Gia tăng sở hữu
Thống kê giao dịch cho thấy, trong phiên giao dịch ngày 29/5 vừa qua, khối ngoại đã bỏ ra 116 tỷ đồng để mua vào gần 900 nghìn cổ phiếu ROS. Đây cũng là phiên thứ 3 liên tiếp khối ngoại thực hiện mua ròng ROS. Tính chung cả 3 phiên giao dịch, khối ngoại đã gom tổng cộng 1,73 triệu cổ phiếu ROS, tương ứng giá trị 222,5 tỷ đồng.
Yếu tố dòng vốn ngoại cũng là nguyên nhân giúp cổ phiếu ROS tăng giá vững, từ mức 127.500 đồng trong 3 phiên vừa qua. Cũng lưu ý thêm, trước đó, ngày 24.5, sau 4 phiên đi xuống liên tục do các thông tin đồn đoán bất lợi với dụng ý xấu, khối ngoại đã bán ra 1,9 triệu cổ phiếu và đây là phiên bán ròng mạnh duy nhất của cổ phiếu này kể từ khi lên sàn.
Tuy nhiên, ngay khi giao dịch trở lại ổn định, lượng giải ngân đã tăng vọt trở lại. Tính từ đầu năm, khối ngoại đã có 5 tháng mua ròng liên tiếp đối với cổ phiếu ROS. Trong dòng vốn ngoại đổ vào thị trường với quy mô kỷ lục, lên tới 6.430 tỷ đồng trên HOSE từ đầu năm tới nay, thì ROS được giải ngân tới 667 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lên tới 10,3%.
Tác động của dòng vốn ngoại, với quy mô lớn chưa từng có đã có ảnh hưởng rất tích cực đến tâm lý thị trường và đến mặt bằng giá cổ phiếu - đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu bluechip. Với trường hợp của ROS, thời điểm tăng giá mạnh nhất trùng với sự kiện các quỹ đầu tư ETF thực hiện tái cơ cấu danh mục.
Cuối tháng Hai, ROS được thêm vào rổ chỉ số MSCI Frontier Market Index. Đầu tháng Ba, đến lượt ETF FTSE thông báo thêm ROS vào danh mục của quỹ, với tỷ trọng lớn thứ 5 (sau VNM, VIC, MSN, HPG). ROS đã có mức tăng giá 33,8% trong vòng 20 phiên đón đầu sự kiện này.
Đón đầu làn sóng
Db x-trackers FTSE Vietnam UCITS ETF (ETF FTSE) hiện đang là quỹ nắm giữ lượng cổ phiếu ROS lớn nhất với 2,97 triệu cổ phiếu, trị giá 16,7 triệu USD, tính đến ngày 29.5. Tuy nhiên đây không phải là quỹ duy nhất. Khối ngoại đang nắm giữ tổng cộng hơn 4,2 triệu cổ phiếu ROS, trị giá khoảng 667 tỷ đồng, theo giá đóng cửa phiên 29.5.
Ngày 26/5 vừa qua là ngày chốt dữ liệu để 2 quỹ ETF lớn nhất hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam thực hiện tái cơ cấu danh mục kỳ 2/2017. Ngày 2/6, ETF FTSE sẽ công bố danh mục và ngày 9/6 đến lượt quỹ ETF VNM. Ngày 16/6, 2 quỹ sẽ hoàn tất việc cơ cấu.
Đối với ETF FTSE, tỷ trọng của ROS trong danh mục đầu tư là 9,05%. Tuy nhiên theo dữ liệu của Blooomberg, tỷ trọng hiện tại chỉ còn 7,05%. Để đảm bảo giữ nguyên tỷ trọng, quỹ này sẽ phải mua thêm khoảng 700 nghìn cổ phiếu, tính theo giá hiện tại.
Đồng thời, theo dự báo của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), trong kỳ review này, ROS cũng có khả năng được thêm mới vào danh mục của ETF VNM với tỷ trọng 7%, do đã đáp ứng được đầy đủ các nhóm tiêu chí về thời gian niêm yết, thanh khoản, vốn hóa. Với tỷ trọng 7% trong danh mục trị giá 285 triệu USD mà quỹ đang quản lý, ROS dự kiến sẽ được mua vào 3,53 triệu cổ phiếu.
