloud, GPS…
Hay như Grab/Uber với khái niệm kinh tế chia sẻ sử dụng các công nghệ GPS, tìm kiếm thông minh, thanh toán điện tử… hoặc AirBnB với mô hình kinh doanh kết nối người cần thuê nhà, đặt phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua ứng dụng di động…
TS Lê Quang Minh lưu ý, chuyển đổi số là một quá trình đa dạng, không có con đường và hình mẫu chung cho tất cả, và do vậy, từng tổ chức, từng cá nhân cần xác định lộ trình riêng, thích hợp với mình.
Đặc biệt, Chuyển đổi số là câu chuyện chưa có tiền lệ, vì vậy, tầm nhìn phải thay thế kinh nghiệm. Do đó, muốn chuyển đổi số thành công, cần phải có sự vào cuộc của lãnh đạo doanh nghiệp.
“Trả lời trên Tạp chí Thương gia, tôi cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự vào cuộc của lãnh đạo doanh nghiệp: quan trọng là nhận thức, và cần có được một kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số mà cả CEO, CTO/CIO và CFO đều đồng thuận. Chính vì vậy, nhận thức được điều này, ở khu vực công, tổng tư lệnh cho vấn đề chuyển đổi số luôn là người đứng đầu tổ chức/doanh nghiệp”, TS Lê Quang Minh nói.
Về chuyển đổi số tại Việt Nam, nền tảng sau 20 năm phát triển ngành công nghệ thông tin đã có những bước nhảy vọt như tăng trưởng bình quân 37%/năm, năng suất lao động tăng gấp 7,6, đóng góp vào GDP gấp 28 lần so với 20 năm trước…Tại Quyết định 749/QĐ-TTg về triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, Chính phủ đặt mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Kinh tế số là một thành phần không tách rời của nền kinh tế quốc dân, được hình thành dựa trên việc sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm tư liệu sản xuất chính, sử dụng môi trường số và nền tảng số làm không gian hoạt động chính. Theo Quyết định 749, đến năm 2030 mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP, tạo nền móng vững chắc để trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Kinh tế số sẽ giúp thay đổi, tái cấu trúc, tối ưu hóa nền kinh tế Việt Nam. Riêng đối với doanh nghiệp sẽ giúp tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh.
Đối với các doanh nghiệp đang muốn chuyển đổi số mà chưa biết bắt đầu từ đâu và như thế nào, TS Lê Quang Minh gợi ý ĐHQG Hà Nội hiện có nhiều đơn vị, nhóm chuyên gia tham gia tư vấn các dự án về chuyển đổi số cho các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức. Không những thế, ĐHQG Hà Nội còn có nhiều nghiên cứu công nghệ về chuyển đổi số có thể chuyển giao cho doanh nghiệp.
Thay đổi tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp
Tiếp cận trực diện hơn về quá trình chuyển đổi số, Ths. Phan Xuân Thắng – với vai trò là đơn vị chuyên đi tư vấn về chuyển đổi số cho doanh nghiệp - cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đều đã có nhận thức về chuyển đổi số. Vị diễn giả vốn là chuyên gia được đào tạo từ Pháp về mạnh mẽ cho rằng chuyển đổi số là bắt buộc thay đổi để tồn tại.
“Hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi, vì mua hàng qua các ứng dụng trực tuyến. Đến hoạt động nhân sự trong doanh nghiệp cũng đang thay đổi, khi họp hay triển khai công việc cũng qua các nền tảng trực tuyến. Hay ứng dụng các công nghệ (HRTech) để đánh giá nhân sự có phù hợp với doanh nghiệp hay không”, Ths. Phan Xuân Thắng dẫn chứng.
Về chuyển đổi số, Ths Phan Xuân Thắng cho rằng có 3 điểm cần lưu ý.
