Lỗ hổng lớn tại Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam

Việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến những sai sót tại Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam cần phải được thực hiện nghiêm túc để tránh những vấp váp lớn hơn trong g
Lỗ hổng lớn tại Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam

Tùy tiện, “phớt” chỉ đạo

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn thành Báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) kèm theo Thông báo số 463/TB - KTNN.

Dự án VRAMP có tổng mức đầu tư 301,7 triệu USD, (trong đó vốn vay IDA của Ngân hàng Thế giới - WB là 250 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) là 1,7 triệu USD và đối ứng của Chính phủ là 50 triệu USD) Dự án có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực bảo trì đường bộ này được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án 3 (PMU3) là đại diện chủ đầu tư. Tính đến thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, Dự án VRAMP đã chạy được một nửa thời gian (năm 2014 đến 31/12/2020) và đang được Bộ GTVT tiến hành điều chỉnh đề xuất điều chỉnh dự án.

Trên thực tế, chỉ trong khoảng 4 năm đầu triển khai, trong đó có 2 năm triển khai trên thực địa, Dự án VRAMP đã xuất hiện rất nhiều va vấp, đặc biệt là từ phía chủ đầu tư (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) và đơn vị quản lý dự án (PMU3). Trong Thông báo số 463, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều va vấp trong việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý tài chính, kế toán tại Dự án VRAMP.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước khẳng định, cơ quan quản lý, điều hành Dự án đã không phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư khi dự án có điều chỉnh, bổ sung các hạng mục công trình lớn; lập thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư còn có sai sót với giá trị lên tới 184 tỷ đồng.

Liên quan đến công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán, chủ đầu tư và PMU3 bị Kiểm toán Nhà nước đánh giá là “chưa tuân thủ các quy định trong tiêu chuẩn áp dụng cho Dự án; quy trình và chỉ đạo của cấp quyết định đầu tư” làm tăng chi phí đầu tư lên gần 99 tỷ đồng.

Điều đáng nói là, PMU3 còn tiến hành phê duyệt điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công trong khi chưa phê duyệt điều chỉnh thiết kế kỹ thuật của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; chưa tuân thủ chỉ đạo của Bộ GTVT trong quá trình thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn giải pháp thiết kế, tính toán kết cấu... dẫn tới để xảy ra nhiều sai sót làm tăng giá trị công trình bất hợp lý. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán còn có nhiều sai sót với giá trị 196,56 tỷ đồng, nhiều gói thầu sau khi điều chỉnh có giá trị dự toán thấp hơn giá trúng thầu với tổng giá trị là 38,68 tỷ đồng.

Sự tùy tiện của PMU3 tại Dự án VRAMP thể hiện rõ nhất trong việc mua sắm thiết bị và vận hành quỹ bảo trì. Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc chủ đầu tư cho phép PMU3 mua sắm và sử dụng 4 xe ô tô với giá trị 1.055 triệu đồng/xe là quá tiêu chuẩn, định mức theo quy định; việc mua sắm các thiết bị văn phòng không căn cứ trên nhu cầu sau đó lại chuyển cho các đơn vị khác sử dụng là không hợp lý; cử cán bộ đi công tác nước ngoài, nhưng không có báo cáo kết quả học tập, không có hội đồng nghiệm thu.

Lỗ hổng lớn trong lựa chọn nhà thầu

Mặc dù được đánh giá là có nhiều kinh nghiệm quản lý dự án, nhưng PMU3 lại để xảy ra hạn chế lớn liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Theo đó, công tác lập kế hoạch vốn đối với nguồn vốn WB chưa sát với thực tế dẫn đến số dư trên tài khoản tại một số thời điểm là rất lớn (lớn nhất là 15 triệu USD và tại thời điểm kết thúc kiểm toán - tháng 9/2018) vẫn còn dư tới 11 triệu USD.

Tuy nhiên, lỗ hổng lớn và đáng quan ngại nhất tại Dự án VRAMP liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu - lĩnh vực lẽ ra phải thực hiện chuẩn chỉ, minh bạch nhất theo đúng yêu cầu của nhà tài trợ.

Theo Kiểm toán Nhà nước, PMU3 đã không phát hiện ra những gian lận trong quá trình chấm xét thầu tại gói thầu CP15 và CP17 dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Vụ việc gian lận đấu thầu tại Dự án VRAMP được phát hiện vào năm 2017 khi Thanh tra Bộ GTVT nhận được đơn tố cáo các nhà thầu Công ty CP Quản lý đường bộ Thái Bình (Lô RAP/CP15-QL6), Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ 234 (Lô RAP/CP17-QL6) đã kê khai doanh thu không đúng so với doanh thu thực tế kê khai trong hồ sơ dự thầu.

Đối với vụ việc này, Bộ GTVT đã quyết định cấm hai doanh nghiệp trên tham gia hoạt động đấu thầu tại tất cả các dự án do bộ này quản lý và dự án do WB tài trợ với thời gian là 3 năm. Ngoài ra, hai nhà thầu này còn bị chấm dứt hợp đồng với vai trò thành viên liên danh và bị tịch thu giá trị bảo lãnh thực hiện 2 hợp đồng nói trên.

Đây là mức phạt nặng nhất mà các chủ đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vốn ngân sách áp dụng đối với hành vi vi phạm trong đấu thầu.

Được biết, hiện Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và PMU3 có biện pháp khắc phục kịp thời những sai sót và xử lý các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã nêu tại Báo cáo kiểm toán kèm theo thông báo số 463/TB-KTNN.

“PMU 3 phải rà soát, báo cáo Bộ việc mua ô tô cho dự án theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo kết quả thực hiện về Kiểm toán Nhà nước và Bộ GTVT trước ngày 15/12/2018”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chỉ đạo.

Ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp lý về hợp đồng xây dựng dựa trên kết quả và chất lượng thực hiện (hợp đồng PBC), Dự án còn bảo trì theo hình thức hợp đồng truyền thống và xây dựng bảo trì theo hình thức hợp đồng PBC cho một số tuyến quốc lộ huyết mạch, gồm: Quốc lộ 2, 6 và 48. Xây dựng nâng cấp một số tuyến quốc lộ huyết mạch kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm: Quốc lộ 38B, 38 và 39.

Theo Anh Minh/Báo Đầu tư

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...