Tin vui với TTCK Việt Nam là đầu tuần trước, MSCI đã thông báo tỷ trọng rổ cổ phiếu Việt Nam trong danh mục của MSCI Frontier Markets 100 Index tăng từ 8,01% lên 12,63%, chỉ sau Argentina (20.42%) và Kuwait (19,67%). Việt Nam có 15 cổ phiếu trong đó có 6 cổ phiếu cũ là VNM, VIC, MSN, HPG, VCB và STB, thêm mới 9 cổ phiếu là SSI, ROS, HSG, TCH, KBC, NVL, DPM, PVS, SAB.
Quỹ iShares MSCI Frontier 100 ETF với tổng tài sản khoảng 600 triệu USD đang sử dụng chỉ số iShares MSCI Frontier 100 Index để làm cơ sở giao dịch có thể phải mua vào gần 28 triệu USD cổ phiếu Việt Nam. Theo đó, ROS được mua vào 730 nghìn cổ phiếu, từ ngày 31.5, để chiếm tỷ trọng 0,83% trong danh mục của quỹ đầu tư toàn cầu này.
Như vậy, trong vòng một tháng nữa, các quỹ đầu tư lớn có khả năng mua vào gần 5 triệu cổ phiếu ROS. Con số này chưa tính đến các hoạt động đầu tư dạng hiệu ứng “theo chân ETF” của các quỹ và nhà đầu tư nước ngoài khác.
Triển vọng dài hạn
Bên cạnh tác động tích cực (trực tiếp và gián tiếp) của các quỹ ETF trong tháng Sáu, thì ROS cũng đang và sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng dòng vốn ngoại.
Quan sát ở TTCK Việt Nam, những tiến bộ và nỗ lực vượt bậc trong thời gian qua về cải cách kinh tế vĩ mô, và nỗ lực nâng hạng thị trường nói riêng đã thu hút lượng đông đảo các nhà đầu tư và quỹ đầu tư tiếp xúc , tìm hiểu và khảo sát thị trường trong 5 tháng đầu năm. Sự bùng nổ dòng vốn ngoại với quy mô lên đến mức kỷ lục là một minh chứng.
Trriển vọng nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi đang dần hiện thực. Tháng Sáu tới đây, nhiều khả năng, MSCI có thể đưa Việt Nam vào danh sách quan sát tiềm năng (review list), đánh dấu bước tiến mới trong lộ trình nâng hạng thị trường. Trường hợp khả quan nhất, sau khoảng 2 năm, Việt Nam có thể gia nhập các thị trường mới nổi.
Các ước tính thận trọng nhất cho thấy, trong trường hợp này, dù chỉ cần đạt tỷ trọng tối thiểu trongcác thị trường mới nổi, Việt Nam cũng sẽ nhận được 800 triệu USD từ riêng các quỹ ETF tham chiếu bộ chỉ số MSCI. Nếu tính cả các quỹ tương hỗ và các quỹ đầu tư chuyên biệt, con số này có thể lên tới 3 tỷ USD trong vòng hai năm tới. Đây chỉ là một con số tham khảo, nhưng hoàn toàn có thể thành sự thực, nếu quan sát và so sánh thực tế những gì đã diễn ra tại các thị trường tương tự.
Nâng hạng thị trường là câu chuyện được nhắc đến nhiều thời gian gần đây, và không chỉ ở trên các phương tiện truyền thông. Lợi ích là rõ ràng và trên thị trường, những quỹ đầu tư năng động nhất đã khởi động đón đầu làn sóng này ngay từ bây giờ. Tâm điểm của dòng vốn ngoại là cổ phiếu thanh khoản cao, vốn hóa lớn, thỏa mãn tiêu chí của các quỹ đầu tư toàn cầu. Đây là nguyên nhân VNM, PLX, VJC, ROS, FLC-những cổ phiếu vốn hóa lớn và thanh khoản cao liên tục được mua ròng ở quy mô lớn từ đầu năm tới nay.
Trong một báo cáo phát hành đầu năm nay, Công ty CP Chứng khoán Artex đã khuyến nghị MUA VÀO và gia tăng tỷ trọng nắm giữ đối với cổ phiếu ROS, với giá mục tiêu dài hạn là 250 nghìn đồng. Là ứng cử viên thích hợp cho chiến lược chọn mua và nắm giữ những mã cổ phiếu đầu ngành, thanh khoản, vốn hóa lớn và đáp ứng các tiêu chí về quản trị tốt, đón đầu làn sóng đổ bộ của vốn ngoại, triển vọng dài hạn của ROS nhiều khả năng gắn liền với triển vọng nâng hạng thị trường.
Theo Huy Nguyên/ Bizlive
>> Sáp nhập FLC – Faros: Khi nào “hai ta về một nhà”?