Thứ nhất là nhìn nhận lại nhận thức về doanh nghiệp và sản phẩm của mình. Lấy ví dụ từ doanh nghiệp vòng bi, ông Thắng gợi mở lãnh đạo doanh nghiệp nên đặt ra câu hỏi: Sản phẩm của doanh nghiệp cần thay đổi như thế nào để thích ứng với thị trường. Như vậy sẽ đơn giản hơn so với việc đắn đo ứng dụng công nghệ nào, đầu tư thêm gì để cạnh tranh được với đối thủ.
Do đó, Ths Phan Xuân Thắng lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của lãnh đạo trong công cuộc chuyển đổi số.
Thứ hai là nhân sự trong chuyển đổi số. Nhấn mạnh nhân lực là nguồn lực của doanh nghiệp, Ths Phan Xuân Thắng cho biết công nghệ HRTech có thể giúp doanh nghiệp đánh giá, tuyển dụng nhân sự phù hợp với doanh nghiệp, đồng thời “vẽ” ra lộ trình thăng tiến, khiếm khuyết cần bồi dưỡng của mỗi nhân sự trong doanh nghiệp mình.
Theo ông Thắng, lãnh đạo không thể định hình chiến lược chuyển đổi số một cách hiệu quả nếu họ không hiểu rõ về bản chất và tầm quan trọng của chuyển đổi số. Điều này dẫn đến việc không tận dụng được tiềm năng của công nghệ số và các công cụ tuyển dụng, quản trị nhân sự mới. Do đó, không khai thác được năng lực của nguồn nhân lực một cách hiệu quả. Nhất là đối với các doanh nghiệp lâu năm, công nghệ cũ, thường có xu hướng ngại thay đổi.
Thứ ba là câu chuyện tài chính cho doanh nghiệp nói chung và công cuộc chuyển đổi số nói riêng. Rõ ràng với sự thay đổi của khách hàng, của nhân sự sẽ tác động đến quản trị dòng tiền. “Trước khi nghĩ đến mua gì, sắm gì để phục vụ chuyển đổi số, lãnh đạo doanh nghiệp liệu có đủ dữ liệu để nắm được những thay đổi dòng tiền này không?”, Ths Phan Xuân Thắng đặt vấn đề.
Trước khi doanh nghiệp muốn thực hiện chuyển đổi số, cần phải nhìn nhận lại thực tại của doanh nghiệp, phát hiện và khắc phục những điểm yếu, thiếu rồi sau đó mới tiến hành chuyển đổi số.
Thực tế, chuyển đổi số không nhất thiết phải thay đổi toàn bộ mà có thể chỉ tiến hành thay đổi một phần phù hợp tuỳ theo thực tế đòi hỏi với từng doanh nghiệp. Ths Phan Xuân Thắng cho biết có 3 cấp độ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Thứ nhất là thay đổi toàn bộ diễn ra ở một số ngành đặc thù đã lỗi thời và sẽ bị đào thải trong tương lai. Do đó phải thay đổi luôn nhận thức về cách thức vận hành và sản phẩm của doanh nghiệp.
Thứ hai là thay đổi về cách thức vận hành thường diễn ra ở các ngành sản xuất, cần sắp xếp lại và tối ưu hóa quy trình sản xuất, vận hành, chuẩn hóa và chuyển đổi số từng phần.
Thứ ba là thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng thường diễn ra ở các doanh nghiệp dịch vụ, thực chất là chuyển đổi số ở kênh bán, thay vì một kênh truyền thống thì có thể lên các sàn thương mại điện tử…
Chuyển đổi số “phả hơi nóng” từ báo chí đến doanh nghiệp
Trao đổi tại chương trình, Tổng Biên tập Tạp chí Thương Gia Nguyễn Thùy Dương thừa nhận, với ngành đặc thù như báo chí, cần thay đổi toàn diện.
“Thời điểm tôi mới làm báo, là đạp xe đi lấy tin, sau đó là lấy tin qua điện thoại, còn bây giờ có thể lấy tin trực tuyến”, Tổng Biên tập Tạp chí Thương Gia chia sẻ.
