Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom, mã chứng khoán: FOX) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2025 với lợi nhuận ròng đạt mức cao nhất từ trước đến nay, gần 884 tỷ đồng. Đây là quý thứ ba liên tiếp FPT Telecom duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2025, FPT Telecom ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.775 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng chú ý là sự cải thiện rõ rệt của biên lãi gộp, từ 48% lên 50,4%, cho thấy công ty đã tối ưu hóa hiệu quả quản lý chi phí giá vốn so với tốc độ tăng doanh thu.
Doanh thu hoạt động tài chính cũng đóng góp tích cực vào tổng lợi nhuận, đạt hơn 215 tỷ đồng, tăng 22%, trong khi chi phí tài chính chỉ tăng 10%. Mặc dù các khoản chi bán hàng và quản lý tăng lần lượt 24% và 11%, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Kết quả là, lãi ròng quý 2 đạt gần 884 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, thiết lập mức cao nhất theo quý trong lịch sử hoạt động của công ty.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, FPT Telecom đạt doanh thu thuần hơn 9.357 tỷ đồng và lãi ròng gần 1.649 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 19% so với cùng kỳ năm 2024. Với kết quả này, FOX đã thực hiện 47% kế hoạch doanh thu và 50% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Đây đều là những mốc bán niên kỷ lục mới, đồng thời đánh dấu năm thứ 11 liên tiếp FPT Telecom tăng trưởng doanh thu nửa đầu năm và năm thứ 8 phá đỉnh lợi nhuận bán niên.
Theo lý giải từ phía công ty, kết quả khả quan này đến từ việc tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng truyền dẫn, đẩy mạnh chăm sóc khách hàng, tối ưu chi phí, cải thiện năng suất lao động và hiệu quả hoạt động tài chính.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2025, tổng tài sản của FPT Telecom đạt gần 25.247 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền gửi ngân hàng ghi nhận mức kỷ lục 13.225 tỷ đồng, tăng gần 1.200 tỷ đồng, chiếm hơn 52% tổng tài sản. Riêng thu nhập từ tiền gửi và cho vay trong nửa đầu năm đã đạt hơn 353 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của FOX tăng hơn 2.300 tỷ đồng, tương đương 18%, lên 15.467 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ vay thuê tài chính ngắn hạn chiếm gần 9.173 tỷ đồng, tăng 40% so với đầu năm, chủ yếu là các khoản vay ngân hàng.
Giữa tháng 7 vừa qua, FPT Telecom đã ghi nhận sự thay đổi trong cơ cấu nhân sự cấp cao với việc 3 nhân sự, gồm bà Trần Thị Hồng Lĩnh, ông Phan Thế Thành và ông Đỗ Xuân Phúc, nộp đơn xin từ nhiệm. Bà Trần Thị Hồng Lĩnh và ông Phan Thế Thành đều là thành viên Hội đồng quản trị, trong khi ông Đỗ Xuân Phúc là thành viên Ban kiểm soát.
Lý do từ nhiệm được đưa ra là do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã hoàn tất việc chuyển giao quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại FPT Telecom về Bộ Công an. Sau quá trình này, SCIC không còn là cổ đông của FPT Telecom, do đó các cá nhân nêu trên cũng không còn là đại diện vốn tại doanh nghiệp.
Sau các đợt từ nhiệm, Hội đồng quản trị FPT Telecom hiện còn 4 thành viên gồm Chủ tịch Hoàng Việt Anh cùng các thành viên Hội đồng Quản trị là ông Trương Gia Bình, ông Nguyễn Văn Khoa và bà Chu Thị Thanh Hà. Ban kiểm soát chỉ còn 2 thành viên là ông Trần Khương và ông Phạm Xuân Hoàn.
Buổi bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước từ SCIC tại FPT Telecom về Bộ Công an diễn ra vào ngày 16/7, cũng là thời điểm FPT Telecom tiếp nhận đơn từ nhiệm của 3 nhân sự cấp cao nói trên. Trước thời điểm bàn giao (tính đến ngày 31/3/2025), FPT Telecom có hai cổ đông lớn, trong đó SCIC nắm 50,17% vốn, còn Công ty Cổ phần Tập đoàn FPT giữ 45,66% cổ phần.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FOX của FPT Telecom đang thu hút sự chú ý. Phiên giao dịch ngày 25/7, giá cổ phiếu FOX đóng cửa ở mức 73.000 đồng/cổ phiếu, giảm 1,08%, với khối lượng giao dịch đạt 233.600 đơn vị. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, mã này đã tăng hơn 18% trong 1 tháng và 33% trong vòng 1 năm qua. Mức giá này chỉ thấp hơn một chút so với đỉnh lịch sử 76.000 đồng/cổ phiếu thiết lập vào ngày 18/7. Thanh khoản bình quân hơn 115.000 cổ phiếu/ngày,