Lơ là quản trị tốt, nhiều doanh nghiệp lớn lao đao

Nhiều doanh nghiệp lớn đang đối mặt với những bất ổn tiềm ấn trong nội bộ, khi lợi ích của các cổ đông không được hài hòa. Thực tế này đang phát đi cảnh báo đỏ về chất lượng quản trị trong nhiều doanh
Lơ là quản trị tốt, nhiều doanh nghiệp lớn lao đao

Quản trị doanh nghiệp tốt bị lơ là

Những tác động tiêu cực tới hoạt động của Trung Nguyên sau vụ ly hôn đình đám giữa vợ chồng Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chưa thực sự lắng xuống, giới chuyên gia về quản trị doanh nghiệp tiếp tục chứng kiến những bất ổn tiềm tàng nổi lên do mâu thuẫn giữa các cổ đông của Vinaconex sau khi doanh nghiệp này thoái xong phần vốn nhà nước.

“Tôi cảm thấy tiếc, vì những mâu thuẫn nội bộ, cách ứng xử thiếu chuẩn mực của các cổ đông lớn đang làm yếu đi không ít doanh nghiệp vốn có tuổi đời và thương hiệu tốt. Nếu quản trị doanh nghiệp tốt được coi trọng, mâu thuẫn sẽ không xảy ra, hoặc có cách xử lý mà không ảnh hưởng lớn tới lợi ích chung của công ty, của các cổ đông”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích.

Thực tế, các cổ đông khi tham gia đầu tư vào một công ty có thể có mục tiêu, quan điểm khác nhau, từ đó dẫn đến sự kỳ vọng khác nhau về chiến lược phát triển của công ty hay khác biệt trong một quyết định đầu tư dự án cụ thể. Sự khác biệt này càng rõ giữa các cổ đông lớn, những cổ đông có đại diện trong HĐQT như trường hợp Vinaconex. Thậm chí, với trường hợp của Trung Nguyên, sự khác biệt nảy sinh giữa hai vợ chồng, cũng là hai cổ đông lớn, cùng tham gia điều hành.

Trên nguyên tắc của quản trị tốt, các bên liên quan, nhất là cổ đông khi thảo luận, quyết định các vấn đề liên quan đến công ty, sẽ phải hành xử vì lợi ích chung của công ty thay vì bảo vệ lợi ích của bên cổ đông cụ thể nào. Khi đó, các mâu thuẫn do sự khác biệt về mục tiêu, lợi ích sẽ được các bên cùng xử lý trên cơ sở lấy lợi ích chung làm nguyên tắc làm việc.

Nhìn lại một số trường hợp mâu thuẫn trong quản trị doanh nghiệp nổi lên thời gian qua, có thể thấy nguyên tắc này không được tuân thủ. Nhiều cổ đông lớn đã đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của công ty, của các cổ đông khác trong các quyết định liên quan đến chiến lược phát triển, trong các quyết định điều hành. Thậm chí, có nhóm cổ đông lớn tìm cách có càng nhiều “người của mình” tham gia vào HĐQT càng tốt, để có tiếng nói phục vụ lợi ích của mình.

Hệ quả, mâu thuẫn nội bộ bị đẩy cao, lợi ích của công ty và của đại đa số cổ đông bị tổn hại.

Đạo đức lãnh đạo chưa được coi trọng

Lý do ông Hiếu quan tâm tới quản trị doanh nghiệp vì đang nhận nhiệm vụ chắp bút cho Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp. Trong lần sửa đổi này, Ban soạn thảo đặt mục tiêu nâng cấp quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam.

“Sau 20 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, quản trị tốt vẫn đang là thứ xa xỉ với số đông doanh nghiệp Việt thì thật đáng lo”, ông Hiếu thẳng thắn. Năm 2019, Việt Nam tiếp tục đứng ở thứ hạng thấp về Thẻ điểm quản trị ASEAN, với mức điểm 42/120, đứng dưới cả Indonesia, Philippines. Vấn đề đáng lo hơn là quản trị thực tế trong doanh nghiệp đang kém hơn các quy định, nghĩa là việc tuân thủ thực sự có vấn đề.