Cách đây 10 năm, câu chuyện về tương lai của báo giấy và tiềm năng của báo điện tử đã được đưa ra tranh luận và đều chung quan điểm là báo giấy sẽ “chết”, còn báo điện tử và các tạp chí chuyên ngành sâu sẽ là hướng đi sắp tới.
“Thói quen buổi sáng mở tờ báo giấy để đọc hiện tại gần như không còn, chỉ có một số người “cổ” may ra mới giữ thói quen đó. Còn hiện tại, mỗi người một chiếc điện thoại để cập nhật tin tức là đủ”, bà Nguyễn Thùy Dương thẳng thắn nói.
Nhìn nhận câu chuyện báo chí đang bị cạnh tranh khốc liệt, Tổng Biên tập Nguyễn Thùy Dương cho biết sắp tới Tạp chí Thương gia Online sẽ thay đổi mạnh mẽ hơn về hạ tầng công nghệ, kể cả áp dụng những điều mới mẻ như AI nhằm tăng cường chất lượng thông tin, tương tác mạnh hơn, gần gũi hơn với người đọc, thuận tiện cho phóng viên tác nghiệp. “Dù tạp chí đã thay đổi giao diện 2 lần, nhưng sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục thay đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của độc giả. Rõ ràng là sự thay đổi đang diễn ra với tốc độ chóng mặt và ai không thay đổi sẽ tụt lại sau”, Tổng Biên tập Nguyễn Thùy Dương chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, thuận lợi ở Tạp chí Thương gia là bộ khung nhân sự trẻ, hiểu rõ chuyên môn, yêu thích công nghệ nên có thể kỳ vọng quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra nhanh và nhẹ nhàng nhất. Tổng Biên tập Nguyễn Thùy Dương cho biết, dù đã tham dự khá nhiều chương trình thảo luận về chuyển đổi số, nhưng qua cuộc toạ đàm này càng nắm bắt và có hình dung rõ ràng hơn về chuyển đổi số.
Trao đổi tại toạ đàm, ông Nguyễn Phạm Tùng - Ủy viên Ban thường vụ VACOD, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ VACOD cho rằng AI, IoT, Big Data, Cloud Computing và Blockchain đang là những công nghệ hàng đầu và là xu hướng phát triển trên thế giới.
Về chuyển đổi số, vấn đề về quản trị doanh nghiệp và quản trị tài chính đã tốt hay chưa là những vấn đề thiết thực mà mỗi doanh nghiệp đều gặp phải.
Hiện Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ VACOD đang có chiến lược hỗ trợ các doanh nhân, doanh nghiệp thành viên thực hiện chuyển đổi số. Do đó, thay mặt Câu lạc bộ, ông Nguyễn Phạm Tùng mong muốn được liên kết chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị thành viên của ĐHQG Hà Nội.
“Thay mặt các thành viên câu lạc bộ, tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ được Viện Công nghệ thông tin và Khoa Quốc tế Pháp ngữ hỗ trợ, kết nối cho các doanh nghiệp trong vấn đề chuyển đổi số để có thể đi nhanh hơn”, ông Tùng bày tỏ.
Quan tâm đến cách sử dụng công nghệ bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Điểm Hội tụ châu Á - Site Asia đề xuất ĐHQG Hà Nội nên có các buổi đào tạo về kỹ năng số để có thể ứng dụng và áp dụng được những công nghệ mới nhất, phù hợp và tốt nhất. Chẳng hạn làm sao chỉ cần quét QR Code là có thể giới thiệu đầy đủ thông tin về một doanh nghiệp và doanh nhân đang sở hữu nó.
Về vấn đề trên, TS Lê Quang Minh cho biết trong chức năng nhiệm vụ của ĐHQG Hà Nội có các chương trình đào tạo trong thời gian ngắn dựa trên đặt hàng của khách hàng. Do đó nếu doanh nghiệp có nhu cầu về các kỹ năng số, có thể cùng một số doanh nhân khác cùng đặt hàng các viện, khoa của ĐHQG đào tạo những kỹ năng này.
Phát biểu kết thúc toạ đàm, TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh muốn chuyển đổi số thành công, lãnh đạo doanh nghiệp phải vào cuộc. “Lãnh đạo vào cuộc thì mới giải quyết được hai vấn đề. Đó là quán triệt thông suốt quá trình chuyển đổi số từ trên xuống dưới, thứ hai là giải quyết được bài toán chi phí cho chuyển đổi số”, TS Nguyễn Hồng Sơn quả quyết.
TS Sơn cho rằng về chuyển đổi số của từng doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp sẽ có một đặc trưng khác nhau nên quá trình chuyển đổi và kết quả chuyển đổi cũng khác nhau.
Dành lời cảm ơn hai chuyên gia diễn giả đã có những thuyết trình tâm huyết tại cuộc toạ đàm, TS. Nguyễn Hồng Sơn giao nhiệm vụ cho văn phòng hai Hiệp hội VACOD và HBA tiếp tục triển khai kết nối thông tin, giới thiệu bài thuyết trình hữu ích của TS Lê Quang Minh tới các doanh nghiệp hội viên, đồng thời đóng vai trò cầu nối để giúp doanh nghiệp tiếp cận và tìm hiểu rõ hơn về việc tư vấn chuyển đổi số mà ĐHQG Hà Nội có thể cung cấp.
Ngay tại buổi toạ đàm, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cũng chỉ đạo nóng hai Văn phòng VACOD, HBA và Tạp chí Thương gia phải là những đơn vị phải tiên phong đi đầu, đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong công tác hội viên của hai Hiệp hội cũng phải triển khai chuyển đổi số, tận dụng công nghệ để kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trên các nền tảng số. Chẳng hạn đổi mới việc đăng ký hội viên mới hoàn toàn có thể triển khai theo hình thức trực tuyến…
Trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên, Chủ tịch giao văn phòng Hiệp hội phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của ĐHQG Hà Nội để thực hiện chuyển đổi số để Văn phòng hai Hiệp hội tối ưu hoá hoạt động của mình. Nói thêm về hợp tác giữa VACOD và ĐHQG Hà Nội, TS Nguyễn Hồng Sơn cho biết sẽ phối hợp với Trung tâm Chuyển giao tri thức và Ban Xúc tiến đầu tư để có các chương trình đào tạo cả theo hình thức trực tiếp và trực tuyến cho các doanh nghiệp thành viên.
“Sẽ có các lớp đào tạo về các lĩnh vực chuyên sâu. Doanh nghiệp có nhu cầu về lĩnh vực nào sẽ đăng ký tham dự chương trình đó. Tôi đã đặt hàng một vấn đề rất thiết thực từ lâu mà chưa thực hiện được là đào tạo cấp phó. Đây là vấn đề mà không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả các cơ quan, tổ chức cũng rất cần”, TS Nguyễn Hồng Sơn nêu vấn đề.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn đánh giá việc tổ chức các cuộc toạ đàm quy mô nhỏ như thế này rất bổ ích và thiết thực hơn so với những cuộc hội thảo rình rang. Bởi quy mô hẹp nên các diễn giả và người tham dự có điều kiện tập trung sâu vào nội dung thuyết trình, trao đổi thực chất hơn và các doanh nhân tham gia cũng là những người có nhu cầu thực.
TS Nguyễn Hồng Sơn đồng thời khẳng định với những kết quả thiết thực trên, chương trình Bữa sáng Doanh nhân kết hợp tổ chức các cuộc toạ đàm chuyên đề đã bước đầu chứng minh được tính hiệu quả. Lãnh đạo VACOD, HBA sẽ có sự tổng kết toàn diện, khách quan vào cuối năm để xem xét triển khai chương trình tốt hơn trong các năm tiếp theo.