Sự kiện diễn ra nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3-5 tháng 11 năm 2021 của Ngài Phạm Minh Chính - Thủ tướng chính phủ Việt Nam.
Dự án được tài trợ bởi một khoản vay trị giá 24.65 triệu euro của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 1.5 triệu euro từ Quỹ Quản lý nước và tài nguyên (WARM) của Liên minh Châu âu. Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có mưa lớn và ngập lụt. Thành phố Điện Biên Phủ là thành phố lịch sử và du lịch tại vùng Tây Bắc của Việt Nam thường xuyên bị ngập lụt do lũ trên sông Nậm Rốm. AFD và Liên minh Châu Âu, thông qua Quỹ WARM, sẽ hỗ trợ thành phố 150 000 dân này giải quyết vấn đề ngập lụt và tăng cường khả năng chống chịu thông qua một dự án mới với một khoản vay trị giá 24,65 triệu euro cho các hạng mục cơ sở hạ tầng và một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 1,5 triệu euro dành cho hỗ trợ kỹ thuật.
Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2022 tới 2026 nhằm nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh Điện Biên, đặc biệt là ứng phó với lũ sông Nậm Rốm. Dự án sẽ góp phần giảm sạt lở bờ sông và ngập lụt đô thị, cũng như cải thiện điều kiện sống của người dân ven sông Nậm Rốm. Để đạt được mục đích này, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng và vận hành các công trình thủy lợi dọc sông Nậm Rốm (cải tạo kè sông, đập dâng).
Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ thành phố Điện Biên Phủ ứng dụng giải pháp kỹ thuật thuận theo tự nhiên với các giải pháp công trình thân thiện với môi trường và các công trình đa chức năng nhằm tăng khả năng trữ lũ trên sông tại những thời điểm lũ dâng cao.
Nhân dịp các thỏa ước tài trợ được ký kết, ông Hervé Conan, Giám đốc AFD tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được ký kết thỏa thuận tài trợ cho Dự án này, khẳng định khả năng của AFD trong việc hỗ trợ cải thiện khả năng chống chịu của các tỉnh dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu ở Việt Nam, phù hợp với chiến lược đầu tư của Việt Nam cũng như các cam kết mới đây của Thủ tướng Chính phủ Việt nam trong khuôn khổ hội nghị COP26 và cam kết quốc tế của Pháp”.
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, cho biết: “Liên minh Châu Âu rất vui mừng về việc ký kết hai thỏa ước tài trợ này. Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng, thúc đấy hơn nữa các khoản đầu tư cho thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo khả năng chống chịu cho sự phát triển của Việt Nam. Quỹ WARM sẽ tạo ra hiệu ứng đòn bẩy cho việc huy động các khoản đầu tư mới. Sáng kiến này hoàn toàn phù hợp với các ưu tiên toàn cầu của EU và mục tiêu của thỏa thuận Xanh – Green Deal - của EU, đồng thời giúp Việt Nam thực hiện các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Cùng với việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng, hoạt động hỗ trợ kỹ thuật sẽ được triển khai trong khuôn khổ dự án bằng một khoản tài trợ của EU thông qua Quỹ WARM. Hỗ trợ này nhằm mục đích tăng cường năng lực của các tác nhân địa phương trong việc thực hiện dự án và quản lý rủi ro đa thiên tai. Dự án cũng sẽ cung cấp cho chính quyền địa phương các công cụ hỗ trợ việc đưa ra quyết định tốt hơn trong quản lý rủi ro lũ lụt thông qua phân tích dữ liệu thủy văn và xây dựng mô hình thủy văn, thủy lực cho hệ thống sông Nậm Rốm.