“Tôi ở trong ban đánh giá Thẻ điểm quản trị ASEAN. Nếu đánh giá trên cơ sở quy định pháp lý, mức điểm của Việt Nam ngang với Indonesia, Thái Lan. Nhưng thực tế thực thi lại bị thấp hơn. Có những nội dung mà điều luật không thể với tới được,  mà quan trọng là sự lựa chọn của chính cổ đông trong doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Thực tế, Luật Doanh nghiệp đã quy định khá nhiều nội dung để thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện quản trị tốt, chuẩn mực, theo thông lệ quốc tế. Ví dụ như, sự có mặt của thành viên HĐQT độc lập, tính liên tục, kế thừa của HĐQT... Nếu tuân thủ đúng khung khổ này, sự thay đổi của cổ đông, kể cả cổ đông lớn, sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chất lượng thực sự của các điều khoản này không phụ thuộc vào chất lượng của văn bản luật. Trong khá nhiều trường hợp, thành viên HĐQT độc lập có đủ tiêu chí như quy định, nhưng lại không thực sự độc lập về tư duy, về hành động, thậm chí lại thiên về lợi ích của một nhóm cổ đông. Việc bầu HĐQT mới cũng vậy, có doanh nghiệp khi thay đổi cổ đông lớn đã thay đổi toàn bộ thành viên HĐQT, không có sự kế thừa, dẫn đến gián đoạn, thiếu liền mạch trong điều hành.

Ở nhiều nước, ngoài quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải tuân thủ bộ quy tắc về đạo đức nghề nghiệp. Đây là kênh bổ trợ quan trọng của quản trị doanh nghiệp, kiểm soát hành vi và đạo đức của các thành viên Ban quản trị, Ban giám đốc...

“Nhưng, ở Việt Nam, công cụ này cũng khá xa lạ” , ông Hiếu thừa nhận. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là Việt Nam chưa có thị trường về thành viên HĐQT độc lập. Các hiệp hội nghề nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng các tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, các cổ đông cũng chưa để tâm đến yêu cầu này.

Thậm chí, Luật Doanh nghiệp đã quy định một quyền quan trọng để cổ đông bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, đó là người quản lý có thể bị khởi kiện nếu không thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty; không trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông... Nhưng, suốt 20 năm có Luật Doanh nghiệp, ông Hiếu mới biết có một vụ cổ đông kiện người quản lý doanh nghiệp vì thiếu cẩn trọng trong thực hiện nhiệm vụ và được tòa tuyên phải đến bù cho doanh nghiệp.

“Các quy định này cho phép cổ đông giám sát thành viên HĐQT, Ban giám đốc và cũng cho phép họ có phương án giải quyết văn minh nếu có mâu thuẫn, tránh gây thiệt hại trực tiếp đến doanh nghiệp. Đây cũng là lời tư vấn của tôi với các trường hợp có mâu thuẫn về lợi ích trong các cổ đông trong doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Thắt chặt yêu cầu về quản trị doanh nghiệp

Trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, quy định mới về chuẩn mực trong quản trị doanh nghiệp, trách nhiệm của HĐQT, thành viên HĐQT, Ban giám đốc... được thiết kế hướng yêu cầu khắt khe hơn. Cụ thể, sẽ có những tiêu chí mới để chống kiêm nhiệm, chống những người có liên quan tham gia vào điều hành công ty...

Các quy định này có thể sẽ làm khó cho các doanh nghiệp, khi phải nâng cao chuẩn mực trong quản trị, nhưng về lâu dài sẽ tạo thói quen tốt trong thực thi quyền, trách nhiệm và đạo đức trong quản trị của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Đầu tư

Có thể bạn quan tâm

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hanel bà Bùi Thị Hải Yến phát biểu

Hành trình 40 năm Hanel: Ngọn cờ tiên phong, bền bỉ cống hiến

Trải qua 40 năm không ngừng sáng tạo và phát triển, Hanel đã khẳng định vai trò tiên phong trong ngành công nghiệp công nghệ cao, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô và cả nước…

Top 100 Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024

Vinh danh doanh nghiệp tiên phong trong hành trình chuyển đổi xanh

Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố danh sách 100 doanh nghiệp bền vững tiêu biểu, ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại sự kiện

17 doanh nghiệp Việt Nam giành giải UN Women WEPs Awards 2024

17 doanh nghiệp Việt Nam đã vinh dự nhận được danh hiệu WEPs Awards 2024 của UN Women cho những sáng kiến đổi mới và đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại doanh nghiệp, trên thị trường và trong cộng đồng hướng đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững tại Việt Nam…

Việt Nam có 9 đại diện được vinh danh tại ASOCIO DX Award 2024

Việt Nam có 9 đại diện được vinh danh tại ASOCIO DX Award 2024

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến một sự chuyển mình ngoạn mục trong lĩnh vực công nghệ số, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đều đang tích cực ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới...