Theo đó, kể từ ngày 1/1/2016 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thay thế Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
Để khắc phục tình trạng trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng hình thức chỉ ký kết HĐLĐ có thời hạn dưới 3 tháng đối với công việc có tính chất thường xuyên trên 12 tháng, tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động và người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Theo khoản 1 Điều 124 Luật BHXH năm 2014, đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này là người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng sẽ được tham gia BHXH bắt buộc kể từ ngày 1/1/2018.
Cũng từ ngày này, phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Hiện có một lượng không nhỏ người lao động có hợp đồng lao động dưới 3 tháng. Quy định mới sẽ giúp nhóm lao động này được tham gia bảo hiểm xã hội, được trợ giúp khi gặp rủi ro như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, mất việc làm…
Về khâu tổ chức thực hiện, bảo hiểm xã hội sẽ cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp sổ, thẻ cho người tham gia mới. Hiện luật quy định thời gian là 20 ngày nhưng theo đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan này sẽ rút ngắn chỉ còn 7 ngày với người mới tham gia.